TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, để giải quyết vấn đề này tận gốc, xã hội phải thay đổi. "Vụ việc nữ sinh ở Nghệ An tìm đến cái chết cho thấy nhiều vấn đề. Chuyển trường đâu chuyển mãi được, đó chỉ là giải pháp tình thế mà không giải quyết được vấn đề, sang trường khác chắc gì đã tốt hơn", bà Hồng nhấn mạnh. Theo TS. Khuất Thu Hồng, nhiệm vụ cung cấp tri thức cho trẻ chỉ là một trong những nhiệm vụ của nhà trường bên cạnh việc dạy cho trẻ những giá trị chân - thiện - mỹ một cách gần gũi, cụ thể, sinh động.
"Gieo" giá trị yêu thương cho học sinh
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho biết: "Sau khi vụ việc nữ sinh 16 tuổi ở Nghệ An tự tử đã có nhiều người chia sẻ rằng, trước đây họ cũng từng bị bạo lực học đường. Thậm chí, họ đã phải sống trong những năm tháng vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. May mắn, họ đã vượt qua nhưng nỗi ám ảnh vẫn theo đến tận hôm nay. Điều này cho thấy, bạo lực học đường có từ lâu, âm ỉ tồn tại trong môi trường giáo dục".
Theo TS. Lâm, những năm gần đây giáo dục đã có sự đổi mới theo hướng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhiều hơn thông qua giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Tuy nhiên, cách giáo dục vẫn nặng về lý thuyết, theo một công thức chung, trong khi mỗi học sinh lại là một nhân cách khác nhau. Việc "gieo" vào mỗi học sinh những giá trị yêu thương, khoan dung là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần trang bị cho trẻ các kỹ năng sống, như kỹ năng hòa giải, kỹ năng thương lượng, kỹ năng sống chan hòa.
"Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Ngoài bố mẹ, không ai gần gũi và hiểu học trò hơn giáo viên chủ nhiệm. Họ là người nắm bắt được đặc điểm tâm duy lý của mỗi em, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Hiện nay, vai trò này đang bị mờ nhạt, ở một số trường không được chú ý. Cần gắn trách nhiệm của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm và nhà trường liên quan với việc để xảy ra bạo lực học đường", ông Lâm nói.
Trong khi đó, theo ThS.BS.Trần Văn Minh, giảng viên Khoa tâm lý học - Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc xử trí bạo lực học đường sẽ có hiệu quả nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Cả "nạn nhân" và "kẻ bắt nạt" đều cần được phát hiện sớm và định hướng, hỗ trợ kịp thời bởi cán bộ tâm lí trường học, giáo viên và phụ huynh. Gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất của học sinh, tập trung giáo dục kĩ năng sống, trong đó cần ưu tiên việc dạy học sinh biết yêu thương bản thân và yêu thương, tôn trọng mọi người xung quanh. "Chúng ta cần nâng cao vai trò của phòng tâm lí học đường và đầu tư chuyên môn vững vàng cho cán bộ tâm lí trường học để họ thực sự trở thành điểm tựa an toàn cho học sinh trong việc nhận diện và giải quyết các khó khăn tâm lí trong học tập và cuộc sống", ThS.BS. Trần Văn Minh chia sẻ.