“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 15/10/2017

"Bao giờ cho đến tháng 10" đã được CNN bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, sánh ngang với các tác phẩm của những tên tuổi lớn như Akira Kurosawa, Trương Nghệ Mưu, Giả Trương Kha.

Tháng 10, tháng của hương lúa chín, tháng của những cánh diều chao lượn trên bầu trời lộng gió, tháng của những dòng sông tươi mát. Biết bao nhiêu kỷ niệm và hình ảnh tươi đẹp đã được những kẻ thơ mộng và những nghệ sĩ cả vô danh lẫn nổi tiếng gửi gắm vào trong khoảng thời gian đẹp nhất trong năm này. Nhưng với đạo diễn Đặng Nhật Minh và những khán giả của ông, tháng 10 là tháng của sự chờ đợi vô vọng và những nỗi niềm hoá đá.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 ra mắt, cuộc sống làng quê Bắc Bộ của cô thiếu phụ tên Duyên đã đem về cho đạo diễn Đặng Nhật Minh vô số giải thưởng và trở thành một tác phẩm kinh điển không chỉ của Việt Nam mà còn của cả châu Á, giúp cho người Việt tự hào đem ra với thế giới không gian văn hoá bảng lảng huyền bí đậm chất Á Đông cũng như hình ảnh người phụ nữ Việt nhuần nhị, trinh khiết như những giọt cảm xúc đọng lại mãi trong lòng người xem.

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 1.

Poster phim "Bao giờ cho đến tháng 10"

Bao giờ cho đến tháng 10 lấy bối cảnh ở một làng quê đơn sơ, dung dị, nơi có con sông hiền hoà, ruộng lúa xanh bát ngát và những mái đình lấp loáng bóng cây. Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh của Duyên (Lê Vân), một người phụ nữ trẻ với khuôn mặt băn khoăn, lo lắng như đang cất một nỗi tâm sự trong lòng. Chồng cô vừa mới hy sinh trên chiến trường. Trên đường qua sông, Duyên nhìn vào tờ giấy báo tử rồi ngất đi, ngã xuống nước nhưng được một thầy giáo làng gần đó là Khang (Hữu Mười) nhảy xuống cứu.

Trở về nhà, bố chồng liên tục dục hỏi Duyên về tin chồng cô, đứa con trai cũng kêu nhớ bố da diết. Duyên không đành lòng tiết lộ tin mới nhận, một mặt hy vọng rằng lần này báo tin sai, một mặt không muốn cho bố chồng biết vì sợ ông tuổi già đau yếu không chịu nổi cú sốc lớn. Duyên bèn nhờ anh giáo Khang viết hộ bức thư để gửi về làng vào ngày dỗ của người mẹ chồng, vốn là dịp cả gia đình, dòng họ cùng đoàn tụ.

Sau khi đã "lừa" gia đình được một lần, Quyên lại nhờ Khang viết thư tiếp lần sau. Đồng cảm với nỗi khổ của Duyên, Khang viết thư khuyên cô hãy nói ra sự thật cho mọi người cùng biết. Không may, bức thư này lại đến tay anh chồng của Duyên và mọi người bắt đầu dị nghị mối quan hệ giữa Duyên với thầy Khang.

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 2.

Bộ phim có những yếu tố gây hồi hộp, giật gân của thể loại bi kịch thời chiến. Đạo diễn vẽ ra một tình huống có những mâu thuẫn để dồn các nhân vật vào đường cùng, buộc họ phải đối mặt với bế tắc. Nhưng đó chính là một cách để làm nổi bật lên sự cao cả trong tâm hồn các nhân vật. Tuy chịu sự dị nghị của đồng nghiệp và người làng là lợi dụng người chồng đi chiến trận để chiếm lấy Duyên nhưng Khang vẫn kiên định giữ lấy bí mật cho cô. Dù cho có bị thuyên chuyển công tác cũng như mất niềm tin của bạn gái là Thơm (Nguyễn Minh Vượng).

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 3.

NSƯT Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang

Về phía Duyên, hành động giấu tin chồng mất một phần vì cô quá yêu anh để chấp nhận được sự thật. Một phần vì Duyên thương bố chồng và gia đình bên chồng, bảo vệ họ khỏi sự thật khắc nghiệt. Còn Thơm, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng cách ứng xử của cô vào cuối phim thực sự khiến người xem phải xúc động. Ban đầu, vì hiểu lầm nên Thơm khinh ghét Khang nhưng khi biết được sự thật, cô đã hiểu và san sẻ cho nỗi đau của Duyên. Giọt nước mắt của Thơm khi đưa con của Duyên vào lớp một tượng trưng cho giọt nước mắt của những người mẹ trước cổng trường của con trong ngày khai giảng đầu tiên.

Mà ở đây, Thơm đóng vai trò là người mẹ thứ hai, trong tư cách của một người giáo viên và đồng thời cũng là trong tư cách của một người phụ nữ cùng chia sẻ nỗi niềm với một người phụ nữ khác có chồng hy sinh ở chiến trường. Dưới lá cờ bay lất phất giữa bầu trời tĩnh lặng không mây, giọt nước mắt của người phụ nữ bao dung trở thành dấu chấm cho câu kết đẹp của cả bộ phim, thấm qua bao trang sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và làm hiện ra hình bóng lớn lao, cao cả của người phụ nữ Việt.

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 4.

Diễn viên Minh Vượng trong vai Thơm

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, vốn chỉ làm phim từ kịch bản do chính mình viết, đã khéo léo xen vào câu chuyện con người thời hậu chiến trong phim những chất liệu tâm linh hết sức gần gũi với không gian văn hoá Bắc Bộ như những miếu thờ cổ kính, vị thành hoàng làng đeo gươm dài oai phong, chợ phiên âm phủ dịp rằm tháng bảy.... Người phụ nữ trong quan niệm truyền thống của người Việt luôn là người đóng vai trò chăm sóc góc tâm linh trong gia đình. Nếp truyền thống đó được thể hiện qua những lần hình ảnh người chồng trở về trong những trải nghiệm nửa hư nửa thực của Duyên.

Trong đêm văn nghệ, Duyên được phân công đóng vai nữ trong vở chèo cổ Trương Viên diễn tả cảnh kẻ đi người ở. Duyên nhập vai đến nỗi làm hỏng cả vở chèo. Nuốt nước mắt vào trong, cô chạy ra chiếc miếu thờ dưới cây muỗm già. Tại đây, vị Thành Hoàng Làng bất ngờ xuất hiện trong hình hài của tráng sĩ dưới lá cờ Hưng Đạo Vương. Vị Thành Hoàng Làng này dặn Duyên rằng đến rằm tháng 7 ở đây mở chợ phiên âm phủ, nếu muốn gặp lại chồng hãy chạy ra đây.

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 5.

Giọt nước mắt trinh khiết của người phụ nữ nhớ chồng thất trận chính là tấm gương làm biến hình vũ trụ để đạo diễn đưa người xem bước vào thế giới siêu thực huyền ảo. Để từ đó, khán giả được chứng kiến cảnh phim siêu thực hay nhất điện ảnh Việt Nam. Ở đêm chợ âm dương, vị Thành hoàng làng đưa Duyên đi giữa những người trong chợ tìm chồng. Nam xuất hiện, gương mặt trắng bệch nhưng thanh thản. Anh chìa tay ra, cô định nắm lấy nhưng không thể chạm vào, hai người len lỏi qua dòng người bên sông. Cô hỏi anh có muốn dặn dò gì không? Người chồng chỉ lặng lẽ trả lời: "Anh chỉ muốn những người còn sống được hạnh phúc. Chỉ những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm hết phần việc của mình rồi."

Cảnh phiên chợ âm phủ vốn nhẽ ra phải bị cắt vì vấn đề tâm linh nhạy cảm thời bấy giờ nhưng trong buổi duyệt phim cuối cùng tại nhà tổng bí thư Trường Chinh, ông đã quyết định cho giữ cảnh phim lại. Vị tổng bí thư không nói gì mà chỉ lặng lẽ tiến lại gần nữ diễn viên Lê Vân đang hồi hộp chờ, bắt tay cô và nói vỏn vẹn hai từ "Thương lắm". Hai từ tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng biết bao niềm cảm thương và sự đồng điệu sâu sắc với những người đóng vai trò là hậu phương của đất nước. Phụ nữ Việt Nam bao ngày nay vẫn thế, là cái gốc, cái nhà để ngả bóng cao cả xuống che chở cho những người đàn ông vung gươm, vác súng chinh chiến ngoài mặt trận. Lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam tạo ra bao nhiêu anh hùng thì cũng tạo ra bấy nhiêu người phụ nữ can trường, quả cảm.

“Bao giờ cho đến tháng 10”: Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ - Ảnh 6.

Bao giờ cho đến tháng mười hướng ống kính thơ mộng và chân thực về phía bối cảnh làng quê Bắc Bộ thời bấy giờ. Những mái đình, chiếu chèo, miếu thờ thiêng liêng được đưa vào trong không gian bảng lảng, nhuần nhị của tiết trời tháng 10 như làn gió làm mở toang cánh cửa vào lòng khán giả. Nhìn vào trong không gian đó, không ít khán giả cũng sẽ thấy vừa lạ vừa quen. Lạ vì không gian thần bí phảng phất hơi thở cổ tích dân gian. Quen vì được chìm đắm trong những âm thanh đồng vọng đến từ ký ức của một thời chưa xa lắm mà cha anh ta đã trải qua trong những cánh đồng quê. Và trên hết, là hình ảnh người phụ nữ Việt kiên cường, bất khuất mà các bà, các mẹ của chúng ta đã xây dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử vệ quốc của đất nước.