Bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia trước nguy cơ tử vong vì thiếu oxy

Nguyễn Mai, Theo VTV 14:50 05/07/2021

Tình hình thiếu oxy y tế ở Indonesia hiện đang diễn ra nghiêm trọng, 63 bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở nước này đã tử vong do hết nguồn oxy thở.

Máy oxy là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Đây là câu chuyện đang thấy rõ tại Indonesia. Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu của ngành y tế.

Trong những ngày này, bệnh viện công nơi bác sĩ Cheras Sjarfi làm việc ở phía Nam thành phố Jakarta, thủ đô Indonesia, phải tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Bệnh viện nhỏ này chỉ được trang bị những máy móc phục vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe cơ bản, nay phải điều trị cho số lượng bệnh nhân COVID-19 cao bất thường, do đó đặc biệt bị thiếu máy thở và thiếu oxy y tế .

Bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia trước nguy cơ tử vong vì thiếu oxy - Ảnh 1.

Oxy y tế phục vụ số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng cao bất thường bị thiếu trầm trọng (Ảnh: AP)

Bác sĩ đa khoa 28 tuổi này cho biết, tình trạng gia tăng số ca dương tính với COVID-19 đã nhanh chóng khiến việc điều trị bệnh nhân nặng trở nên khó khăn hơn và các bệnh viện thành phố đã hoạt động ở mức 93% trong tuần này. Những bệnh viện trên khắp đảo Java cũng gần như kín chỗ.

Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Indonesia và Bộ Y tế nước này đề nghị ngành, công nghiệp khí đốt ưu tiên sản xuất oxy để đáp ứng nhu cầu y tế, ước tính khoảng 800 tấn oxy mỗi ngày.

Bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia trước nguy cơ tử vong vì thiếu oxy - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp khí đốt Indonesia được đề nghị ưu tiên sản xuất oxy để đáp ứng nhu cầu y tế (Ảnh: AP)

Nhiều hạn chế mới cũng được áp đặt ở đảo Java và Bali như thêm điểm kiểm soát đi lại, cấm ăn uống tại nhà hàng và hoạt động thể thao ngoài trời, đóng cửa nơi làm việc không thiết yếu. Các biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực tới ngày 20/7 và có thể được gia hạn để đưa số ca nhiễm mới hàng ngày xuống dưới 10.000 trường hợp. Tuy nhiên, giới chức Indonesia cảnh báo, số ca nhiễm mới có thể tiếp tục tăng trong hai tuần tới, trước khi các biện pháp phát huy tác dụng.