Theo Interesting Engineering, vào năm 2024, các nhà khoa học phát hiện ra sự thật thú vị về một loài cá có thể sống hơn 100 năm trong một hồ nước giữa sa mạc Mỹ, mặc dù điều kiện sống ở đây rất gian khổ.
Loài cá này được tìm thấy ở các ốc đảo, suối và các vùng nước khác trong sa mạc. Chúng sống sót trong những điều kiện cô lập và vẫn phát triển nhờ vào khả năng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của sa mạc.
Cụ thể, nhóm chuyên gia từ Đại học Minnesota đã tiến hành nghiên cứu về các loài cá sống tại hồ Apache, nằm ở phía tây nam của sa mạc Arizona. Đối tượng của nghiên cứu là loài cá trâu miệng lớn, thành viên của chi Ictiobus.
Họ đã thu thập các lát mỏng từ sỏi tai, bộ phận bằng canxi giúp cho việc giữ thăng bằng trong khi bơi, của 386 cá thể cá trâu sống tự nhiên, theo thông tin từ National Geographic. Sỏi tai là cấu trúc nhỏ tương tự như hạt đá, không ngừng phát triển qua các năm trong đời của cá. Mỗi năm, một lớp mới sẽ được hình thành trên sỏi tai.
Các chuyên gia có thể xác định tuổi của cá bằng cách phân tích các lớp trên sỏi tai thông qua kính hiển vi phức hợp và đếm chúng như đếm các vòng trên thân cây.
Kết quả sơ bộ cho thấy có nhiều cá thể cá từ 80 đến hơn 100 tuổi, điều này làm họ rất ngạc nhiên. Để kiểm tra lại kết quả này, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ. Kết quả thu được sau đó đã khẳng định sự chính xác của kết quả thu được bằng phương pháp đếm vòng tuổi.
Trong số cá trâu miệng lớn được phân tích, có 5 cá thể đã sống quá 100 năm. Một số cá thể của loài cá trâu có thể sống từ năm 1918 và chúng vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.
Năm 2019, một kỷ lục được ghi nhận là một con cái với trọng lượng 10 kg, bắt được ở gần Pelican Rapids, Minnesota, Mỹ, đã đạt 112 tuổi. Tháng 1/2023, các nhà nghiên cứu phát hiện một con cá trâu miệng lớn 127 năm tuổi ở Saskatchewan, Canada.
Phát hiện này làm cho cá trâu miệng lớn trở thành một trong những loài cá nước ngọt có tuổi thọ cao nhất trên thế giới.
Điều đặc biệt là loài cá trâu này có khả năng sống khỏe mạnh vượt qua độ tuổi 80 và 90, với phản ứng tốt hơn trước áp lực và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn so với những cá thể trẻ, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Cá trâu có khả năng sống sót nhiều thập kỷ giữa các chu kỳ sinh sản vì chúng cần điều kiện môi trường cực kỳ đặc thù để phát triển. Chính vì vậy chúng đã phát triển khả năng sống lâu để bù đắp cho những khoảng thời gian không sinh sản dài lâu. Ở Saskatchewan, có trường hợp cá trâu sống tới 50 năm mà không sinh sản, chúng chỉ đẻ trứng trong một phạm vi nhỏ và ổn định của mực nước.
Cá trâu lớn tuổi ít phải chịu stress và có khả năng đề kháng cao hơn những cá thể trẻ hơn nhờ khả năng chống lại vi khuẩn tốt hơn. Không những thế, tỷ lệ bạch cầu hạt trung tính và tế bào lympho trong máu của chúng cũng thấp hơn, điều này cho thấy mức độ stress thấp hơn.
Nhóm chuyên gia cho biết ban đầu, cá trâu được nuôi cấy trong các trại giống và các ao dọc theo sông Mississippi. Sau đó, vào năm 1918, chính phủ Mỹ đã thả chúng vào hồ Roosevelt, là phần thượng nguồn của hồ Apache ở Arizona.
Cá ở hồ Roosevelt từng bị bắt để mục đích thương mại theo thời gian, trong khi đó, dân số cá tại hồ Apache vẫn còn khá ổn định và không chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, gần đây, một số ngư dân địa phương đã bắt đầu sử dụng dây câu để đánh bắt cá trâu tại hồ Apache.
Sau khi quan sát thấy các đốm màu đen và cam bất thường trên cơ thể cá được bắt, ngư dân đã gửi mẫu về phòng thí nghiệm để các chuyên gia tiến hành phân tích. Và kết quả phân tích đã gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học vì họ tin rằng "không nhiều loài cá nước ngọt khác trên hành tinh có thể sống lâu đến vậy".
Sau đó, nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu để khám phá về mã gen của cá trâu, khả năng phòng chống nhiễm khuẩn và bệnh tật lâu dài của chúng, cũng như cách chúng thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt của sa mạc.
Nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề rằng tuổi thọ của cá trâu đã phá vỡ những tiêu chuẩn trước đây về sự già cỗi ở động vật có xương sống, đồng thời nêu lên các câu hỏi liên quan đến những cơ chế có thể góp phần làm tăng tuổi thọ của chúng. Họ tự hỏi liệu tuổi thọ đáng kinh ngạc của cá trâu có liên quan đến môi trường sống đặc biệt và khả năng thích nghi tiến hóa của chúng hay không.
Họ cũng suy luận rằng, trong vài chục năm qua, việc sinh sản của cá trâu miệng lớn không được thuận lợi. Nguyên nhân có thể là do hoạt động xây dựng đập của con người, làm cản trở chúng di cư về phía thượng nguồn để đẻ trứng.
Cá trâu miệng lớn (Ictiobus cyprinellus) hay còn gọi là cá đầu bầu, cá đầu cẩm thạch, cá trâu miệng đỏ, cá trâu, là loài đặc hữu của Bắc Mỹ và có trọng lượng có thể lên tới 36 kg. Chúng có phạm vi phân bố khá rộng, từ sông Red ở Manitoba, Canada và Bắc Dakota, Mỹ, cho đến sông Ohio và mở rộng về phía nam tới hệ thống sông Mississippi, xuống tận Texas và Alabama ở Mỹ. Đây là loài lớn nhất trong nhóm cá trâu, với chiều dài có thể vượt quá 4 feet (1,2 mét) và trọng lượng lên đến 65 pounds (29 kg). Trước đây, tuổi thọ lớn nhất được ghi nhận của loài này chỉ là 26 tuổi.
Môi trường sống tối ưu để cá trâu miệng rộng sinh sản là vùng nước có thảm thực vật ngập nước mới. Chúng là loài cá rất kiên cường có thể chịu được độ đục cao và mức oxy thấp. Chúng có thể được tìm thấy ở vùng nước có độ đục trên 100 ppm. Tổng chất rắn hòa tan tối thiểu là 200 ppm trong mùa sinh trưởng.
Thực tế, cá trâu miệng lớn thường bị gọi là "cá rác" do không được ưa chuộng làm thực phẩm và thường xuyên bị nhầm lẫn với cá chép, loài sinh vật ngoại lai gây hại ở Mỹ. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng, chúng có một vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái địa phương.
Loài cá trâu miệng lớn đang ngày càng trở thành đối tượng săn bắn bằng cung tên phổ biến. Tại phần lớn các bang nơi chúng phân bố, không tồn tại quy định nào giới hạn việc săn bắt cá trâu miệng lớn cho mục đích thể thao hay thương mại.
Ở Hoa Kỳ, cá trâu miệng lớn không nằm trong danh sách các loài động vật bị đe dọa, nhưng lại nhận được sự chú ý đặc biệt từ các nhà bảo tồn ở Canada. Các nhà khoa học hy vọng rằng những phát hiện mới về tuổi thọ đặc biệt dài của loài này sẽ thúc đẩy mọi người quan tâm hơn đến việc bảo tồn chúng.