Một câu chuyện xảy ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc từng khiến dư luận bàn tán sôi nổi. Theo đó, ông Lý và bà Trương hiện đã gần 70 tuổi và có 8 cô con gái. Thời con trẻ, ông bà từng bị dân làng lôi ra cười đùa, chế nhạo vì chỉ sinh được con gái.
Khi 2 đứa con gái đầu lòng ra đời, dù yêu thương con nhưng vì bị cười nhạo liên tục nên ông Lý và vợ cố đẻ tiếp. Đến khi đứa con gái thứ 8 ra đời thì ông Lý đâm ra suy sụp, chán nản. Khi ấy, vì chính sách 1 con nên gia đình ông bị phạt rất nhiều tiền, gần như mất hết tài sản. Việc duy trì cuộc sống trở nên khó khăn. Dù muốn có thêm một đứa con trai nữa thì gia đình ông Lý cũng không có điều kiện.
Tin tức gia đình ông Lý có 8 đứa con gái không chỉ người trong thôn làng biết mà còn lan ra cả nước. Thậm chí, một số người còn ác ý, đánh kẻng mỗi lần ông Lý đi qua như để thông báo "đây là người đàn ông không có con trai nối dõi".
Những năm đó, ông Lý không thể đứng thẳng trước mặt dân làng, rất ít khi hòa mình vào đám đông vì sợ người khác "vạch trần khuyết điểm" của mình. Ông Lý và vợ quyết định làm việc chăm chỉ, sống đạm bạc và dành hết thời gian để nuôi 8 cô con gái.
Gia đình ông Lý có 8 cô con gái
Dưới sự nuôi dạy đầy tâm huyết của ông, cả 8 cô con gái đều rất hiểu chuyện, từ nhỏ đã phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. Con gái cả của ông năm 16 tuổi đã lên thành phố làm việc. Trong số 8 đứa con gái, có 3 cô học rất giỏi. Ông Lý biết được lợi ích của việc học nên cố hết sức nuôi các con ăn học. Sau khi tốt nghiệp, 3 cô đều vào thành phố, có cuộc sống tốt đẹp.
Sau này, các con của ông Lý lập gia đình, cô cả lấy chồng làm nông trong làng. Các cô còn lại lấy chồng làng bên hoặc chuyển lên thị trấn, thành phố sinh sống.
Tuy các con đều khôn lớn, ngoan ngoãn, có cuộc sống ổn định nhưng ông Lý vẫn bị cười nhạo. Dân làng ác ý cho rằng, "các con của ông vỗ cánh bay đi hết rồi, về già ai nuôi ông?". Nhưng thực tế thì sao?
Ở tuổi gần 70, ông Lý và bà Trương bắt đầu gặp các vấn đề về thể chất. Lúc này các con của ông thay phiên nhau đến chăm bẵm bố mẹ. Họ luôn mang theo các túi lớn, túi nhỏ đựng đồ bồi bổ cho cha mẹ. Không chỉ vậy, vào những ngày nghỉ lễ, con gái và con rể của ông đều đến nhà, quây quần ăn uống, nói chuyện vô cùng vui vẻ.
Trên bàn ăn, các con lần lượt nâng cốc chúc mừng vợ chồng ông Lý và nói những lời chúc tụng khiến đôi vợ chồng già cười vui không ngớt. Các con rể đều hiếu thuận, đối xử rất tốt với vợ chồng ông Lý.
Hai năm trước, 8 cô con gái đã cùng nhau góp 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) để mua cho bố mẹ một ngôi nhà mới trên thị trấn. Ngôi nhà ngay gần siêu thị, lại rất tiện đi lại bằng phương tiện công cộng. Ông bà Lý không còn phải chịu cảnh thiếu thốn dưới quê nữa.
Tin này khiến dân làng chết lặng, không ngờ ông Lý không có con trai nhưng hậu vận lại sung sướng đến thế. Trong khi đó, một số hộ dân trong làng có con trai nhưng về già lại sống khổ sở. Vì quá chiều chuộng nên con trai họ trở nên ích kỷ, người thì phá của, người thì đùn đẩy không muốn phụng dưỡng cha mẹ, người thì lờ đi khi vợ có thái độ không tốt với bố mẹ,...
Từ một người bị cười cợt, chế nhạo, bị gõ kẻng khi đi ra ngoài, giờ đây, ông Lý trở thành người thắng cuộc sau cùng, là người khiến cả làng phải ghen tị. Câu chuyện của ông Lý sau đó khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Hiện tại ở nhiều vùng quê, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn rất nặng nề. Họ cho rằng gia đình nào có nhiều con trai mới là phúc, về già có chỗ nương cậy. Còn gia đình nào đẻ con gái là phúc mỏng. Con gái khi trưởng thành lấy chồng, về nhà chồng, trở thành "vịt giời vỗ cánh bay đi". Chính tư tưởng cổ hủ này đã làm khổ nhiều gia đình, khiến nhiều bé gái chịu cảnh bất công, thiên vị.
Tuy nhiên, con trai hay con gái đều quý như nhau. Chỉ cần cha mẹ nuôi dạy đúng cách, bồi dưỡng cho con những giá trị tốt đẹp thì con gái sẽ khiến bố mẹ nở mày, nở mặt. Ngược lại, nuôi dạy không đúng cách, chiều chuộng quá mức thì con trai cũng có ngày khiến bố mẹ lao đao.