Đêm ngày 14/12, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân G.T.M (13 tuổi) trú tại xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm được chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm trong tình trạng mệt, da xanh niêm mạc nhợt, sau đẻ vẫn ra máu âm đạo.
Người nhà cho biết, bệnh nhân sinh thường, được mẹ tự đỡ đẻ tại nhà, sau nhiều ngày vẫn ra máu âm đạo, đau nhiều bụng dưới mới được đưa đến viện điều trị.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán: Sót rau sau đẻ/ Thiếu máu nặng sau đẻ thường ngày thứ 16.
Bệnh nhân được chỉ định truyền máu, tăng co, cầm máu. Do tình trạng khẩn cấp, nguồn máu trữ của bệnh viện đang tạm hết, gia đình lại ở xa, trong tua trực đêm, điều dưỡng Khoa Cấp cứu đã hiến 1 đơn vị máu nhóm B để truyền cấp cứu cho bệnh nhân.
Sản phụ nhí được truyền 1 đơn vị máu từ các y bác sĩ trong tua trực BV Cao Bằng đã qua cơn nguy kịch
Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh, được điều trị tích cực, kiểm soát nhiễm trùng, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, với trẻ vị thành niên, cơ thể vẫn chưa hoàn thiện đặc biệt là cơ quan sinh sản. Việc mang thai và tự sinh thường tại nhà có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, gây chấn thương đường sinh dục, sót rau, mất máu nặng, nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc nhiễm khuẩn huyết...
Vì thế, khi mang thai, sinh con hãy đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Sau sinh nếu có những dấu hiệu bất thường đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây nên những bất thường này. Đừng xem nhẹ các bất thường sau sinh vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí có thể đe doạ sức khoẻ và tính mạng của người mẹ.
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Trong số đó có hàng triệu trẻ em gái phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi; phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.
Cụ thể, hàng năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15 - 19 sinh con và cứ 10 trẻ vị thành niên (VTN) thuộc nhóm này thì có 9 VTN đã lập gia đình.
Đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo thai không an toàn ở trẻ em gái VTN và nữ thanh niên trẻ cao; ước tính năm 2008 số ca phá thai không an toàn ở vị thành niên trong độ tuổi từ 15 - 19 tại các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca; thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20 - 29 tuổi…