Người đi đường bị gió bão số 10 quật ngã.
Ngày 19/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo thiệt hại ban đầu về cơn bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Hà Tĩnh. Đây là cơn bão rất mạnh, nhanh và trong gần 30 năm qua mới xuất hiện trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cơn bão số 10 vừa qua đã làm 2 người chết và 80 người bị thương nhẹ. Gió lốc giật mạnh đã làm 93.251 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Về sản xuất nông nghiệp, cơn bão đã làm ngập và hư hỏng 332 ha lúa; hơn 3000 ha rau màu và cây ăn quả; 1.337ha nuôi trồng thủy sản, 308 phương tiện tàu thuyền, 18.303ha cây lâm nghiệp đổ gãy; 66.885 con gia súc gia cầm bị chết.
2 cột tháp truyền hình cao hàng chục mét bị gió bão số 10 quật đổ sập.
Bão số 10 đã làm 21km đê bị sạt lở, 10,5km kênh mương hư hỏng, 27km đường giao thông sạt lở; 231 điểm trường học bị ảnh hưởng với 831 phòng; 54 cơ sở y tế bị hỏng.
Gió bão mạnh cũng đã xô đổ 2 cột phát sóng truyền hình, nhiều cột sóng bị gãy. Bão đã làm 2.395 cột điện bị đỗ gãy làm 159km dây điện bị đứt.
Ước tính thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra tại tỉnh Hà Tĩnh là trên 6000 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả sau cơn bão số 10, Quân khu 4 đã điều động 320 cán bộ chiến sỹ; tỉnh đã điều động 5.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, 10.000 dân quân tự vệ tại các địa phương để giúp tu sửa trường học, cơ sở khám chữa bệnh và nhà dân bị hư hỏng nặng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã điều động phương tiện của Sở Giao thông Vận tải giúp Nhân dân cứu hộ các thuyền bị mắc cạn do vào tránh trú bão.
Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 55-60% số nhà dân bị tốc mái đã được khắc phục bước đầu, phấn đấu đến ngày 23/9 sẽ khắc phục xong 100% nhà dân đảm bảo ổn định trở lại sinh hoạt bình thường.
Cơn bão số 10 đã làm hơn 93 nghìn nhà dân ở Hà Tĩnh bị tốc mái.
100% các trường tiểu học trung học cơ sở, trung học phổ thông và 250 trường học mầm non đã dạy học bình thường. Chỉ còn 29 trường mầm non chưa trở lại học được với 11.106 học sinh. Phấn đấu đến ngày 22/9 bảo đảm 100% học sinh trở lại trường.
Đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng cũng đã khôi phục được trên 80% hệ thống điện, viễn thông. Phấn đấu đến ngày 22/9 sẽ khắc phục xong 100%.
Hiện tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài chính chủ trì cân đối ngân sách dự phòng của tỉnh, kinh phí hỗ trợ của Chính phủ; các tổ chức, cá nhân qua kênh Mặt trận Tổ quốc, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ ngay cho các địa phương, để có nguồn lực khắc phục thiệt hại.
Để kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 3000 tấn gạo cứu đói, hỗ trợ 40 tỷ đồng sửa 2 tháp truyền hình, viễn thông.
Trích từ nguồn dự trữ Quốc gia hoặc hỗ trợ kinh phí để mua 1.000 tấn giống lúa; 150 tấn giống ngô; 37 tấn giống hạt rau các loại. Hỗ trợ kinh phí mua 20 cơ số thuốc, vắc xin và các hoá chất, phòng chống dịch bệnh.
Hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng, như: Nhà ở,Trường học, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống đê điều, thủy lợi, điện lực, hệ thống thông tin liên lạc, các doanh nghiệp có thiệt hại lớn.
Tính đến chiều 19/9, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh cũng đã tiếp nhận cứu trợ của 9 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, với số tiền 11,9 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa thiết yếu khác.
Tĩnh Hà Tĩnh cũng đã phát động phong trào tương thân, tương ái, tuyên truyền vận động bà con Nhân dân hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra, với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn để vượt qua khó khăn.