Thương hiệu Disney quyền lực là vậy mà vẫn chưa phải là nơi duy nhất làm phim chuyển thể từ truyện cổ tích. Tại Châu Âu, nhất là tại nước Nga xinh đẹp, đã có tới hàng chục phiên bản hoạt hình tương tự. Chúng không chỉ lấy cảm hứng từ truyện cổ tích quen thuộc, mà còn được thêm thắt nhiều gia vị độc lạ - đảm bảo làm fan hâm mộ của Disney "sốc óc".
Nếu đã từng lớn lên với vũ trụ hoạt hình Disney, quen thân với dàn nhân vật kinh điển và nhiều cái kết có hậu, thì 5 tác phẩm chuẩn "xứ bạch dương" sau đây sẽ khiến bạn lác mắt. Từ nội dung sáng tạo quá đà đến tạo hình… khó hiểu, đố ai nhận ra nổi câu chuyện gốc?
Năm 1951, xưởng phim hoạt hình Soyuzmultfilm cho ra mắt tác phẩm The Tale of the Dead Princess and the Seven Knights với nội dung tương tự Bạch Tuyết Và 7 Chú Lùn của Disney. Câu chuyện này cũng xoay quanh một nàng công chúa xinh đẹp, người bị Mẹ kế ác độc đuổi vào rừng do ganh tị với nhan sắc. Thế nhưng, thay vì ở nhờ nhà 7 chú lùn giống phim Disney thì Bạch Tuyết phiên bản Nga kết bạn với 7 chàng kỵ sĩ cao lớn. Nhờ vậy mà cô nàng có ngay biệt đội "vệ sĩ" xịn sò, tiếc là vẫn chẳng tránh được quả táo độc nghiệt ngã.
Câu chuyện Lọ Lem kinh điển đã có vô vàn dị bản trên toàn thế giới, trong đó có nàng Zolushka là đại diện đến từ nước Nga. Năm 1979, hãng phim Soyuzmultfilm tiếp tục cho ra đời một tác phẩm dựa trên truyện cổ tích quen thuộc này và gặt hái thành công nhất định.
So với Cinderella (1951) thì Zolushka trung thành hơn với truyện gốc của Charles Perrault. Sự khác biệt nằm ở nhân vật cha ruột Lọ Lem, ông không qua đời ở phiên bản Nga và trở thành một kẻ hèn hạ, nghe lời người vợ kế răm rắp.
Vì vậy, Lọ Lem tội nghiệp đã được người mẹ quá cố hiện hồn lên giúp đỡ. Bước ra từ một bức chân dung cũ, hồn ma người mẹ chính là phiên bản khác của Tiên Đỡ Đầu, giúp Lọ Lem "lên đồ" lồng lộn và đi xe bí ngô đến dạ hội quyền quý. Chi tiết đôi giày thuỷ tinh huyền thoại cũng được thay thế bằng giày kim cương sang trọng, nghe mà thấy đắt đỏ hơn hẳn "Nhà Chuột" Disney.
Rusalochka năm 1968 là tác phẩm chuyển thể đầu tiên của câu chuyện Nàng Tiên Cá. Được sản xuất bởi nước Nga thời kỳ Xô Viết, bộ phim hoạt hình ngắn này có nội dung giống hệt truyện cổ Andersen, tập trung vào số phận bi thảm, sẵn sàng hy sinh vì tình của một nàng Nàng Tiên Cá.
Mở đầu Rusalochka là bối cảnh thời hiện đại, nơi du khách đang tham quan bức tượng Nàng Tiên Cá ở vịnh Copenhagen, Đan Mạch và nghe hướng dẫn viên kể về mối tình buồn nhất thế giới cổ tích. Khác với cái kết có hậu ở Disney, Rusalochka mang đến kết thúc bi kịch hơn, cho thấy Nàng Tiên Cá chọn cái chết thay vì hãm hại người yêu dấu. Cuối cùng, phim mang lại 2 góc nhìn trái ngược: cảnh báo rúng động về thói si tình ngây dại; khen ngợi nữ chính hết lời vì biết hy sinh bản thân.
Trước khi Disney gây tiếng vang với Beauty And The Beast (1991) thì các nhà làm phim Nga đã kể lại câu chuyện tương tự trong The Scarlet Flower - một trong những tượng đài hoạt hình của phim ảnh Xô Viết. Được sản xuất từ năm 1952, bộ phim theo chân "Người đẹp" Nastya - một thiếu nữ hiền lành, tốt bụng buộc phải đến tòa lâu đài bí ẩn để cứu cha mình khỏi "Quái Thú".
So với phiên bản sau này của Disney thì The Scarlet Flower mang tính thẩm mỹ cao hơn. Phim không chỉ có gam màu đỏ đẹp mê hoặc, mà còn trung thành với nguyên tác của tiểu thuyết gia Gabrielle-Suzanne de Villeneuve. Trong đó, nữ chính Nastya là con gái út của một thương gia góa vợ và có thêm 2 chị gái ruột. Sau đấy, vì nhỡ ngắt trộm một nhánh hoa đỏ tươi về cho Nastya mà người cha bị Quái Thú bắt nhốt.
Cùng là câu chuyện về Cậu Bé Người Gỗ nhưng phim Buratino năm 1960 lại khác biệt hơn nhiều so với Pinocchio của Disney. Trong phiên bản Nga, Buratino là chú bé hư hỏng, tự mãn và dễ cả tin theo lời kẻ xấu. Vì thế, Buratino phải tự mình đi tìm chiếc chìa khóa vàng để giải cứu "500 anh em" người rối khỏi tên chủ độc ác. Hành trình này có sự đồng hành của Rùa Tortilla thông thái - khá giống với nhân vật Dế Jiminy của Pinocchio. Tuy nhiên, Buratino lại khá xui xẻo khi không có Bà Tiên nào phù trợ, mất đi cơ hội trở thành người ở cảnh kết.