Từ nhỏ đến lớn, chúng ta luôn được dạy rằng nội tâm quan trọng hơn bề ngoài. Dần dần lớn lên, tôi phát hiện, trong nhiều trường hợp, hình tượng của bạn càng tốt thì bạn càng dễ nhận được phần thưởng và sự đối xử đặc biệt. Về sau, tôi hiểu được, kiến thức và năng lực thực sự rất quan trọng, nhưng quản lý hình tượng cũng quan trọng không kém. Nó không chỉ giúp bạn nổi bật giữa đám đông mà còn khiến năng lực của bạn càng dễ dàng phát huy hơn.
1. Đây là thời đại nhìn mặt mà bắt hình dong
Bạn phải thừa nhận rằng những người ưa nhìn và ăn mặc đẹp thường gặp nhiều may mắn hơn.
Vân và Mỹ đã cùng nhau xin vào một vị trí trong cùng một công ty, nhưng kết quả hai người nhận được hoàn toàn khác nhau. Mỹ, đúng như tên gọi, xinh đẹp xuất chúng, ăn nói sắc sảo, EQ cao, nhưng khuyết điểm duy nhất trong CV của cô là trình độ học vấn thấp. Điểm mạnh của Vân là tấm bằng đại học, nhưng điểm yếu là ít nói, tướng mạo cũng bình thường. Yêu cầu đối với vị trí này là phải có bằng cử nhân và khả năng giao tiếp tốt, nên cả Vân và Mỹ đều rất thấp thỏm.
Khi đó, rất nhiều người nghĩ rằng Vân có cơ hội chiến thắng cao hơn, nhưng cuối cùng người nhận được thư trúng tuyển lại là Mỹ. Khi Mỹ còn đang kinh ngạc, người phỏng vấn nói với cô ấy: "Chúng tôi rất hoan nghênh bạn đến làm việc trong công ty của chúng tôi nên đã quyết định hạ thấp yêu cầu tuyển dụng". Cùng xin vào một vị trí nhưng kết quả lại khác nhau, chúng ta phải thừa nhận sức ảnh hưởng của ngoại hình trong trường hợp này.
Thực tế, trên đời này, mọi người đều nhìn mặt mà bắt đoán người, sắc đẹp chính là một loại đặc quyền. Bạn sẽ thường thấy những tình huống như thế này:
Những người ưa nhìn thường dễ nhận được sự giúp đỡ từ người khác;
Những người xinh đẹp thường nhận được ưu ái từ bên ngoài nhiều hơn;
Người có ngoại hình nổi bật khi ra ngoài thường gặp được nhiều may mắn.
Có người nói bề ngoài là do thượng đế ban tặng, điều này không thể thay đổi được. Câu nói này chạm đến nỗi đau của rất nhiều người, nhưng nó không hoàn toàn chính xác. Nếu không thể thay đổi tướng mạo thì có thể cải thiện khí chất, để cải thiện khí chất thì nên bắt đầu từ việc thay đổi cách ăn mặc.
Thái Khang Vĩnh từng nói: "Đừng thù ghét những người đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài. Đây là bản chất của con người, dù bạn có thù ghét thế nào đi chăng nữa, nó cũng sẽ không biến mất. Nó giống như một bức tường, dùng lòng thù hận không thể đánh đổ nó được đâu. Bạn chỉ có thể trèo qua bức tường đó, để người khác nhìn thấy bản thân bạn là đủ rồi".
Nếu không thể thay đổi thế giới, thì hãy thay đổi chính mình. Bạn không thể than vãn thế giới này xem mặt mà bắt hình dong, trong khi bản thân mình không chỉn chu, luộm thuộm và lười biếng.
2. Nhìn mặt đoán người, thực ra rất có đạo lý
Không phải vô cớ mà người ta đánh giá con người bằng vẻ bề ngoài, suy cho cùng, yêu cái đẹp là bản chất của con người. Theo trình tự nhận thức mà nói, khi chúng ta nhìn một người hay một sự vật, cái đầu tiên chúng ta nhìn là vẻ bề ngoài, chúng ta cũng dễ bị thu hút bởi những người có vẻ ngoài quyến rũ.
Trên thực tế, nhìn mặt đoán người rất có đạo lý. Bạn sống như thế nào, bạn chú trọng chi tiết đến đâu, câu trả lời đều nằm trên khuôn mặt của bạn.
Một lần, tôi cùng sếp ra ngoài đàm phán hợp tác với một khách hàng. Đối tác là một nữ khách hàng trẻ tuổi, công ty của cô ấy không lớn mạnh lắm, và trên thực tế chúng tôi cũng có nhiều lựa chọn khác. Nhưng cuối cùng, sếp tôi quyết định ký hợp đồng với cô. Tôi thấy rất khó hiểu, sếp tôi nói: "Làm việc với các công ty lớn có rất nhiều quy trình rắc rối, quy định cũng rất phức tạp. Ngược lại, anh sẵn sàng làm việc với các công ty trẻ, họ năng động và khá linh hoạt".
Tôi lại hỏi sếp: "Làm sao có thể khẳng định đó là đối tác đáng tin cậy được?".
Ông chủ mỉm cười đáp: "Nhìn mặt. Cậu nhìn cô ấy có một thân hình mảnh mai, đường nét khuôn mặt sắc sảo, trên cánh tay có vết tích của việc tập thể dục lâu năm, tất cả chứng minh cô ấy là một người sống có kỷ luật. Hợp tác với những người có kỷ luật, họ biết giới hạn của mình ở đâu nên càng yên tâm và đáng tin cậy".
Trong quá trình hợp tác sau đó, công ty của khách hàng này quả nhiên có tiềm năng rất lớn, hai bên đều rất hài lòng về nhau.
Tôi từng được nghe một đoạn như sau: Nhìn mặt đoán người thực ra rất công bằng. Tính cách thể hiện ở miệng, hạnh phúc thể hiện trên khóe mắt, dáng đứng thể hiện khí chất, dáng đi thể hiện nhận thức về chính mình, nét mặt thể hiện tâm trạng gần đây, lông mày thể hiện quá khứ, quần áo thể hiện thẩm mỹ, kiểu tóc thể hiện cá tính, sự nghiệp nhìn tay, tu dưỡng nhìn chân.
Cái được gọi là ưa nhìn không chỉ là đẹp ở xương thịt mà còn là cách nói chuyện, phong thái tự tin và khí chất tao nhã. Nhà văn Nhật Bản Souichi Otaku từng nói: "Bộ mặt của con người chính là một bản lý lịch". Diện mạo và khí chất của bạn thể hiện với người khác về những cuốn sách bạn đã đọc, những con đường bạn đã đi, bạn đang sống như thế nào và sẽ có cuộc đời ra sao.
3. Hình tượng quyết định thu nhập của bạn
Hình tượng của bạn có giá cả đấy. Hình tượng cũng là một loại nhu cầu, một loại giá trị, và nhiều trường hợp nó có thể được hiện thực hóa thành lợi ích thực tế.
Tôi từng thấy một câu chuyện như vậy.
Nhân vật chính là một ông chủ người Hàn Quốc, khi còn trẻ thì xách balo đi du lịch Châu Âu, vì đi du lịch bụi nên trong tay không có nhiều tiền. Một ngày nọ, anh ta đi đến cửa một cửa hàng bán đồ vest và nhìn thấy bộ đồ vest mà người mẫu đang mặc vô cùng khí chất. Anh không nhịn được mà bước vào cửa hàng, yêu cầu người phục vụ cho mặc thử bộ đồ này, rồi soi nhìn thành quả: "Bộ đồ này quá tuyệt".
Anh ấy rất muốn mua bộ đồ này, nhưng khi nhìn vào bảng giá, anh ấy lại lưỡng lự: Bộ vest này có giá 1,2 triệu won. Anh chưa bao giờ mua bộ quần áo nào đắt tiền như vậy, hơn nữa lúc đó trong tay anh chỉ còn đúng 1,2 triệu won. Nếu anh mua bộ đồ này, đồng nghĩa với việc tiền xe, tiền ăn và chi phí sinh hoạt cho các hành trình kế tiếp sẽ không được đảm bảo. Nếu anh ấy không mua, anh ấy sẽ mãi nhớ về hình ảnh bản thân mình trong bộ vest đó ở trong gương.
Trong anh mâu thuẫn không ngừng:
Đừng mua, mình còn trẻ, vẫn còn cơ hội, đêm nay mình đâu có muốn ngủ ngoài đường.
Mua đi, lần sau gặp được bộ quần áo phù hợp như vậy không biết là ở đâu nữa, hơn nữa hết tiền thì có thể kiếm tiếp mà.
Sau một hồi đấu tranh với chính mình, cuối cùng thì cán cân trong tim anh cũng nghiêng về một phía, anh quyết định mua bộ đồ này. Tối hôm đó, anh đến chỗ ở, bất chợt nảy ra một cách, anh nói với ông chủ: "Ông chủ, nếu tôi ra ga đón được 3 vị khách, ông có thể cho tôi ở lại thêm một đêm được không?". Ông chủ đồng ý, vốn cho rằng anh không thể kéo được mấy người.
Không ngờ đêm hôm đó anh lại đưa được 30 khách trở lại ga tàu. Mặc bộ đồ này, anh không chỉ giành được chỗ ở cho một đêm mà còn thu được tiền đưa đón khách, đủ trang trải cho những chuyến đi du lịch tiếp theo. Khi anh ấy ăn mặc bình thường, không ai muốn tin anh ấy; nhưng khi anh ấy mặc vest và giày da, không ai từ chối anh ấy.
Hình tượng nổi bật là một phép màu kỳ diệu. Bất kể quá khứ hay hiện tại, hình tượng của bạn có thể được coi là một nghề ăn nên làm ra.
Tôi từng đọc một báo cáo khảo sát về vấn đề cho rằng những người có hình tượng tốt thường có thu nhập cao hơn những người có hình ảnh xấu. Hình tượng của bạn có thể quyết định thu nhập và điều kiện sống của bạn. Schopenhauer đã nói: "Diện mạo của một người là bức tranh thể hiện nội tâm, diện mạo tiết lộ toàn bộ vận mệnh của con người".
Hình ảnh của bạn quyết định bạn là ai và cuối cùng bạn sẽ đi đến đâu.
Bất kể lúc nào, xin đừng buông lỏng yêu cầu với chính mình. Vẻ ngoài lịch sự, dáng người cân đối, ăn nói tao nhã, khí chất ưu việt... những thứ này sẽ ăn sâu vào cuộc sống của bạn.
Đừng trách người khác xem mặt mà bắt hình dong, suy cho cùng, trái tim ở quá xa, còn tướng mạo thì ở ngay trước mắt. Trong quá trình làm phong phú nội tâm, đừng quên quản lý cả bề ngoài của chính mình.