Học nhiều, Học mệt, Thi cử khó quá, Học bao giờ mới ra trường, Môn này nặng quá... là những câu mà hầu như đứa học sinh nào cũng than thở.
Nhưng đâu ai biết rằng, học hành chỉ là 1 phần nhỏ, ra đời, ra cuộc sống ngoài kia còn trăm ngàn nỗi âu lo khác nữa. Khi đó bạn phải tự làm chủ cuộc đời mình, phải tự gồng gánh, tự bươn chải, tự chăm lo... Bạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc sống của mình, về tương lai của mình.
Học tuy vất vả nhưng vẫn chịu đựng và cố gắng được. Học còn là bổn phận và trách nhiệm cần phải hoàn thành nữa. Than vãn việc học cũng chả giúp ích gì được cho bạn. Nếu không học hành tử tế, không lo rèn luyện kỹ năng mềm, không lo kiếm việc thực tập, đi làm để tích lũy kinh nghiệm thì sau này ra trường, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai.
Chúng ta thường được dạy rằng: Quẳng gánh lo đi để vui sống, nhưng hiếm có ai làm được như vậy lắm.
Cuộc sống càng phát triển, càng nảy sinh nhiều vấn đề thì con người ta càng có nhiều nỗi lo hơn. Nỗi lo làm cho nguời ta không còn thấy hứng thú với bản thân mình. Sự nhiệt tình không bao giờ nảy sinh, sự sáng tạo dần mòn cụt, và sự tồn tại của con người ta trở thành một sự mệt mỏi lớn. Bài viết này không nhằm "nâng tầm" những nỗi lo trong cuộc sống thành 1 điều gì đó ghê gớm, nặng nhọc mà chỉ muốn những ai còn đang đi học, còn được gọi là "thành thơi" thì hãy tận hưởng hết những ngày tháng đó, không than vãn, không kêu ca và không ngừng cố gắng. Bởi khi bước vào đời rồi, nhìn lại những nỗi lo như nợ môn, nợ học phí, môn học khó... bạn sẽ thấy chúng chẳng thấm vào đâu so với những cú shock mà cuộc sống ban tặng.
Điều đau đớn nhất không phải là bạn đã thất bại, mà là vốn dĩ bạn có thể thành công. Điều thất vọng nhất không phải là bạn thua cuộc mà bạn đã chẳng hề cố gắng.
Khi đi học, còn được bố mẹ lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, chẳng ai biết quý trọng đồng tiền. Ra đi làm rồi, cố gắng cả tháng trời nhận lại mấy triệu tiền lương mới thấm, mới hiểu thế nào là đồng tiền mồ hôi nước mắt!
Cơ hội chia đều cho tất cả, ai không biết nắm bắt, người đó là kẻ thua cuộc. Ba năm gặm bánh mì dù sao cũng hơn ba mươi năm gặm bánh mì.
Người bi quan luôn tìm thấy những khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn. Sự thay đổi của cuộc sống là điều không thể tránh khỏi – Việc của chúng ta đơn giản là lựa chọn cách để vượt qua mà thôi.
Đã có những tháng ngày, những vui buồn của tôi chỉ xoay quanh một người nào đó thậm chí họ chưa từng bắt chuyện với tôi. Nhưng khi thất nghiệp, bạn mới nhận ra chẳng có gì đáng lưu tâm bằng việc trưa nay ăn gì?
Cuộc sống chỉ mang đến cho bạn 10% cơ hội, 90% còn lại là cách mà bạn phản ứng với nó. Đời càng làm khó bạn nghĩa là bạn đang có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn người khác.
"Tôi đã thi trượt một số môn, còn bạn tôi thì qua tất cả. Bây giờ anh ta là một kỹ sư trong Microsoft còn tôi là chủ sở hữu của Microsoft" - đó là câu chuyện của Bill Gates và thế giới cũng chỉ có 1 Bill Gates, thế nên việc của bạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường là lo học hành tử tế đi!
Ai cũng có thể chấp nhận thất bại, mọi người đều thất bại ở một việc gì đó. Nhưng không ai đồng tình với việc chấp nhận không cố gắng. Nhu cầu chi tiêu ở mỗi thời điểm là 1 khác. Quan trọng là bạn hài lòng với nó, thỏa hiệp với nó hay cố gắng đạt mức cao hơn.
Khi thất tình, bạn còn có công việc để vùi đầu vào cho quên hết tất cả. Khi thất nghiệp, bạn đã tự tách mình ra khỏi thế giới. Xung quanh bạn ai cũng làm việc, ai cũng kiếm tiền. Và bạn thì.... chẳng làm gì, chẳng có gì?
Đôi khi sự đấu tranh luôn cần phải có trong cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua thật suôn sẻ, chúng ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh, nghị lực như chúng ta cần phải có, cuộc sống thật công bằng, không phải vô cớ mà mọi điều xảy đến với ta.