Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học gồm TS. Trần Quang Tuyến, TS. Vũ Văn Hưởng và Nghiên cứu sinh Vũ Bích Ngọc, Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Nhóm đã sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020, trong đó tập trung vào lao động có bằng cấp cao nhất tốt nghiệp đại học (ĐH) và làm công ăn lương.
Số liệu liên quan đến sinh viên tốt nghiệp có việc làm vẫn là dấu hỏi đối với các trường ĐH. Ảnh: Châu Linh
Kết quả cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Kiến trúc và Xây dựng làm trái ngành là 31,6%; tỉ lệ này ở các ngành Nhân văn và Nghệ thuật là 63%; các ngành Khoa học tự nhiên, Toán và Công nghệ thông tin là 60,6%; các ngành Nông, Lâm, Ngư và Thú y là 67%.
Còn với nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý, tỉ lệ sinh viên làm trái ngành thấp nhất, chỉ 13,2%. Lao động tốt nghiệp ngành này có thể phù hợp với nhiều loại hình công việc khác nhau, do vậy tỉ lệ người đã tốt nghiệp ĐH làm trái ngành của nhóm ngành này thấp hơn đáng kể so với các ngành khác.
Theo TS. Trần Quang Tuyến, làm trái ngành là khi người lao động đảm nhận các công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo. Để tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt, nhóm nghiên cứu tập trung đo lường ở nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, bởi số lao động ĐH từ ngành này chiếm tỉ trọng lớn hiện nay (khoảng 28,6% năm 2018 và 29,5% năm 2020).
Phân tích thống kê cho thấy, tỉ lệ làm việc trái ngành của nhóm ngành Quản lý, Kinh doanh tăng dần đều theo độ tuổi.
Nhìn chung, nhóm người phải làm việc trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm làm đúng ngành. Mức lương trung bình của nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý khi làm việc đúng ngành vào năm 2020 là 9,4 triệu đồng, còn trái ngành là 8 triệu đồng; con số tương ứng ở các năm 2019 lần lượt là 9,1 triệu đồng/7,6 triệu đồng; năm 2018 là 8,2 triệu/6,9 triệu đồng.
Tỉ lệ người làm trái ngành cao hơn ở nông thôn
“Số liệu của nghiên cứu này và báo cáo của các trường ĐH đưa ra có thể khác nhau do cách thức đo lường cũng như các mốc, độ tuổi khảo sát khác nhau. Các trường ĐH thường sẽ thống kê theo lao động trẻ, tức sinh viên sau vài năm ra trường. Còn thống kê của chúng tôi xét đối tượng từ 25 đến 60 tuổi”, TS Tuyến nói và cho hay, việc làm trái ngành có thể xuất phát từ cả phía cung và cầu lao động, do đó sẽ cần thêm các nghiên cứu về nhân tố tác động tới việc làm trái ngành.