Xót cảnh con trai 4 tuổi không dám đến gần vì người bố đầy sẹo
Những ngày giữa tháng 5/2018, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm trong ấp Cây Gòn (ngụ xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), nơi 4 người nhà anh Trần Thanh Mỵ (44 tuổi) đang sống nương nhờ nhà bà con sau sự cố anh bị điện giật, nhà cửa cũng phải bán đi để chữa bệnh.
Cuộc sống của gia đình anh Mỵ rơi vào bế tắc kể từ ngày anh gặp tai nạn bị điện giật lúc đi làm thêm.
Ánh mắt ngây thơ của Tín khi em chưa thể cảm nhận hết nỗi đau mà gia đình em đang gánh chịu.
Nằm co ro trên chiếc võng xếp, cầm trên tay ly nước vừa được con trai út rót cho, anh Mỵ cho biết từ lúc anh bị tai nạn khiến cả người bị phỏng nặng, toàn vết sẹo lồi lõm trên thân thể, bé Tín (4 tuổi) chưa bao giờ dám đến gần anh một mình.
"Thằng bé sợ lắm, cứ thấy anh là nó lại chạy. Nó không dám nhìn vào người anh, khuôn mặt lại biến dạng thế này, bản thân anh còn sợ chứ huống gì là đứa trẻ", anh Mỵ nghẹn ngào nói.
Theo anh Mỵ, trong lúc anh hàn điện trên mái nhà thuê cho người ta thì bị chập điện, tia lửa phát ra tung tóe khiến anh ngã nhào xuống đất, khắp cơ thể bị phỏng phải nhập viện cấp cứu.
Tín rất sợ nhìn thấy những vết sẹo lồi lõm trên cơ thể của bố.
Cứ mỗi lần gặp bố, Tín lại níu lấy mẹ vì sợ.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy, anh Mỵ đau đớn nói: "Hôm đó đúng ngày 30-12-2017, vợ chồng anh tính đi làm rồi ngày hôm sau nghỉ để đưa các con đi chơi đón Tết Dương lịch, ai ngờ đâu lại xảy ra chuyện. Anh cứ nghĩ hôm đó mình đã chết rồi, mấy ngày sau anh mới tỉnh dậy được, người thì cháy đen thui. Nhìn mờ mờ chỉ thấy vợ mình, con mình đang òa khóc. Cảm giác lúc đó kinh khủng lắm".
Phải mất 40 ngày nằm lì trong bệnh viện, tình trạng sức khỏe anh Mỵ mới dần ổn định. "Không biết anh đã trải qua bao nhiêu lần cắt ghép da, chỉ mê man biết là bác sĩ lấy da mình chỗ này để đắp vào chỗ khác, đau đớn vô cùng. Trong ngần ấy thời gian nằm cấp cứu, điều anh nghĩ lúc ấy là mình phải sống để lo cho vợ con", nói đến đây anh Mỵ bật khóc.
Anh Mỵ kể lại giây phút kinh hoàng anh gặp tai nạn, bị điện giật cháy hết cả người.
Kể từ lúc chồng gặp tai nạn, chị Ngọc thêm phần vất vả khi vừa phải chăm chồng, vừa lo cho con.
Khẽ đưa chiếc khăn lên mặt lau nước mắt cho chồng, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc sau những tháng dài đằng đẵng chăm anh Mỵ cũng trở nên tiều tụy. Sống chung với nhau ngót nghét cũng hơn 20 năm, có được 2 người con, dù anh Mỵ bị bệnh nặng nhưng chưa một giây phút nào chị Ngọc cảm thấy nản lòng.
Chị tâm sự: "Lúc ảnh trong phòng cấp cứu, chị sợ anh ấy sẽ bỏ ba mẹ con chị mà ra đi. Cũng may ông trời thương xót, anh ấy tai qua nạn khỏi. Giờ chỉ cầu mong cho những vết thương kia được chóng lành".
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để tiếp tục chạy chữa, cấy ghép da cho anh Mỵ nên cơ thể của anh Mỵ vẫn trong tình trạng bị lồi lõm, trông rất đáng sợ.
Anh Mỵ cho biết để có tiền chữa bệnh cho anh, mọi đồ đạc đáng giá nhất đều phải bán đi.
Khuôn mặt dễ thương, kháu khỉnh của Tín.
Không dám nhìn vào người bố, bé Tín thỏ thẻ nói: "Con sợ bố lắm, không dám đến gần bố đâu. Con muốn bố như trước kia cơ" rồi dụi mắt, nép vào lòng mẹ.
"Em muốn nghỉ học để đi mần mướn kiếm tiền giúp bố chữa bệnh"
Kể từ ngày anh Mỵ bị tai nạn, bao nhiêu tài sản, tiền bạc mà hai vợ chồng anh tích góp bấy lâu đều dồn hết vào những đợt phẫu thuật cấy ghép da. Đất vườn đã bán, nhà cửa cũng không còn, 4 người trong gia đình anh Mỵ lại phải đi nương nhờ nhà người quen.
Thương mẹ sớm hôm chạy vạy khắp nơi để mần mướn kiếm tiền lo cơm ngày ba bữa cho cả nhà, bố lại phải chống chọi với cơn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, em Trần Tường Vy (học lớp 10, con gái đầu của anh Mỵ) nhiều lần muốn nghỉ học để đỡ đần bố mẹ.
Cảm nhận được nỗi đau mà bố đang gánh chịu, Vy rất thương bố mà không biết làm sao để giúp đỡ.
Vy bật khóc, cầu xin bố mẹ cho em được nghỉ học để đi mần mướn kiếm tiền đỡ đần gia đình.
Nắm lấy đôi bàn tay chai sần của bố, Vy tâm sự: "Thấy bố mẹ như vậy, em cũng chẳng muốn đi học nữa, em tính đi làm thuê để kiếm tiền phụ gia đình nhưng bố mẹ không chịu. Bố bị như vậy, em không có sợ gì cả. Nhưng em chỉ sợ một mình mẹ sẽ kham không nổi, rồi vết sẹo trên cơ thể bố khó có thể khỏi được nếu không có tiền chạy chữa".
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bấp bênh chạy cơm ngày ba bữa nên dù đã 4 tuổi nhưng bé Tín vẫn chưa có giấy khai sinh. "Ảnh tính qua Tết đi làm khai sinh cho thằng bé rồi cho nó đi học mẫu giáo. Giờ thì ảnh xảy ra chuyện, chị cũng không biết khi nào Tín mới được đi học nữa", chị Ngọc chia sẻ.
Cuộc sống bế tắc của gia đình anh Mỵ khi phải ở nhờ nhà người thân, không có tiền để chữa bệnh.
Dù đã 4 tuổi nhưng Tín vẫn chưa được làm giấy khai sinh để cho đi học mẫu giáo.
Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài việc chăm sóc anh Mỵ, chị Ngọc phải đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, số tiền ít ỏi mỗi ngày kiếm được chỉ đủ để 4 người trong gia đình chị rau cháo qua ngày.
Nhìn những vết sẹo trên khắp người anh Mỵ, chị Ngọc bật khóc: "Chị cũng không biết cách nào, làm sao để giúp anh ấy có tiền để đi phẫu thuật cấy ghép da nữa. Số tiền vay nợ người thân, bạn bè còn chưa trả nổi, chị tuyệt vọng lắm. Cứ mỗi lần anh lên cơn co giật, miệng méo mó không nói thành lời, chị chỉ biết ôm ảnh mà khóc. Có khổ đến mấy, chị cũng chấp nhận, chỉ sợ hai đứa con phải nghỉ học giữa chừng".
Theo chị Ngọc, sức khỏe anh Mỵ tạm thời ổn định, có thể di chuyển đi lại được, riêng một cánh tay phải vẫn chưa thể cử động. Mọi sinh hoạt hằng ngày của anh Mỵ đều do chị Ngọc phụ trách.
Nuốt nước mắt nhìn vợ rồi nhìn 2 đứa con khờ dại, anh Mỵ xúc động nói: "Ai lại không muốn mình khỏe mạnh, được chữa trị đàng hoàng. Nhưng số anh đã vậy, phải chấp nhận thôi. Giờ làm gì còn tiền mà tiếp tục chạy chữa, chỉ mong phép màu giúp anh được bình phục để khỏi làm khổ vợ con".
Từ ngày xảy ra chuyện, chị Ngọc và Vy chỉ thầm mong có phép màu đến với gia đình mình...
Để giúp anh Mỵ có điều kiện tiếp tục được phẫu thuật cấy ghép da.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Trần Thanh Mỵ khi khắp người bị phỏng do điện giật mà không có tiền chạy chữa, hai con nhỏ có nguy cơ nghỉ học. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ để anh Mỵ có điều kiện chữa khỏi bệnh, hai đứa con khờ được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại anh Mỵ: 01696233100, chị Ngọc: 01635852757.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000660684.
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (vợ anh Mỵ), chi nhánh ngân hàng Vietcombank huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!