Bản Đồ Máu (tên gốc: Gosanja và tấm bản đồ vĩ đại phía Đông) là phim điện ảnh mới nhất của đạo diễn Kang Woo Suk. Đây cũng là bộ phim sử thi đầu tiên trong sự nghiệp của ông, lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật của Hàn Quốc - Kim Jeong Ho (bút danh là Gosanja - Cao sơn tử) - người đã vẽ ra tấm bản đồ vĩ đại nhất Hàn Quốc Daedongyeojido.
Một trong những poster tuyệt đẹp của phim
Người thật và diễn viên Cha Seung Won
Nội dung chính của phim được chia thành ba hồi khá rõ rệt. Hồi đầu là hành trình đơn độc của Kim Jeong Ho (Cha Seung Won) qua những dãy đồi núi mênh mông, những bờ biển rộng dài để hoàn thành tấm bản đồ đất nước. Để bi kịch tuổi thơ ông sẽ không lặp lại lần nữa bởi những tấm bản đồ chỉ được vẽ và tính toán trên lý thuyết. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng ngoạn những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ trong hồi một của câu chuyện. Nhưng chuyến phiêu lưu sẽ nhanh chóng khép lại để nhường chỗ cho nội dung phức tạp hơn ở hồi giữa và hồi kết: chuyện về gia đình Jeong Ho và những âm mưu quyền biến chốn hoàng triều.
Những khán giả trông đợi được xem một tác phẩm thiên về du lịch, dịch chuyển ắt sẽ cảm thấy thất vọng với Bản Đồ Máu. Khác với những gì được giới thiệu, chuyến hành trình vĩ đại của Jeong Ho được giản lược khá nhiều trên màn ảnh. Dù rất nhiều vùng đất, hòn đảo của Hàn Quốc được nêu tên trong phim nhưng lại xuất hiện rất nhanh chóng. Những cảnh sắc non nước đều chỉ lướt qua trong một vài khung hình theo bước chân người lữ hành đơn độc.
Do đó, hy vọng được "du lịch qua màn ảnh" với những đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa và con người Hàn Quốc xưa sẽ nhanh chóng bị dập tắt. Thậm chí sự khổ hạnh của Jeong Ho trong những năm tháng rong ruổi ấy cũng không được xoáy vào, mà song song là câu chuyện khởi nguồn của binh biến từ 35 năm trước, như một cách dẫn dắt đến với nội dung chính yếu ở phía sau.
Không phải do đạo diễn "nhát tay" hay ê-kíp của phim không thể tái tạo lại những vùng đất ngày xưa mà là bộ phim cố tình lướt qua phần này. Bằng chứng là sau gần 30 phút mở đầu như một phim ngắn, tên phim mới được xuất hiện, nhưng lại là lúc Jeong Ho tạm khép lại hành trình đi và vẽ của mình.
Ông trở về làng quê cũ, đối diện với nhiều thay đổi của cuộc sống, của thời đại, thậm chí là sự trổ mã của Sun Sil - con gái mình. Nhưng có một sự thật không hề thay đổi, người trong thôn vẫn xem ông là "một tên phát cuồng vì bản đồ". Chẳng nề hà lời ra tiếng vào, Jeong Ho vẫn lì lợm với mớ lí lẽ và mục tiêu của mình.
Ông chèo kéo được Ba Woo (Kim In Kwon), gã thợ khắc si mê con gái mình, cùng tham gia vào việc chép lại bản đồ phía Đông. Trong khi đó, nội bộ triều chính của Hàn Quốc lúc này đang rối ren vì Hoàng đế còn quá nhỏ tuổi. Cha của Hoàng đế là Thái Thượng hoàng Heungseon Daewongun (Yu Jun San) gần như thay con nhiếp chính. Thế lực nội binh lớn nhất lúc này chính là Bộ Nội Vụ của cha con Kim Jwa Geun (Nam Kyoung Eub) ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên sau này) luôn lăm le chiếm quyền. Cứ ngỡ mình chỉ là một người vẽ bản đồ bằng tất cả sự nhiệt thành, Jeong Ho đâu ngờ bản thân ông và những bản mộc (dùng để khắc bản đồ) lại trở thành "con tướng" trong ván cờ triều chính.
Thiên nhiên đẹp nhưng không quá ấn tượng trong phim
Các diễn viên chính (5 người đàn ông) đều thể hiện rất tốt vai trò của mình. Mỗi nhân vật đều được xây dựng với tính cách rõ ràng, là nòng cốt trong việc tóm gọn sự rối ren của thời cuộc. Heungseon đại diện cho kinh đô Hán Dương (Seoul bây giờ) với sự cương quyết trong ánh mắt và giọng nói, vừa mềm mỏng vừa thẳng tay trong các chính sách đối nội - đối ngoại.
Hai cha con Kim Jwa Geun và Kim Sung Il đại diện cho phe đối nghịch của Hán Dương là phủ Bình Nhưỡng với dã tâm độc chiếm vương triều. Còn Kim Jeong Ho và Ba Woo đứng giữa là đại diện cho bách tính và sự nhiễu nhương âm ỉ của triều đại mà "trâu bò đá nhau thì ruồi muỗi chết".
Nhưng, đừng nghĩ rằng Jeong Ho mãi là kẻ cúi đầu. Dù không có những phân đoạn thể hiện quyền uy, nhân vật này vẫn hiện lên như một sự tự cường của người Hàn - có thể điên rồ nhưng cũng rất hiên ngang. Kim Jeong Ho cũng chính là đại diện cho những kẻ cứng đầu với lí tưởng của mình, dù cả thế giới quay lưng.
Diễn xuất của Cha Seung Won trong cả những phân đoạn hài lẫn bi đều làm bật lên đặc trưng của nhân vật, khiến Jeong-Ho không chỉ là trung tâm của câu chuyện mà còn là mạch chảy chủ đạo của cảm xúc xuyên suốt bộ phim. Nữ diễn viên Nam Ji Hyun cũng có sự trở lại màn ảnh với vai Kim Sun Sil, cô gái cá tính con của Kim Jeong Ho.
Như đã đề cập, vì kịch bản phim được chia thành hai phần với ba hồi khá rõ ràng, thể hiện tốt tinh thần sử thi của tác phẩm nhưng đồng thời lại tạo ra sự lê thê không cần thiết. Nếu phần đầu (hành trình vẽ bản đồ phía Đông) được xem như tách bạch hẳn với phần sau thì chính phần sau cũng gây ra sự "chia rẽ nội bộ" trong mạch truyện.
Giai đoạn khi Jeong Ho trở về thôn làng hơi dài dòng, dễ gây ra nhàm chán khi khán giả đang muốn xem ông hoàn thiện tấm bản đồ kia mà ông thì cứ loay hoay trong mớ bòng bong gia đình. Thêm nữa là khi bi kịch trong phim đi đến cao trào thì sự "melo" (sến, bi kịch hóa) đặc trưng của phim Hàn lại xuất hiện. Những phân đoạn khóc lóc lê thê này nếu được lược bớt hoặc tiết chế lại thì vẫn có thể vừa lấy nước mắt khán giả vừa không làm "gãy" mạch phim đang hấp dẫn.
Tình cha con trong phim được xoáy sâu
Bù lại, phim có một số chi tiết thú vị như đoạn Ba Woo nói về những loại bản đồ có thể theo sát từng bước chân người khi di chuyển, dự báo về địa hình trước mặt như GPS trong thời đại ngày nay. Hay là quá trình làm mộc, từ khắc âm bản đến sao chép bản đồ ra giấy cũng được miêu tả khá kĩ giúp khán giả hiểu rõ hơn về nghề này. Những đặc trưng của bản đồ như tỉ lệ, đường thẳng đường cong, các đặc trưng địa lý cũng được lồng ghép rất khéo léo. Khán giả như thực sự đứng ngay bên cạnh chứng kiến quá trình cố gắng hoàn thành tấm bản đồ thực tiễn của Jeong Ho. Tuy nhiên, sự đấu tranh đôi lúc quá nhạy cảm nên khó có thể ra đời suông sẻ mà lại trở thành tâm điểm cho sự đấu đá của các thế lực lớn mạnh hơn. Rõ ràng biên kịch xử lý những mảng miếng nội dung này rất tốt.
Bản đồ vĩ đại phía Đông
Bên cạnh sự liên hệ thực tế, phim còn khéo léo đưa vào những vấn đề lịch sử khá mượt mà. Những chi tiết như công cuộc càn quét Thiên Chúa giáo của triều đình hay sự nhăm nhe nơi biên giới của Uy Quốc (Nhật Bản) đều được tính toán để xuất hiện. Điều này vừa góp phần thúc đẩy câu chuyện, vừa lên án những tội ác trong chế độ cũ, vừa tôn được tinh thần yêu nước bất khuất của người Hàn.
Nhiều khung cảnh lịch sử được tái hiện tàn khốc
Đây cũng là một điểm hay ho mà thiết nghĩ người Việt chúng ta nên học hỏi. Nếu như dân Mỹ tự đề cao họ bằng cả một quá trình điện ảnh lâu dài với đặc trưng là "giấc mơ Mỹ" thì điện ảnh Trung Quốc cũng đang dần chứng tỏ vị thế của họ bằng những tác phẩm hoành tráng có sự tham gia của các nhân tài Hollywood và chất Á Đông. Hàn Quốc cũng không ngoại lệ khi họ liên tục thể hiện sự tự hào dân tộc bằng chính những chất liệu điện ảnh của riêng họ.
Train to Busan là một ví dụ khi Hàn Quốc làm phim về zombie, chẳng cần phải phá vỡ bất kì nguyên tắc sẵn có nào của zombie, chuyến tàu tử thần trong Train to Busan vẫn nghiễm nhiên chinh phục khán giả bằng chính "tinh thần Hàn Quốc" bất khuất được cài cắm trong các nhân vật. Bản Đồ Máu cũng vậy, nhân vật Gosanja Kim Jeong Ho và tấm bản đồ vĩ đại phía Đông của ông không chỉ là minh chứng cho tầm nhìn và tham vọng của người Hàn, hay sự kiêng dè của các nước lân cận mà còn đại diện cho cái cuồng nhiệt chảy trong huyết quản không dễ gì dập tắt.
Thế mới nói Bản Đồ Máu không đơn thuần là bộ phim về chuyến vi hành khắc khổ hay tấm bản đồ được khắc bằng máu tươi. Nó còn là dòng máu nóng, là trái tim, là ruột gan của người Hàn Quốc. Xem phim, là bạn đang thưởng thức một ngôn ngữ điện ảnh rất tự kiêu, tự cường nhưng cũng đầy tự hào của họ.
Bản Đồ Máu khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 30/09/2016.