Kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện mới đây cho thấy, hiện, có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân, chiếm 3%, sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp.
Khảo sát thực tế của phóng viên VOV.VN tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, phần lớn các công nhân phải thuê và sống ở các phòng trọ nhỏ, hẹp, thiếu ánh sáng, diện tích trung bình khoảng 14 - 20m2, mức thuê từ 650.000-750.000 đồng/tháng, bao gồm cả điện, nước.
Trong khi đó, với mức thu nhập từ 9 triệu-10 triệu đồng/tháng, phải trang trải nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày nên việc tích lũy mua nhà ở Hà Nội là điều vô cùng khó khăn.
Với mức lương hạn hẹp, nhiều công nhân làm việc ở khu công nghiệp phải thuê và sống ở các phòng trọ nhỏ, hẹp, thiếu thốn
5h chiều, có mặt tại khu nhà trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong căn phòng trọ nhỏ, chỉ khoảng 15m2, anh Nguyễn Bảo Trung, công nhân khu công nghiệp Nissei Electric chia sẻ, anh làm việc tại đây được 5 năm, với mức lương 9 triệu đồng/tháng, trừ chi phí tiền phòng, điện, nước, ăn uống và một số sinh hoạt cá nhân khác, số tiền tiết kiệm còn lại không được bao nhiêu.
Để kiếm thêm thu nhập, trước đây, sau giờ làm việc và ngày nghỉ, anh còn chạy xe ôm, hiện tại, anh góp vốn mở thêm quán bán trà chanh với bạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều tăng cao như hiện nay, mức thu nhập đó vẫn khá eo hẹp. Ước mơ mua được một căn nhà xã hội của Trung là rất xa vời.
“Với mức lương hiện tại, tôi không dám mơ tưởng đến việc mua nhà ở xã hội. Cuộc sống của công nhân khá khó khăn, tôi phải cố gắng làm tăng ca và làm thêm một số công việc khác để cải thiện cuộc sống. Cũng như nhiều người khác, tôi mong muốn nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để ước mơ có được một căn nhà của những người công nhân như chúng tôi trở thành sự thật”, anh Trung bày tỏ.
Ước mơ mua được một căn nhà xã hội hơn 1 tỷ đồng của các công nhân thật xa vời
Có cùng băn khoăn, trăn trở, chị Lường Thị Hạ, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEEV (Việt Nam) cho hay, thu nhập hàng tháng của chị trung bình khoảng 9 triệu đồng. Mặc dù sống một mình nhưng chị vẫn cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu, thi thoảng gửi về quê biếu bố mẹ một chút. Theo chị Hạ, với số tiền lương có hạn nên chuyện tích lũy mua nhà ở xã hội là rất khó thực hiện. Chị Hạ mong muốn, thành phố xây các khu nhà ở xã hội với căn hộ có diện tích nhỏ, giá phù hợp với thu nhập công nhân, có thể bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ để mong ước “chạm tay” vào nhà ở xã hội của các công nhân trở thành hiện thực.
Có thể thấy, giá trị một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội vẫn đang nằm ngoài khả năng của nhiều người lao động. Hiện, giá nhà ở xã hội dao động 16 triệu đồng/m2, có nơi lên tới 20-21 triệu đồng/m2, tương đương 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng/căn. Trong khi phần lớn người lao động chỉ có thể để dành khoảng 15-20% thu nhập. Mức giá như vậy vẫn khá cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là công nhân, người có thu nhập thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ.
Nhiều người mong muốn, thành phố xây các chung cư với căn hộ có diện tích nhỏ, giá phù hợp với thu nhập công nhân để mong ước “chạm tay” vào nhà ở xã hội của họ trở thành hiện thực
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án nhà ở với tổng số 23.965 căn hộ, trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.765 căn. Ngày 21/4 vừa qua, tại tỉnh Hà Nam, dự án nhà ở xã hội đã khởi công với quy mô 564 căn. Trong quý III và IV/2022, dự kiến thành phố sẽ khởi công 2 dự án nhà ở xã hội với 1.860 căn.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp. Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội còn vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua chậm trễ.
Một vấn đề khiến nhiều người quan tâm là phần lớn khu nhà ở xã hội cách xa nơi người lao động làm việc. Bởi hầu hết các công nhân đều phải làm tăng ca hay làm ca kíp. Sau giờ làm việc, họ muốn về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Nếu nhà ở xa quá thì rất bất tiện cho việc đi lại, tốn tiền xăng xe, mất nhiều thời gian di chuyển. Do đó, nhiều công nhân phải ra thuê trọ ngoài nhà dân và sinh sống ở nơi chật chội, thiếu thốn, đông đúc.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, vấn đề nhà ở là một trong những mối quan tâm rất lớn hiện nay của Tổng liên đoàn đối với công nhân lao động.
Đơn vị này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là đề xuất các chính sách về nhà ở. Tổng liên đoàn đang đề nghị sửa khoảng 4 luật, trong đó có Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật xây dựng. Những luật này góp phần tạo nên một cơ chế các chủ thể để tham gia xây dựng nhà ở xã hội nói chung và đặc biệt là đề xuất dành riêng nguồn để xây dựng nhà ở công nhân.
“Tổng liên đoàn cũng được cho phép làm một chủ thể đầu tư xây dựng. Hiện nay, chúng tôi được phép xây dựng các dự án thiết chế của công đoàn quanh khu vực nhà ở. Thực tế có câu chuyện, có nhiều nơi xây dựng nhà ở rất xa nơi công nhân làm việc, do trước đây công tác quy hoạch của cũng như việc giám sát kiểm tra kém, dẫn tới nhiều quỹ đất trong khu công nghiệp đã lấp đầy, bằng, các doanh nghiệp không còn quỹ đất nhà ở. Do vậy, phải chấp nhận xây nhà xa hơn. Từ những thực tế đó, chúng tôi sẽ có kiến nghị trực tiếp với Chính phủ và cơ quan chức năng, đồng thời đề xuất dành nguồn lực trong chương trình đầu tư công để tập trung xây dựng nhà ở”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.