Ở giải CFA Team China 2025 vừa kết thúc, U22 Trung Quốc đã phải nhờ tình huống hưởng penalty tranh cãi mới có thể ghi bàn gỡ, thoát thua trước U22 Việt Nam. Trận hòa này giúp U22 Trung Quốc đoạt chức vô địch, nhưng theo trang bình luận của trang 163 thì danh hiệu này không đủ để khỏa lấp đi những vấn đề tồn tại rất đáng lo với bóng đá trẻ Trung Quốc.
Theo phóng viên thể thao Zhongshan của trang 163, đội hình U22 Trung Quốc có tiềm năng để phát triển, song hiện tại vẫn chỉ thuộc diện “trung bình khá” ở châu Á. Tác giả còn cho rằng khả năng phòng ngự của đội nhà vẫn chỉ ở “trình độ tiểu học” với minh chứng là bàn thua trước U22 Việt Nam.
“Đánh giá một cách tổng thể, chúng ta chắc chắn vẫn chỉ là một đội hạng hai, ở mức trung bình khá tại châu Á. Nếu so với các đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, khả năng dứt điểm của tiền đạo hay khả năng phòng ngự của các hậu vệ vẫn ở “trình độ tiểu học”. U22 Việt Nam có thể sử dụng những đường chuyền ít chạm để dễ dàng đánh bại hàng phòng ngự của U22 Trung Quốc. Bóng đá Đông Nam Á thực sự đang trên đà phát triển” – 163 bình luận.
Bàn thắng của U22 Việt Nam vào lưới U22 Trung Quốc.
Cũng theo bài viết của 163, công tác đào tạo trẻ ở Trung Quốc trong thời gian qua chỉ tăng về lượng chứ không cải thiện về chất.
Tác giả đưa ra số liệu để phân tích: “Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đào tạo trẻ kéo dài 10 năm với số lượng cầu thủ đăng ký đã tăng vọt từ 8.000 lên 500.000. Trường bóng đá Evergrande và Trường đào tạo trẻ Luneng trở thành những mô hình được nhân rộng, và bóng đá học đường cũng được đẩy mạnh. Ngay cả các HLV đến từ Nhật Bản cũng khen ngợi khả năng hiểu chiến thuật của các cầu thủ trẻ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn rất nhiều tồn tại. Các cầu thủ trẻ được thi đấu số trận quá ít. Như đội U15 chỉ đá khoảng 30 trận mỗi năm, ít hơn một nửa so với ở Nhật Bản. Cường độ tập luyện và thi đấu cũng yếu hơn.
Các HLV ở Trung Quốc vẫn quá thiếu kinh nghiệm. Nhiều HLV có trình độ cơ bản cũng chỉ kiếm được 5 ngàn tệ mỗi tháng (khoảng 16 triệu VNĐ). Họ thậm chí không có chứng chỉ trình độ B.
Ngoài ra, các giải chuyên nghiệp ở Trung Quốc cũng xuống cấp. Thời gian thi đấu thực tế của giải Super League ít hơn so với giải của Nhật Bản. Các cầu thủ thuộc U22 có rất ít cơ hội được đá Super League. Về cơ bản, các cầu thủ trẻ chỉ có thể “tắm nước ấm” ở giải Super League”.
Truyền thông Trung Quốc không đánh giá cao danh hiệu của đội nhà ở giải CFA Team China 2025.
Trong phần cuối, trang 163 cho rằng với trình độ hiện tại của bóng đá trẻ Trung Quốc, họ sẽ còn rất lâu nữa mới có thể nghĩ tới tấm vé dự World Cup.
“Lứa U22 này chắc chắn là bộ mặt cốt lõi của ĐTQG trong tương lai. Tuy nhiên, những bài học mà ĐTQG rút ra lại quá đau đớn. Bao nhiêu cầu thủ triển vọng đã bị giải Super League hạ bệ? Nếu những vấn đề cốt lõi không được giải quyết, đội U22 sẽ dễ đi vào vết xe đổ đó bất kể họ có tiềm năng đến đâu”.
Sau giải CFA Team China 2025, cả U22 Trung Quốc và U22 Việt Nam sẽ đều chuẩn bị để hướng tới vòng loại giải U23 châu Á 2026 tổ chức vào tháng 9 tới. Ở đấu trường này, hai đội chắc chắn sẽ không chạm trán nhau, do cùng nằm ở nhóm hạt giống số 1.