Có biệt danh là Hunter, một người đàn ông 34 tuổi từng làm việc tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, mới đây đã chia sẻ với ấn phẩm phi lợi nhuận Rest of World về những hiểu biết và cảm giác của mình khi làm việc trong một xưởng lắp ráp iPhone.
Hunter nói rằng anh ấy đã làm việc ở nhiều vị trí tại nhà máy này trong hơn một thập kỷ qua và công việc cuối cùng là trên dây chuyền lắp ráp iPhone 14 Pro vào năm ngoái. Nhiệm vụ mỗi ngày của anh là nhặt phần nắp sau của iPhone và một sợi cáp để sạc pin, quét mã QR của chúng, bóc lớp băng dính ở mặt sau và nối hai phần bằng cách siết chặt hai con vít. Sau đó, anh đặt chiếc điện thoại dở dang lên băng chuyền để vận chuyển nó đến trạm tiếp theo.
Hunter phải hoàn thành nhiệm vụ này mỗi phút một lần. Trong một ca làm việc bình thường kéo dài 10 giờ, mục tiêu của anh là gắn 600 dây cáp vào 600 nắp iPhone, sử dụng 1.200 con vít. Mỗi ngày, sẽ có thêm 600 chiếc iPhone chưa được lắp ráp chờ đợi anh ở xưởng.
Minh họa một xưởng lắp ráp iPhone. Ảnh Restofworld
Nhà xưởng nơi anh làm việc không có cửa sổ, nồng nặc mùi clo, và mọi công nhân phải mặc áo choàng chống tĩnh điện và đeo khẩu trang. Mọi người chỉ có một tiếng để nghỉ trưa, nhưng nó được tính toán vô cùng nghiêm ngặt. Anh sẽ cần phải bù lại khoảng thời gian đã mất nếu đi vệ sinh hoặc uống nước. Đằng sau dây chuyền lắp ráp luôn có các giám sát viên hay “lãnh đạo dây chuyền”, những người sẽ theo dõi tiến độ của công nhân trên máy tính và thường xuyên nhắc nhở những người đang làm việc tụt lại phía sau.
Ấn tượng của anh về những người này là thói quen thường xuyên khiển trách mọi người. Anh đã chứng kiến một đồng nghiệp bị giảm lương vì uống nước quá lâu, trong khi một người khác bị la mắng vì chỉ lắp ráp được 40 bộ phận một giờ trong khi những người khác đã làm được 60.
Mặc dù hiếm khi là mục tiêu của chúng, nhưng anh nói rằng những lời la mắng liên tục giống như là một sự sỉ nhục. Nhiều đồng nghiệp của anh đã bật khóc vì căng thẳng.
Đôi khi, một công nhân, thường là người mới, quyết định rằng họ đã chịu đựng đủ và hét lại với giám sát viên. Nhưng các cuộc nổi loạn như vậy không bao giờ kết thúc tốt đẹp. Hunter cho biết những công nhân không vâng lời sẽ bị sa thải ngay tại chỗ hoặc bị cấm làm thêm giờ, một động thái khiến họ không còn lý do để ở lại nhà máy.
Hunter cho biết, mặc dù thỉnh thoảng có những lời đe dọa bạo lực, xung đột hiếm khi trở thành bạo lực, có lẽ vì cả công nhân và giám sát viên đều biết về các camera giám sát gắn khắp nơi. Nhưng có một hôm, sau bữa trưa, anh phát hiện ra một chiếc xe cảnh sát đỗ bên ngoài tòa nhà. Anh nhớ lại rằng một đồng nghiệp trước đó đã nói rằng một nữ nhân viên bất mãn vừa bị đuổi việc vì chọc vào mặt trưởng nhóm bằng súng bắn vít. Hunter sau đó nhận thấy vết thương trên người vị quản lý.
“Một số giám sát viên không thể sống một ngày mà không la mắng mọi người”, anh nói và cho biết mình ghét sự nhục nhã và tẻ nhạt của công việc trong dây chuyền sản xuất. Nhưng anh cũng như những người khác phải nghiến răng chịu đựng, vì mức lương cao được trả.
Theo báo cáo, nếu những người mới tuyển dụng làm việc theo ca 10 giờ trong sáu ngày một tuần, họ có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng, số tiền tương đương 1.474 USD.
Foxconn và Apple đã không trả lời các yêu cầu về câu chuyện này.
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Ảnh Internet
Khu phức hợp của Foxconn ở Trịnh Châu sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên thế giới. Được đặt biệt danh là “Thành phố iPhone”, nó có diện tích 5,6 km vuông và khi hoạt động hết công suất sẽ sử dụng khoảng 200.000 công nhân.
Đối tác chính Apple vận hành việc kinh doanh dựa vào phương thức sản xuất tức thời, nghĩa là hãng không tích trữ nhiều sản phẩm mà chỉ sản xuất iPhone khi người tiêu dùng đặt hàng. Do đó, mùa bận rộn nhất của các nhà máy bắt đầu vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10, khi Apple phát hành các mẫu iPhone mới và sẽ kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm cho đến Tết Nguyên đán, rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.
Khi nhu cầu toàn cầu về điện thoại mới tăng cao, Foxconn đưa ra mức lương và tiền thưởng cao hơn nhiều so với mức lương của các công việc phổ biến khác để đảm bảo dây chuyền lắp ráp của họ có thể chạy hết tốc lực. Người lao động, bao gồm cả những người di cư từ nông thôn và sinh viên đại học, thường đảm nhận khối lượng công việc nặng nề này, chấp nhận nghỉ các ngày lễ và tuân theo một lịch trình làm việc chặt chẽ để đủ điều kiện nhận tiền thưởng vào cuối tháng.
“Thật khó để kiếm sống ở nơi khác, vì vậy chúng tôi đã đến nhà máy”, một công nhân khác của Foxconn, người chịu trách nhiệm lắp ráp vỏ sau iPhone và yêu cầu giấu tên nói với Rest of World vào tháng 12. Từng là một đầu bếp, anh nói rằng mình đã phải sống bằng dư nợ thẻ tín dụng sau khi một nhà hàng mà anh ấy đầu tư bị đóng cửa. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc với mức lương cao ở Foxconn”, anh nói.
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2022, Hunter thỉnh thoảng rời công ty để làm việc tại các nhà lắp ráp khác của Apple ở miền nam Trung Quốc, cũng như kết hôn và điều hành một cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Đôi khi, anh nghỉ việc chỉ vì cảm thấy ghét một nhiệm vụ cụ thể được giao cho mình. Tuy nhiên, vì cả những công việc khác và cuộc hôn nhân đều không ổn định, anh luôn quay lại Foxconn, nơi có thể kiếm sống vừa có thể ở gần với gia đình.
Hunter cho biết khi nhà máy tiến gần đến sản lượng mục tiêu, cấp trên sẽ bắt đầu yêu cầu anh nghỉ giải lao 10 phút vào mỗi buổi chiều. Vào ngày 25/12 năm ngoái, lần đầu tiên trong tháng đó, người quản lý của anh đã yêu cầu anh ấy nghỉ một ngày. Hôm đó, anh đã dành vài giờ để chơi Liên minh huyền thoại tại một quán cà phê internet.
5 giờ chiều ngày 3/1, sau khi siết chặt gần 800 con ốc trong ngày hôm đó, anh xin nghỉ việc. “Ngày mai tôi sẽ không đến”, anh nói với người giám sát của mình.
“Được rồi”, đó là câu trả lời của người quản lý mà anh còn nhớ. Hunter sau đó vui vẻ bước ra khỏi xưởng và nhận ra rằng: “Cuối cùng thì tôi cũng được tự do”.
Công nhân trên dây chuyền sản xuất tại khu phức hợp Foxconn ở Thâm Quyến. Ảnh AP
Khác với Hunter, một số công nhân Foxconn có quan điểm tích cực hơn về công việc họ đang làm. Che, một sinh viên, nói rằng mặc dù cô cũng đang mong chờ kết thúc hợp đồng làm việc kéo dài hai tháng của mình, nhưng nó không khó hơn bất kỳ công việc nào trước đây, à cô từng làm như nhân viên bán mì ăn liền và lễ tân khách sạn. “Nếu nó tệ như họ nói, tại sao họ vẫn tiếp tục đến đây?”, cô nói về những đồng nghiệp của mình. “Không có cách nào dễ dàng để kiếm tiền cả. Nếu bạn có ý định kiếm tiền từ ai đó, bạn phải làm việc theo yêu cầu của họ.”
Jenny Chan, một nhà xã hội học của Đại học Bách khoa Hồng Kông, người đã nghiên cứu các vấn đề lao động tại Foxconn từ năm 2010, nói rằng điều kiện làm việc tại công ty này không phải là tồi tệ nhất ở Trung Quốc nhưng chúng vẫn cho thấy cuộc sống bấp bênh của các công nhân sản xuất. Họ được tuyển dụng hoặc bị sa thải sau những thăng trầm của thị trường điện tử toàn cầu và bị bỏ lại với rất ít kỹ năng hoặc triển vọng nghề nghiệp.
“Foxconn không bao giờ đặt mục tiêu có một lực lượng lao động ổn định có nguồn gốc, có quan hệ xã hội, đoàn kết hay có khả năng thương lượng. Họ luôn thay đổi, thay đổi và thay đổi,” Chan nói với Rest of World. “Những công nhân này sẽ không có con đường thăng tiến hoặc chia sẻ sự phồn vinh từ tăng trưởng của công ty”.
Vào ngày 9 tháng 1, Hunter rời nhà máy để trở về quê hương. Anh nói rằng hy vọng sẽ không phải quay lại Foxconn để lắp ráp cho loạt iPhone tiếp theo. Nhưng chính anh cũng không thể "hoàn toàn chắc chắn" về điều đó.
Tham khảo RestOfWorld, BI