Dân số thế giới đang tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ước tính tới năm 2050, sẽ có khoảng 10 tỉ người trên hành tinh này, một con số đáng sợ khi mà trái đất đang phải gồng mình để "chu cấp" cuộc sống cho con người.
Theo số liệu, Tokyo đang là thành phố đông đúc nhất thế giới với khoảng 38 triệu dân. Hiện tại, chỉ có một thành phố châu Phi (Cairo) và hai thành phố trong khu vực châu Mỹ Latin (Sao Paulo và Mexico City) nằm trong top 10 thành phố đông đúc nhất thế giới. Tuy nhiên, con số này sẽ thay đổi đáng kể trong vòng 3 thập kỷ tới.
Dựa vào mô hình dân số, viện thành phố toàn cầu tại đại học Toronto đã đưa ra danh sách 10 thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2050. Nghe chừng là một viễn cảnh xa xôi nhưng có thể thấy dân số tại các thành phố này cũng đang tăng chóng mặt!
10. Mexico City, Mexico: 24,3 triệu người
Thủ đô của Mexico dự đoán sẽ có số dân tăng vọt trong 30 năm tới. Với sự phát triển kinh tế ngày càng vượt bậc cộng với cơ sở vật chất hiện đại, Mexico City đang trở thành mảnh đất hứa với nhiều người dân nghèo tại đất nước này.
9. New York, Mỹ: 24,8 triệu người
Theo sau Mexico City trong bảng xếp hạng là một thành phố khác của Bắc Mỹ: New York. Không quá ngạc nhiên với số dân cư tăng vọt của New York khi đây là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất của Hoa Kỳ với nhiều cơ hội việc làm và cuộc sống đầy hứa hẹn.
8. Karachi, Pakistan: 31,7 triệu người
Các nước Nam Á, trong đó có Pakistan đang trở thành điểm nóng về dân số trên thế giới. Theo dự đoán, tới năm 2050, dân cư của Karachi sẽ tăng vọt lên 31,7 triệu người. Đây được coi là tín hiệu đáng lo cho đất nước Pakistan khi phần lớn người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
7. Tokyo, Nhật Bản: 32,6 triệu người
Dù khả năng bị chiếm lấy vị trí số 1 là rất cao nhưng Tokyo vẫn sẽ nằm trong top 10 thành phố đông đúc nhất thế giới. Tuy nhiên, với dân số đang ngày càng già hóa và giới trẻ không muốn kết hôn, số dân tại Tokyo không những không tăng mà còn giảm đi trong những năm tới.
6. Lagos, Nigeria: 32,6 triệu người
Với nhiều nước châu Phi, việc tăng dân số chóng mặt không phải là tín hiệu vui khi đa phần các quốc gia châu Phi đều là những nước nghèo. Lagos là thành phố đầu tiên tại châu Phi có trong top 10 thành phố đông đúc nhất thế giới với số dân ngang ngửa với Tokyo của Nhật Bản.
5. Kolkata, Ấn Độ: 33 triệu người
Là đất nước có số dân đông thứ hai thế giới, Ấn Độ cũng có rất nhiều các thành phố quá tải dân số thuộc hàng top của thế giới. Kolkata là một trong số đó với khoảng 33 triệu dân vào năm 2050.
4. Kinshasa, Cộng hòa Congo: 35 triệu người
Bỏ xa Kolkata ở vị trí thứ 4 là thủ đô của cộng hòa Congo, Kinshasa với 35 triệu người. Theo các chuyên gia nhận định, áp lực dân số sẽ là gánh nặng cho các nước châu Phi hơn bất cứ châu lục nào khi sự bùng nổ dân số không đi cùng với sự phát triển kinh tế.
3. Dhaka, Bangladesh: 35.2 triệu người
Đất nước được coi là công xưởng giá rẻ của thế giới tại Nam Á có thể sẽ tiếp tục gắn với danh hiệu này khi tới năm 2050, sẽ có khoảng 35,2 triệu người tại Dhaka, Bangladesh và đây chính là nguồn lao động giá rẻ cung cấp cho nhiều nhà máy tại Bangladesh.
2. Delhi, Ấn Độ: 36,2 triệu người
Đứng thứ hai trong danh sách 10 thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2050 không phải đâu khác chính là Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Với những cảnh tượng du khách đánh đu trên tàu hỏa, những lễ hội tràn ngập người, Delhi khiến cho người ta cảm giác nghẹt thở và đông đúc dù chưa một lần đặt chân tới đây.
1. Mumbai, Ấn Độ: 42,6 triệu người
Tuy nhiên, bỏ xa Delhi và các thành phố khác trên toàn thế giới, Mumbai mới chính là thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2050. Với con số 42,6 triệu người gần bằng cả đất nước Ukraine, thành phố Mumbai của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong những năm sắp tới để con số quá lớn kia không thành hiện thực.