Bảng tử thần sớm sạch bóng tại World Cup 2022: Cái dớp khó lý giải

Đặng Lai, Theo Tiền Phong 08:01 08/12/2022

Tây Ban Nha đã bị Morocco loại ê chề tại vòng 1/8, qua đó khiến bảng tử thần sớm sạch bóng tại World Cup 2022. Đây là lần thứ hai liên tiếp họ dừng bước sớm như vậy. Nhưng có lẽ từ trước giải, đã có một "điềm báo" với đội bóng xứ đấu bò.

Bởi thống kê ở những kỳ World Cup gần đây cho thấy bất cứ khi nào rơi vào bảng tử thần thì các đội tuyển sẽ bị chặn con đường tiến xa.

Bảng tử thần sớm sạch bóng tại World Cup 2022: Cái dớp khó lý giải - Ảnh 1.

Tại World Cup 2018, không có bảng nào thực sự "tử thần". Nhưng nếu tìm ra bảng đấu khó khăn nhất có lẽ là bảng B của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (bên cạnh còn có Iran và Morocco) hay bảng F với Đức, Thụy Điển, Mexico hay Hàn Quốc. Tựu chung, những đại diện trong 2 nhóm này đều nhận cái kết buồn.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha rớt đài ngay vòng 1/8, trong khi Đức thậm chí còn bị loại từ vòng bảng sau thất bại lịch sử 0-2 trước Hàn Quốc. Tiến sâu nhất chỉ là Thụy Điển khi họ vào tới tứ kết trước khi thua dễ Anh. Tứ kết cũng là giới hạn của các đội bóng chẳng may rơi vào bảng tử thần tại các kỳ Cúp thế giới 2014, 2010, 2006 và 2002.

Ở giải đấu năm 2010, Anh, Italia, Uruguay đều rớt đài từ sớm, thậm chí đội bị coi là lót đường Costa Rica mới là đội tiến vào sâu nhất. Nhưng họ cũng chỉ có thể vào tới tứ kết. Năm 2006, Hà Lan và Argentina dắt tay nhau đi tiếp sau khi đánh bại Serbia và Bờ Biển Ngà ở vòng bảng. Nhưng Hà Lan "rụng" ngay từ vòng 1/8, còn hành trình của Argentina sớm chấm dứt tại tứ kết.

Bảng tử thần sớm sạch bóng tại World Cup 2022: Cái dớp khó lý giải - Ảnh 2.

Đức lần thứ hai liên tiếp nằm trong bảng tử thần và lần thứ hai bị loại từ vòng bảng

Bảng tử thần ở World Cup 2002 cũng không chiều lòng các ông lớn. Argentina, Nigeria, Thụy Điển và Anh phải trầy trật giành điểm của nhau, để rồi cuối cùng chỉ có Anh đi đến tứ kết trước khi bị loại bởi Brazil. Một kết cục tương tự cũng xảy ra với 2 đại diện của bảng "thần chết" ở France 98.

Như vậy, kể từ 1998 tới nay, không đại diện nào thuộc bảng đấu khó nhằn nhất vượt qua được giới hạn tứ kết. Nó đánh dấu một sự tương phản cực lớn so với giai đoạn trước đó, khi các kỳ World Cup liên tiếp trong thập niên 70 đến 90 ghi nhận thành công của đại diện đi ra từ bảng tử thần.

Tại Mỹ 1994, Italia nằm ở bảng “thần chết” đã cán đích ở vị trí á quân. Những năm trước đấy, kịch bản tương tự xảy ra với Argentina và Đan Mạch. Thậm chí trong hai kỳ World Cup 1978 và 1970, các đội tuyển nằm ở bảng đấu khó nhằn nhất còn lên ngôi vô địch.

Suốt 7 kỳ World Cup từ 1970 đến 1994, tất cả đại diện của bảng tử thần bét nhất cũng vào đến bán kết, còn lại là 2 đội vô địch và 4 đội về nhì. Trong khi đó 7 kỳ gần đây, hễ rơi vào bảng tử thần là các đội gần như hết cơ hội tiến sâu, với 5 lần bị loại ở tứ kết và 2 lần rớt đài ngay vòng 1/8.

SO SÁNH KẾT CỤC CỦA CÁC ĐỘI BÓNG NẰM TRONG BẢNG TỬ THẦN

Giai đoạn 7 kỳ World Cup từ 1970 đến 1994 7 kỳ World Cup từ 1998 đến nay
Thành tích cao nhất
2 lần vô địch (4 lần á quân và 1 lần vào bán kết)
5 lần vào tứ kết (2 lần loại ngay từ vòng 1/8)