Báo chí Hàn Quốc: Nhiều người Hàn vẫn mê tín, chữa ung thư cũng nghe thầy bói

Vũ Khúc, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:58 12/05/2023

Mặc dù sống ở một quốc gia phát triển, nhiều người Hàn Quốc vẫn rất mê tín, thậm chí quyết định cuộc sống dựa trên những lời nói của thầy bói. Bài viết tổng hợp từ một số cơ quan báo chí và truyền thông lớn của Hàn Quốc.

Trong tập 15 của loạt phim The Glory, nhân vật pháp sư vốn là thân tín của gia đình phản diện Park Yeon-jin, đột ngột lăn ra chết khi đang thực hiện một nghi lễ. Trước đó, nhân vật này đóng vai đưa ra những chỉ dẫn và thông tin huyền bí cho mẹ Park Yeon-jin nên rất được gia đình này tin theo.

Một loạt phim khác nổi tiếng gần đây của Hàn Quốc là Somebody cũng đề cập đến thuật bói toán và phù thủy tương tự. Một nhân vật thân cận với nữ chính được biên kịch là có khả năng dự đoán tương lai, thực hiện các nghi thức lên đồng,... nhờ được "thần" mách.

Báo chí Hàn Quốc: Nhiều người Hàn vẫn mê tín, chữa ung thư cũng nghe thầy bói - Ảnh 1.

Pháp sư shaman được khắc họa trên phim Hàn.

Không phải tự nhiên những hình ảnh pháp sư, thầy bói như vậy lại phổ biến trong phim Hàn. Giữa một xã hội hiện đại với hàng loạt tập đoàn công nghệ tầm cỡ thế giới, shaman giáo hay bói toán không xa rời cuộc sống hàng ngày của nhiều người Hàn Quốc.

Mới đây, trên một chương trình truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc, nữ diễn viên Bang Joo-yeon cũng đã mạnh dạn chia sẻ trải nghiệm không mấy vui vẻ của mình với các thầy bói, bà đồng và thói mê tín dị đoan của người thân.

Trong khuôn khổ chương trình của đài MBN chiếu hôm 6/5, bà kể lại rằng mình từng phải "thừa kế" khoản nợ 100 triệu won từ mẹ chồng bởi bà này vô cùng đam mê đồ xa xỉ và đồ cổ.

Chưa hết, người mẹ chồng này còn vô cùng mê tín dị đoan và cho rằng nữ ca sĩ là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư của bố chồng. Bang Joo-yeon chia sẻ: "Bố chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi 57. Tại sao một bác sĩ như ông ấy lại bị ung thư? Thật kỳ lạ. Mẹ chồng tôi đã đến gặp một thầy bói, người đó nói rằng căn bệnh này dường như là một loại 'ung thư ma'. Thầy bói nói rằng nguyên nhân là do cô con dâu của nhà này. Tôi đã phải nghe tất cả những lời khủng khiếp, bà ấy có thể giữ nó trong lòng, nhưng bà ấy chọn nói với tôi".

Bang Joo-yeon tiếp tục, “Bà ấy (mẹ chồng) ngồi xuống và nói, ‘Tại sao chồng tôi đột nhiên bị ốm? Đó là vì cô được gả vào nhà này’ Bà ấy đã khóc không kiểm soát được. Mẹ chồng tôi nói, ‘Nếu tôi làm cô buồn khi nói ra những điều này, thì cứ biến đi’”.

Báo chí Hàn Quốc: Nhiều người Hàn vẫn mê tín, chữa ung thư cũng nghe thầy bói - Ảnh 2.

Ca sĩ Bang Joo-yeon chia sẻ câu chuyện về người mẹ chồng mê tín, đổ lỗi cho con dâu gây ra bệnh tật của chồng.

Hàn Quốc không có tôn giáo quốc gia và hơn một nửa người Hàn Quốc tự nhận là không theo tôn giáo nào. Trong số những người theo tôn giáo, hai nhóm lớn nhất là Cơ đốc giáo và Phật giáo.

Trong khi đó, shaman giáo là tôn giáo bản địa duy nhất trên Bán đảo Triều Tiên và có lịch sử lâu đời nhất. Việc nó ăn sâu vào văn hóa khiến nhiều người Hàn Quốc vẫn tìm đến thầy pháp để được chỉ dẫn hoặc an ủi khi đối mặt với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, hoặc đối phó với các vấn đề sức khỏe hoặc tài chính lớn.

Kết quả không tránh khỏi là các hành vi buôn thần bán thánh.

Trong "The Glory", thầy pháp kiếm tiền bằng cách lừa đảo các khách hàng nữ dễ bị tổn thương, đưa họ vào đường dây mại dâm bằng cách nói rằng nó có thể giải quyết vấn đề của họ. Có vẻ như câu chuyện này được lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật.

Vào năm 2009 ở thành phố Daegu, cảnh sát đã bắt giữ một pháp sư shaman. Bà này bị cáo buộc lừa một nạn nhân vào đường dây mại dâm do người này không đủ tiền tiến hành nghi thức. Nạn nhân trước đó đã vay 2 triệu won (khoảng 35 triệu đồng) từ mẹ của thầy pháp vào năm 2002 để trả tiền "giải đen".

Tuy nhiên, nạn nhân không thể trả được nợ vì gia đình thầy pháp đòi lãi quá cao. Thầy pháp sau đó ép buộc nạn nhân vào đường dây mại dâm để trả nợ. Trong vòng 6 năm, thầy pháp đã thu được tổng cộng 1 tỷ won từ nạn nhân.

Trong cuộc sống thường nhật, đa phần người Hàn Quốc tìm kiếm lời khuyên từ các pháp sư chỉ để giải trí hoặc tìm bến đỗ tinh thần.

2 hình thức bói toán phổ biến nhất ở Hàn, theo Korea Herald, là xem tướng và "saju" (tức tử vi kiểu Hàn).

Việc xem bói được tiến hành ở những ngôi đền nhỏ hoặc quán cà phê, thường nằm ở những khu giải trí sầm uất gần các trường đại học như khu Hongdae ở Seoul. Bầu không khí của những địa điểm này thường cởi mở và tươi sáng.

Thầy bói "công nghệ hóa", giới trẻ cũng mê

Với thời đại 4.0, bói toán cũng được đưa lên nền tảng công nghệ. Jeomsin, được phát triển và vận hành bởi công ty công nghệ Hàn Quốc Techlabs Corp., là ứng dụng phổ biến và nổi tiếng nhất. Cho đến nay đã thu hút được hơn 10 triệu người dùng, ứng dụng kết nối người dùng với những thầy bói có thể đọc tử vi, rồi sau đó đưa ra đánh giá về các thầy bói.

Kim Eun-hye, một nhân viên văn phòng 33 tuổi, vừa đi xem bói ở Hongdae, nói với The Korea Herald: "Việc xem bói bằng pháp sư chỉ là một cách thú vị để bắt đầu một năm mới.

Thế hệ lớn tuổi ở Hàn Quốc có thể đã coi trọng saju và coi nó như một hướng dẫn để định hướng trong cuộc sống, nhưng tôi và bạn bè coi đó là một cách thú vị để giải thích những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Nó không có gì nghiêm trọng cả".

Để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, các thầy bói, pháp sư thế hệ mới ở Hàn cũng mau chóng bắt kịp xu hướng và sử dụng mạng xã hội cho công việc kinh doanh của mình. Trên Instagram, nhiều kênh bói toán được lập nên, sử dụng các hình ảnh minh họa dễ thương để tiếp cận các đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Báo chí Hàn Quốc: Nhiều người Hàn vẫn mê tín, chữa ung thư cũng nghe thầy bói - Ảnh 3.

Một tài khoản đăng thông tin rằng 2022 sẽ là năm "tam tai" với 3 tuổi Tuất, Hợi, Tý.

Trên YouTube, nhờ thông tin chi tiết hơn qua các video, nhiều tài khoản cũng thu hút được sự chú ý rộng rãi của nhóm người trẻ ở độ tuổi 20-30. Chẳng hạn, kênh "쌍문동애기선녀TV" thu hút tới hơn 300 nghìn người đăng ký theo dõi và sở hữu nhiều video hàng triệu lượt xem.

Khác biệt nữa của tâm lý mê tín ở giới trẻ Hàn đó là họ chấp nhận thêm nhiều hình thức bói toán khác từ thế giới, như bói bài tarot hay thần số học, thay vì chỉ xem tướng hoặc saju như các thế hệ trước.

Báo chí Hàn Quốc: Nhiều người Hàn vẫn mê tín, chữa ung thư cũng nghe thầy bói - Ảnh 4.

Một kênh YouTube phổ biến chuyên về chủ đề bói toán ở Hàn Quốc.

Trước việc nhiều người Hàn, bao gồm cả thế hệ trẻ vẫn thích thú với các hình thức mê tín, Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một phương tiện truyền thông, "Lý do tại sao 'tâm lý mê tín' dựa vào bói toán đang lan rộng trong giới trẻ là do sự lo lắng (bởi bối cảnh kinh tế, xã hội). Mọi người nên cảnh giác với các tác dụng phụ vì bạn có thể không cố gắng hoặc nghiện bói toán và làm hỏng khả năng phán đoán chính xác của mình".

Nguồn: Korea Herald, Naver, MBN