Bạn mới tìm được một công việc tưởng như rất tốt, mang trong mình rất nhiều năng lượng cùng nhiệt huyết để bắt đầu làm việc. Nhưng sau vài ngày, bạn phát hiện ra công việc này dường như không dành cho mình, bạn cảm thấy khổ sở, khó chịu. Vậy phải làm thế nào?
Câu trả lời là: Hãy mạnh dạn nghỉ việc đi, đó thực sự là điều tốt cho cả bản thân bạn và nơi bạn đang làm việc. Họ cần tìm một người phù hợp, và bạn cũng cần tìm một cơ hội khác tốt hơn.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều người nói câu này. Tuy nhiên việc phù hợp hay không không chỉ phụ thuộc vào việc bạn vượt qua vòng CV, bài test hay vòng phỏng vấn. Nếu bạn tham gia vào các group về việc làm (trên facebook), nhiều người than phiền rằng phía công ty đã cho họ nghỉ việc chỉ sau vài ngày vì lí do không phù hợp, nhưng công ty cũng không nói rõ không phù hợp như thế nào. Và với những người đi làm như chúng ta cũng vậy, cũng không ít người cảm thấy không phù hợp với công việc hiện tại chỉ sau vài ngày đảm nhiệm vị trí.
Sự không phù hợp đến từ nhiều yếu tố:
Một vài yếu tố cá nhân: Có thể do bạn quá kì vọng vào công việc này nhưng khi nhận việc, mọi thứ không hề như bạn tưởng tượng. Chẳng hạn như bạn thấy chán nản khi phải đảm nhiệm nhiều công việc hơn mình nghĩ, không được làm đúng chuyên môn của mình, bạn muốn thử sức ở một lĩnh vực mới nhưng sau khi làm việc phát hiện ra nó quá sức với mình… Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ khiến bạn cảm thấy cần phải từ bỏ công việc này ngay.
Cũng có thể kể đến môi trường làm việc. Người bên cạnh ồn ào khiến bạn không thể tập trung, nơi bạn làm việc thường chia bè kết phái để nói xấu nhau và cũng không thể loại trừ khả năng bị leader, hay một người nào đó trong team chèn ép.... Những yếu tố tác động đến tâm trạng, cảm xúc của một người dễ khiến họ trở nên chán nản và mong muốn rời bỏ nơi làm việc để tìm đến những cơ hội tốt hơn.
Vậy nên đừng nói với những người muốn nghỉ việc rằng: “Nếu thấy không phù hợp, tại sao lúc đầu còn ứng tuyển vào”. Nếu không tiếp xúc, không thử, thì làm sao biết có phù hợp hay không, có giống như vỏ bọc bên ngoài không.
Một vài ý kiến cho rằng: “Không hề tốt cho cả hai bên, phía nhà tuyển dụng đã phải mất nhiều thời gian để tuyển cũng như hướng dẫn công việc, chỉ có người đi làm là không mất gì”.
Đúng là phía nhà tuyển dụng đã mất nhiều thời gian để hướng dẫn, dạy việc, nhưng phía người ứng tuyển, họ cũng phải bỏ ra bằng ấy thời gian để học việc. Với vai trò là người đi xin việc, đương nhiên chúng ta sẽ mong muốn trúng tuyển, được đảm nhận vị trí như mong muốn, làm việc một cách yên ổn. Chẳng ai hi vọng mình vừa làm vài ngày, còn chưa học việc xong đã phải đi tìm kiếm một công việc khác.
Thế nhưng không phù hợp tức là không phù hợp, chẳng thà từ bỏ để không phải mỗi ngày đi làm trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, không muốn làm việc. Nếu cứ phải như vậy, con người thật sự sẽ héo mòn theo thời gian. Bạn sẽ không hi vọng mình giống Đen Vâu đâu đúng không:
“Em biết không có đôi khi anh bế tắc?
Cảm hứng như bóng đèn chợt lóe tắt
Làm những công việc mà không thấy niềm vui
Lạc lõng đi về miền ngược và miền xuôi”
Khi viết điều này, tôi nhớ đến chuyện của chính mình. Tôi từng đảm nhận ở vị trí lên các nội dung bài viết theo yêu cầu. Trong thời gian viết bài, sẽ có lúc tâm trạng tốt, tâm trạng không tốt, lúc vui lúc buồn. Leader của tôi đã nói rằng: “Bất kể bài viết nào của em khi chị đọc lên cũng biết được rằng em viết trong lúc vui hay lúc uể oải, viết một cách nghiêm túc hay viết qua loa cho xong. Có những bài đọc lên mang đến cho người đọc những năng lượng tích cực, có những bài đọc lên khiến tâm trạng họ bị trùng xuống. Đó là do tâm trạng, chứ không phải do việc lựa chọn nội dung vui hay buồn”.
Điều đó cho thấy rằng bất kì việc gì chúng ta làm cũng bị tác động bởi yếu tố cảm xúc. Vậy nên khi bạn đã chán nản một việc nào đó, bạn không thể hoàn thành nó một cách hoàn hảo cũng như đặt hết tâm huyết cho những gì mình làm. Nhà tuyển dụng cũng sẽ không mong muốn tuyển bạn về để đem đến cho họ những kết quả không tốt.
Nghỉ việc coi như một cơ hội để họ tìm kiếm một người nhiệt huyết với công việc của họ, nghỉ việc cũng là để bạn tìm kiếm một nơi thật sự phù hợp hơn.
Mọi người sẽ luôn lo lắng về chuyện không có việc làm, nhưng tôi thì không. Bởi vì tôi tin vào năng lực của mình, vào những kinh nghiệm mình đang có khiến tôi cảm thấy dù thế nào, tôi cũng sẽ tìm được một công việc phù hợp hoặc sẽ cố gắng để nó phù hợp với hướng mà tôi đang đi.
Thời đại công nghệ đem đến cho con người rất nhiều cơ hội. Bạn có thể tìm việc bằng cách tham gia những group trên facebook liên quan đến kỹ năng, chuyên môn của bạn; rải CV, tìm trên các trang web tìm việc. Vậy nên, nếu bạn mới chỉ đi làm vài ngày và muốn từ bỏ một công việc không phù hợp cũng chẳng sao, đừng suy nghĩ về việc mất công việc này sẽ không tìm được công việc khác, hay suy nghĩ sẽ cố bám trụ ở đây… Nơi đó không phải chỗ dành cho bạn đâu. Bên ngoài kia có rất nhiều cơ hội, hãy đi đến nơi thuộc về mình. Lần 2, lần 3 vẫn không phải nơi phù hợp, thì bạn vẫn còn lần 4, 5,6… Cơ hội không chỉ đến một lần, bạn tự tạo ra cơ hội được mà.
Đừng ngồi ủ rũ ở nơi làm việc và suy nghĩ có nên nghỉ việc hay không. Nếu bạn không muốn nghỉ, bạn đã không phải do dự, thay vì ngày nào cũng suy nghĩ về điều đó, để cho đầu óc được thảnh thơi, tự tin mạnh mẽ mà nói rằng: “Tôi sẽ nghỉ việc, bởi vì bên ngoài kia vẫn còn rất nhiều cơ hội dành cho tôi.”
Hello GenZ - Chuyên đề ra đời nhằm mang đến những góc nhìn, quan điểm hay ho của chính người trẻ thế hệ GenZ. Các bạn sẽ được chia sẻ, tranh luận về những vấn đề cuộc sống, trường học, xã hội, tình yêu và cả sở thích. Tại đây, bạn sẽ thấy mình hiểu hơn thế giới quan màu sắc của người trẻ hiện đại.
Các bạn trẻ GenZ muốn tham gia cộng tác có thể gửi bài về địa chỉ: hellogenz@kenh14.vn.