Hiệu trưởng các trường Nghệ thuật đồng ý bỏ thi Văn

Đất Việt, Theo 16:03 05/02/2013

Một số ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ thi môn Văn, nhiều hiệu trưởng các Trường nghệ thuật bày tỏ ủng hộ quan điểm này.

Tại hội nghị, hiệu trưởng các trường đại học vừa được tổ chức, một số ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ thi môn Văn và cho phép trường tự chủ trong tuyển sinh. Nhiều hiệu trưởng các trường nghệ thuật bày tỏ ủng hộ quan điểm này.

Theo đó, 10 trường đại học, cao đẳng thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng hiện đang xây dựng đề án tuyển sinh cụ thể là: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

"Môn văn có cũng được, không cũng chẳng sao"

Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh Trần Thanh Hiệp kiến nghị, nên bỏ môn Văn cho các trường năng khiếu. "Bỏ môn Văn, chỉ thi năng khiếu để tạo tối đa cơ hội cho những em có tài, có khả năng được thử sức" - thầy Hiệp đề xuất.

Hiệu trưởng các trường Nghệ thuật đồng ý bỏ thi Văn 1
Nhiều hiệu trưởng trường nghệ thuật ủng hộ kiến nghị bỏ môn Văn

Ông hiệu trưởng dẫn chứng thêm, năm 2003 có một nghệ sĩ thi trượt đại học vì điểm Văn thấp, nhưng ngay sau đó lại được phong nghệ sĩ nhân dân. Từ thực tế đó, hiệu trưởng Trần Thanh Hiệp cho rằng, môn Văn đối với trường nghệ thuật nói chung chỉ nên là môn điều kiện, thi cũng được, không thi cũng không sao và chỉ mang tính chất tham khảo.

PGS-NSƯT Vũ Chí Nguyện, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhìn nhận: “Việc bỏ thi môn Văn không phải là do môn Văn không được coi trọng, hay các thí sinh (TS) ngành Nghệ thuật sợ thi môn Văn, mà chỉ nhằm giúp cho nhà trường có thể đưa thêm một số môn thi năng khiếu vào việc thi tuyển đầu vào và tạo điều kiện cho các TS có thêm thời gian chuẩn bị cho các môn năng khiếu.

Trên thực tế, TS thi vào bậc ĐH khối Nghệ thuật, ĐH Âm nhạc đều đã tốt nghiệp văn hóa lớp 12, trong đó có môn Văn. Sau nhiều năm tuyển sinh, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, việc TS không trúng tuyển do môn Văn là rất hãn hữu”. Ông Nguyện nhận định, môn Văn chỉ là môn điều kiện nên không ảnh hưởng đến kết quả thi, quan trọng vẫn là TS có năng khiếu thực sự hay không?

Hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Cương kiến nghị, đối với các trường văn hóa nghệ thuật, nên cho phép tuyển sinh đặc thù. Khi đó, các trường tự ra đề, tuyển sinh thành nhiều đợt, tuyển thẳng những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp cao đẳng văn hóa nghệ thuật và những thí sinh đã lọt vào chung kết các cuộc thi nghệ thuật.

Cơ hội cho người thực sự đam mê nghệ thuật

Ông Trương Phi Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Môn Văn chỉ tính hệ số 1 trong khi năng khiếu hệ số 2, cho nên nhiều em điểm Văn tới 8, 9 mà điểm năng khiếu chỉ đạt 2, vẫn rớt. Không thi nhưng vẫn xét điểm môn này, như vậy vẫn đánh giá được đầy đủ, chính xác.

Điều quan trọng hơn, những TS thực sự muốn theo đuổi đam mê nghệ thuật sẽ có thêm thời gian rèn luyện môn năng khiếu để lấy điểm cao hơn, cơ hội trúng tuyển lớn hơn”, ông Đức cho biết thêm.

Theo nhận định của nhiều lãnh đạo trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng, cách xét tuyển môn Ngữ Văn trong 3 năm học phổ thông và thi tốt nghiệp sẽ đánh giá được chính xác khả năng học môn này hơn là thi tuyển.

Về thời gian thi môn năng khiếu, ông Nguyễn Trung Tính cho biết sẽ lui lại sau đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ. Còn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ sơ tuyển từ ngày 20 đến 23/6 (đối với các ngành Thanh nhạc, Âm nhạc học, Sáng tác, Chỉ huy), trung tuyển từ ngày 1 đến 3/7. Môn Văn sẽ được xét trong đợt thi chính thức.

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc TP.HCM, cho hay: “Tất cả các môn năng khiếu trường vẫn tổ chức thi như năm trước. Riêng môn Văn trường đang tính toán xem nên xét tuyển như thế nào và tính điểm ra sao”.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nếu chỉ coi trọng năng khiếu, chỉ thi mỗi môn năng khiếu mà lại loại bỏ môn Ngữ Văn ra khỏi kỳ thi tuyển chọn vào khối các trường văn hóa, nghệ thuật là một việc làm rất không bình thường.

Bởi Văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có Văn liệu có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao.

Ủng hộ bỏ môn Văn

Theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa, Văn học có vai trò rất lớn không chỉ với khối nghệ thuật mà ở tất cả ngành.

Người đứng đầu trường Sư phạm nghệ thuật giải thích, văn học từ xưa đã là nhân học, các nghệ sĩ đều là người giỏi Văn và các ca khúc cũng được tạo nên từ ca từ. Nếu như chỉ tuyển sinh năng khiếu mà bỏ qua Văn, học sinh không thể phát triển tốt bởi "viết không nên câu thì còn làm được gì?".

"Thực tế ở ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, có những em đã thi vào được rồi nhưng trình độ Văn vẫn rất tệ, viết cái đơn cũng không được nên chúng tôi phải dạy thêm môn tiếng Việt thực hành để các em viết được câu có đủ chủ vị", thầy Lê Hòa cho hay.

Ông đề xuất, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường nghệ thuật tuyển sinh theo hai hướng, hoặc là thi năng khiếu và xét điểm môn Văn theo học bạ (với điều kiện phải làm tốt giáo dục phổ thông, điểm là thực chất). Cách khác là vẫn tổ chức thi môn Văn nhưng đề thi có thể dễ hơn đề khối C bởi những ngành cần trình độ khác nhau thì đề thi không cần giống nhau.

PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện cho rằng: Tất cả thí sinh thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đều đã tốt nghiệp văn hóa lớp 12. Những học sinh tốt nghiệp trung học âm nhạc chính quy đều phải bỏ công sức và thời gian học tập nhiều gấp đôi những học sinh chỉ học văn hóa.

Họ phải học âm nhạc từ nhỏ, song song với học văn hóa. Việc không thi môn Văn không đồng nghĩa với việc không coi trọng môn học này mà chỉ để giảm tải và tạo điều kiện cho các thí sinh tập trung ôn tập những môn thi năng khiếu vốn nhiều và phức tạp. Những năm trước, một thí sinh thi vào ĐH âm nhạc phải thi tối thiểu là 5 môn; ngành sáng tác, lý luận, chỉ huy phải thi tới 7 môn thi.

Những môn thi năng khiếu thường có phần kết hợp với kiến thức, hành văn cũng như cảm nhận văn học của sinh viên thông qua các môn thi viết tiểu luận, lịch sử âm nhạc và sáng tác âm nhạc.

Để được nhận mức lương khởi điểm của cử nhân ĐH, thay vì chỉ phải học tập trong 4 năm như phần lớn các cử nhân ở các ngành đào tạo khác, một cử nhân âm nhạc phải học tập, lao động từ 8 năm đến 13 năm (như chuyên ngành Piano, Violon), PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện cho biết thêm.

PGS. TS Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương bày tỏ sự ủng hộ theo phương án tuyển sinh mới và cho rằng xã hội đều coi giáo dục nghệ thuật là hoạt động mang tính đặc thù cao nhưng chúng ta lại không có những ứng xử đặc thù với ngành này.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường, sẽ sắp xếp thời gian làm việc với ĐH Sân khấu Điện ảnh để bàn bạc và quyết định liên quan đến việc môn thi và hệ đào tạo cho các trường nghệ thuật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày