Ở cấp tiểu học, trẻ sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản ban đầu về số học, các số tự nhiên, phân số, số thập phân; các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản,... Chính vì vậy trong mắt phụ huynh, toán tiểu học thường "dễ như ăn kẹo", chủ yếu xoay quanh các vấn đề cộng trừ nhân chia.
Tuy nhiên, không phải bài toán nào cũng đơn giản như vậy! Có những bài toán khá lắt léo, khiến phụ huynh và học sinh bối rối không hiểu làm thế nào mới đúng.
Chẳng hạn, một bà mẹ ở Trung Quốc từng chia sẻ bài toán của con trai đang học lớp 1 lên mạng xã hội với thái độ khá bức xúc. Cụ thể, bài toán có nội dung như sau: "Có 10 cân muối, ăn 3 cân trước, sau đó ăn thêm 2 cân. Tổng cộng thiếu bao nhiêu cân muối?".
Ảnh minh họa.
Con của chị này viết đáp án là: "10 - 3 - 2 = 5 (kg)", theo chị đây là đáp án đúng. Tuy nhiên cô giáo đã gạch đi và chấm là cách giải sai. Nghĩ rằng có sự nhầm lẫn trong khâu chấm bài nên người mẹ đã hỏi cô giáo cho rõ ràng. Tuy nhiên, cô giáo cho biết mình không nhầm mà là học sinh đã hiểu nhầm đề bài dẫn đến bước giải sai.
Bước giải đúng phải là "3 + 2 = 5 (kg). Dữ liệu 10kg chỉ là vật cản trở. Nếu câu hỏi là 'Có tổng 10kg muối, đầu tiên ăn 3kg, sau đó ăn 2kg, hỏi còn thừa bao nhiêu cân' thì mới là 10 - 3 - 2 = 5 (kg)".
Sau khi nghe cô giáo giải thích, vị phụ huynh cảm thấy không thỏa đáng và cho rằng, bài toán này quá... vớ vẩn, đang đánh đố học sinh một cách không cần thiết!
Với bài toán này, cư dân mạng đã nổ ra rất nhiều tranh cãi. Không ít người đồng tình với bà mẹ, cho rằng "một bài toán tiểu học việc gì phải lắt léo quá mức như thế?". Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản bác cho rằng, đây là cách để trẻ rèn luyện tư duy logic. Thay vì bức xúc với giáo viên thì phụ huynh có thể tiếp nhận và hướng dẫn con tư duy đa chiều, phân tích dữ liệu đề bài một cách kỹ càng hơn.
Bạn nghĩ sao về bài toán này?