Vào cái năm Beto Goncalves bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp (1999), Đoàn Văn Hậu của chúng ta mới chỉ sinh ra. Khi ấy Beto khoác áo Sport Belem, đội bóng của thành phố Belem mà anh gia nhập từ khi còn là một cậu bé.
"Mỗi ngày, hai lần vào buổi sáng và buổi tối, tôi đến Sport Belem và trở về trên chiếc xe đạp hỏng", Beto nói với tờ Bola Sport. "Chiếc yên không thể cố định và tôi thường phải đạp trong tư thế đứng suốt 10km". Về sau, hành trình gian khổ này cũng chấm dứt khi anh chuyển đến đội bóng gần nhà hơn. Mãi đến năm 2005, Beto mới mua được một chiếc xe máy cà tàng.
Thành phố Belem nằm ở phía bắc Brazil, là cửa ngõ để tiến vào lưu vực Amazon. Tuy không nổi tiếng như các địa phương khác về bóng đá, nhưng mảnh đất này tự hào đã sinh ra Socrates, "nhà hiền triết", một huyền thoại góp phần tạo nên vẻ đẹp của bóng đá Brazil.
Beto Goncalves, ông già 38 tuổi của Indonesia.
Beto không có các phẩm chất tương tự Socrates, thậm chí cũng không đủ giỏi để xuất hiện ở Serie A, giải đấu cao nhất tại Brazil. Trong suốt 10 năm, anh lang thang ở 12 CLB khác nhau tại các giải cấp thấp. Cuối cùng, ở tuổi 29, Beto quyết định xuất ngoại. Không phải châu Âu như phần lớn các tài năng xứ samba, anh đến Indonesia.
Bây giờ nhìn lại, đây là quyết định sáng suốt nhất của Beto. Tại đất nước vạn đảo, cầu thủ người Brazil nổi lên là chân sút hàng đầu, một "máy làm bàn" thứ thiệt. Mùa đầu tiên cùng Persipura Jayapura, anh ghi tới 18 bàn thắng. Sau đó, có cuộc phiêu lưu đến những CLB khác, bao gồm cả Penang của Malaysia, Beto chuyển tới Sriwijaya và thể hiện phong độ đáng kinh ngạc: ghi 58 bàn chỉ sau 74 trận.
Từ một cầu thủ vô danh trở thành thần tượng được sùng bái, đồng thời kiếm được cô vợ xinh đẹp người Indonesia, cuộc sống với Beto là thiên đường có thật. Tuy nhiên, anh vẫn muốn nhiều hơn thế. Bất chấp tuổi tác, Beto cố hết sức để đạt được giấc mơ từ thời thơ ấu: khoác áo ĐTQG.
Trong bối cảnh cạn kiệt tài năng, Indonesia phải dựa vào cầu thủ nhập tịch sắp bước sang tuổi 40.
Dĩ nhiên ĐT Brazil không có cửa cho Beto, kể cả thời điểm thiếu thốn tiền đạo. Và anh nghĩ đến việc nhập quốc tịch Indonesia để hiện thực hóa giấc mơ.
Vào đầu năm ngoái, Beto được công nhận là công dân Indonesia. Ngay lập tức, anh được gọi vào đội tuyển… U23 dù đã 37 tuổi. Sau một vài trận, Beto chính thức gia nhập ĐTQG.
Có nhiều luồng dư luận trái chiều về sự kiện này, nhưng một thời gian, người dân Indo đều hài lòng xen lẫn tiếc rẻ, giá như Beto nhập tịch sớm hơn, hoặc trẻ hơn chục tuổi. Lý do là Beto ghi bàn sung quá, trở thành cầu thủ cán mốc 10 bàn nhanh nhất lịch sử khi chỉ cần 11 lần ra sân. Đột nhiên ông già 38 tuổi trở thành cứu cánh cho Indonesia, nhằm chặn lại đà suy thoái trong bối cảnh cạn kiệt tài năng.
Quế Ngọc Hải cùng các đồng đội chắc chắn khóa chặt Beto không mấy khó khăn.
Vậy, Beto, người nhiều hơn 5 tuổi so với cầu thủ già nhất của Việt Nam, Nguyễn Anh Đức, có thể mang đến rắc rối cho chúng ta? E là khó. Bởi nếu nhìn danh sách các nạn nhân của Beto, ngoại trừ Malaysia và Jodan, chỉ là Myanmar, Hồng Kông, Timor Leste cùng Vanuatu.
Thêm nữa, hàng phòng ngự có tính tổ chức và kỷ luật cao của HLV Park Hang-seo chắc chắn không có nhiều không gian cho Beto. Đồng thời sức trẻ của Duy Mạnh, Tiến Dũng cùng sự khôn ngoan của Quế Ngọc Hải đủ để bắt chết tiền đạo 38 tuổi, vốn đã không đủ nhanh và chịu áp lực tuổi tác.
Trong một lần phỏng vấn, Beto nói rằng tuổi tác chỉ là con số. Tuy nhiên hôm nay là dịp để anh nhận ra, bản thân thực sự đã quá già.