Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức đáng báo động
"Nếu bạn tới thành phố này vào ban ngày, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Ai cũng muốn bảo vệ gương mặt và cơ thể khỏi tác động từ môi trường", trang Channel News Asia, hãng thông tấn uy tín từ Singapore đã viết như vậy khi nói về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội sau nhiều ngày họ đến khảo sát.
Ra đường hầu như ai cũng đeo khẩu trang để chống bụi, ô nhiễm.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo chỉ số chất lượng không khí ở mức 388 điểm, đây là mức nguy hiểm. (Trong 4 tháng đầu năm 2016, Hà Nội có mức AQI dao động từ 114 đến 388. Tại thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới Bắc Kinh, con số này là 119 đến 430 và ở Singapore, chỉ số AQI chỉ từ 48 đến 78), như vậy con số này cho rằng mức độ ô nhiễm của Hà Nội thậm chí còn cao hơn Bắc Kinh và khuyên mọi người nên ở trong nhà và không nên ra đường.
Liên quan đến tình trạng trên, ngày 23/4, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng, đáng báo động.
Theo các chuyên gia, Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng.
"Tại Trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm. Việc đài quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt vào một thời điểm để đánh giá Hà Nội ô nhiễm như Bắc Kinh thì không phải", ông Tùng cho hay.
Hiện thống kê có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500 nghìn chiếc ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo ông Tùng, tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện đang có dấu hiệu tăng lên và ô nhiễm nặng bởi có quá nhiều nguyên nhân, trong đó có số lượng ô tô, xe máy quá nhiều. Hiện thống kê có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500 nghìn chiếc ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Không chỉ dừng ở đó, số lượng xe máy được dự báo sẽ tăng 11% và xe ô tô sẽ tăng khoảng 17% mỗi năm. Ước tính, tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy tham gia lưu thông trên các đường phố Hà Nội.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết, nước ta được xếp là 1 trong những nước có mức độ nhiễm bụi cao nhất thế giới.
Về vấn đề này, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cũng cho biết, không khí Hà Nội đang thực sự bị ô nhiễm. "Con số trạm quan trắc đo trung bình ngày và năm thì Hà Nội là thành phố ô nhiễm nặng, gấp 2 lần tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, không ô nhiễm như Bắc Kinh. Nhưng ở nước ta được xếp là 1 trong những nước có mức độ nhiễm bụi cao nhất thế giới", ông Đăng cho hay.
Phát hiện thấy thủy ngân trong không khí ở Hà Nội
Một thông tin đáng quan tâm và khiến nhiều người lo ngại được ông Hoàng Dương Tùng cho biết đó là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí, một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang quan tâm.
Việc phát hiện trong không khí có thủy ngân khiến nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, đó là hiện tượng cá biệt và chưa phát hiện thủy ngân ở nhiều nơi.
"Vấn đề về thủy ngân được cả thế giới quan tâm và Việt Nam cũng là một trong những nước thành viên tham gia vào hoạt động để làm sao giảm được thủy ngân trong không khí. Hiện tại phải có khả năng quan sát mới phát hiện ra thủy ngân trong không khí ở Hà Nội. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ.
Ông Tùng cũng cho biết: "Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này".
Để giảm vấn nạn ô nhiễm không khí, chuyên gia cho rằng nên hạn chế phương tiện ô tô, xe máy.
Từ đó nâng cao chất lượng xăng, xe....
Về vấn đề phát hiện trong không khí có thủy ngân, GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết, có ô nhiễm thủy ngân nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt và chưa phát hiện thủy ngân ở nhiều nơi.
"Việc phát hiện ra thủy ngân chỉ đo ở một địa điểm nào đó chứ không phải ở đâu cũng có. Để làm rõ vấn đề này phải tiến hành quan trắc ở nhiều địa điểm. Nhưng đo được không phải dễ dàng. Vì thế các cơ quan nhà nước nên quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí thường xuyên để có biện pháp giảm ô nhiễm", GS.TS Phạm Ngọc Đăng chia sẻ thêm
Thông tin thêm với chúng tôi, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, trước vấn nạn ô nhiễm không khí đang ngày một nghiêm trọng không chỉ riêng Hà Nội mà còn ở một số nơi khác trong nước thì các Bộ, ban, ngành đã có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, các ban ngành Hà Nội cũng đưa ra nhiều biện pháp như giám sát số lượng ô tô xe máy, nâng cao chất lượng ô tô xe máy, chất lượng xăng,… rất nhiều biện pháp nhưng chưa thể giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm và vấn đề này cần thiết thực hơn nữa.
GS.TS Đăng cũng cho biết, trước mắt các cơ quan chức năng cần làm đầu tiên đó là tiến hành quan trắc ở nhiều địa điểm. Từ đó đánh giá mức độ ô nhiễm từng nơi từ đó mới xác định được mức độ nguy hại thế nào để cảnh báo người dân. Về thông tin phát hiện thủy ngân trong không khí, ông cho biết, người dân cũng không nên hoang mang. Cơ quan chức năng cần có thời gian để làm rõ hơn và vấn đề này chỉ là cá biệt chứ không phổ biến.