Vũng Tàu không chỉ nổi tiếng là thành phố biển thơ mộng mà nơi đây còn sở hữu phong cảnh hữu tình, những ngọn núi chất chứa bao câu chuyện xưa, trong đó có núi Nhỏ (núi Tao Phùng) - điểm đến ưa thích của nhiều người.
Núi Nhỏ còn được gọi là núi Tao Phùng, với diện tích khoảng 120ha, độ cao hơn 170m. Nằm sát biển cùng với núi Lớn tạo nên "tấm bình phong" che chắn cho TP. Vũng Tàu. Người ta thường gọi núi Nhỏ là "núi hai ngọn" vì nơi đây được tạo thành từ hai đỉnh núi, đỉnh cao hơn là nơi tọa lạc của ngọn hải đăng, đỉnh thấp hơn là nơi đặt tượng chúa Giêsu.
Đứng trên núi nhỏ, có thể phóng tầm mắt nhìn ra xa cả trung tâm TP. Vũng Tàu. Ảnh: @demraphoinang
Góp phần vào không khí trong lành của TP. Vũng Tàu, núi Nhỏ được ví như lá phổi xanh ôm ấp cả thành phố. Từ chân núi Nhỏ men theo cung đường vong quanh lên đến đỉnh có thể nhìn được toàn cảnh thành phố, ngắm sự thanh bình của hai bãi biển Hương Phong và Vọng Nguyệt.
Trên đường lên núi Nhỏ có rất nhiều điểm check-in mà khách du lịch lẫn người dân ở đây đều thích thú, chẳng hạn như hàng cây bông gòn độc nhất vô nhị, Ngọn Hải Đăng (được xây dựng vào năm 1862), tượng Chúa Kito Vua đặt trên đỉnh núi Nhỏ. Bức tượng này cũng được xác lập là "Tượng chúa Giêsu lớn nhất khu vực Châu Á" vào năm 2012 - đây cũng là biểu tượng của TP. Vũng Tàu.
Trên đỉnh núi Nhỏ là ngọn hải đăng và tượng Chúa Giêsu. Ảnh: @demraphoinang
Ngoài những địa điểm cực kỳ nổi tiếng đó, có một hang nhỏ ở ven đường đi đặt rất nhiều tượng nhỏ, đều là tượng Thần tài.
Hang nhỏ lùi sâu trong thân núi, đặt một "quần thể" toàn tượng Thần tài. Chia sẻ về "sự lạ" này, chị Anh Thư sống tại TP. Vũng Tàu cho hay: "Có nhiều gia đình khi thay đổi bàn thờ, người ta không vứt tượng ra sông, ra suối mà người ta sẽ mang lên đặt ở đây. Cứ thế, đến bây giờ tạo thành một "thần thể" tượng nhỏ như vậy. Rất nhiều người đi qua đây cũng tò mò quay lại xem".
"Quần thể" tượng Thần tài, Ông Địa được xếp gọn gàng, ngăn nắp trong hang nhỏ trên sườn núi, nhìn ra vùng biển bao la bình yên. Mặc dù không ít người khi dỡ bỏ hoặc thay đổi bàn thờ thường mang tượng cúng "thả trôi sông" với ý nghĩa cho mát mẻ nhưng vô tình điều này lại làm ô nhiễm môi trường nhiều hơn. Bởi vậy, việc đặt tượng tại một hang nhỏ trên núi Nhỏ, vẫn có bát hương phía trước, thỉnh thoảng có người đi ngang qua thắp nén tâm hương cũng là một điều rất đẹp ở thành phố biển này.
Bất cứ ai từng đến Vũng Tàu cũng đều sẽ ghé cặp núi Lớn - Nhỏ, một nét đẹp hoang sơ của nơi này. Nếu như núi Lớn được ví là con rồng xanh nằm sát biển thì núi Nhỏ giống như cái đuôi của con rồng ấy. Trong Gia Định thành thông chí, núi Lớn còn được gọi là thác Cơ Sơn, dáng như rồng xanh tắm biển, ở phía đầu núi thường có rái cá nên dân gian cũng gọi là núi Ghềnh Rái.
Trên núi Nhỏ không chỉ có ngọn hải đăng đầu tiên ở Việt Nam (được Pháp xây dựng năm 1862), mà ở cuối núi Nhỏ hướng về phía Nam chính là mũi Nghinh Phong. Giống như cánh tay sải dài vươn ra biển, ôm lấy bãi Vọng Nguyệt phía Đông và Hương Phong phía tây, nơi này quanh năm đón gió. Cách đó không xa về phía Đông chính là Hòn Bà - nơi có ngôi miếu thiêng thờ Thủy Long Nương Nương mà phải "xem ngày, tìm giờ" mới ra thăm được.
Núi Nhỏ, còn được gọi là núi Tao Phùng. Cái tên Tao Phùng này gắn liền với một truyền thuyết từ xa xưa. Chuyện kể rằng, khi xưa công chúa con vua Thủy Tề biến thành cá vàng đi chơi. Một ngày nọ, khi đang tung tăng bơi lội thì bỗng sa vào lưới của một chàng trai, chàng liền thấy con cá đẹp mang về núi nuôi. Một khi đi kéo lưới về, không thấy cá vàng đâu, chỉ thấy một cô gái xinh đẹp. Biết rõ ngọn nguồn, cảm mến nhau, hai người đã nên duyên vợ chồng.
Nhưng vốn dĩ là công chúa Thủy Tề, sau quãng thời gian hạnh phúc, nàng bị "bắt" trở về dưới hình dạng cá vàng. Mặc dù chàng trai đã van xin nhưng chẳng được, từ ấy, cứ 5 năm một lần, cá vàng mới được bơi về núi Nhỏ để gặp lại chồng mình. Chính tên núi Tao Phùng (gặp gỡ không hẹn trước) được truyền đời theo thời gian là minh chứng cho chuyện tình này.
Cũng giống như núi Nhỏ, núi Lớn bên cạnh cũng có một tên gọi khác là núi Tương Kỳ. Cũng theo truyền thuyết dân gian, vùng núi này từ lúc còn hoang vu có nhiều hổ dữ. Có hai ông cháu cụ giáo Hiếu (chính là thầy dạy của 3 anh em Nguyễn Huệ) là một trong số những người đầu tiên đặt chân lên núi này. Trong một lần khi đi hái nấm, cô cháu gái gặp phải hổ dữ và may mắn được một người đàn ông giải cứu. Cảm kích vì sự hiệp nghĩa, người cháu gái đưa anh về gặp ông nội mình. Được biết, chàng trai là một trong những võ tướng của Nguyễn Huệ, người ông vui mừng khôn xiết khi gặp được người tốt để gả cháu gái. Chính lúc ấy, ông đặt tên ngọn núi này là núi Tương Kỳ (cùng hẹn ước) để kỷ niệm mối duyên lành này.