Kỳ nghỉ hè trôi qua trong chớp mắt, tháng 9 đến cũng là thời điểm khai giảng. Cũng như ở Việt Nam, các trường đại học trên thế giới cũng tổ chức lễ khai giảng hoành tráng để chào đón tân sinh viên. Trong buổi lễ, các hiệu trưởng và khách mời sẽ "dạy" cho các sinh viên bài học đầu tiên thông qua những bài phát biểu của Hiệu trưởng hoặc sinh viên danh dự. Những bài phát biểu này trong lễ khai giảng của những ngôi trường hàng đầu thế giới đều được gây chú ý vì truyền cảm hứng và động lực.
Đại học Yale là một trường Ivy League nổi tiếng của Mỹ. Trong ngày khai trường, Hiệu trưởng Peter Subid đặc biệt nhấn mạnh "văn hóa tò mò" do Yale vun đắp, khuyến khích sinh viên suy nghĩ tích cực, dám đặt câu hỏi và dám mắc lỗi.
Ông cho biết: "Đừng tự mãn về việc bạn giỏi đến mức nào, hãy đặt câu hỏi thay vì nhận được câu trả lời. Hãy cho phép bản thân bối rối và lạc lối, đồng thời sẵn sàng nói 'Tôi không hiểu, nhưng tôi rất muốn tìm ra câu trả lời'. Điều quan trọng nhất là hãy can đảm thừa nhận rằng có thể bạn sai và người khác đúng. Chúng ta ở đây để đặt câu hỏi về nhau và về thế giới chúng ta đang sống. Tại Yale, chúng tôi tập trung vào việc nuôi dưỡng sự tò mò, hãy nghĩ rằng tất cả những phát minh vĩ đại đều được sinh ra từ việc đặt câu hỏi".
Trong lễ khai giảng năm 2019, Hiệu trưởng Larry Bacow của Đại học Harvard đã phát biểu: "Bất cứ ai coi 4 năm tới sẽ đưa bạn đến kết quả đã được định trước như sự nghiệp tuyệt vời thì có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ giá trị của ngôi trường. Càng học nhiều, càng thấy, bạn sẽ thấy những gì cần thay đổi trong thế giới này. Harvard không hoàn hảo, nước Mỹ không hoàn hảo, và tất cả chúng ta có trách nhiệm đứng lên và lên tiếng vì những lý tưởng mà chúng ta tin tưởng".
Đại học Quốc gia Singapore nổi tiếng ở châu Á và đứng thứ 20 trên thế giới. Triết lý dạy học của trường đại học này cũng được thể hiện trong thông điệp của hiệu trưởng vào bài phát biểu lễ khai giảng năm 2019.
Hiệu trưởng, Giáo sư Chen Yongcai, cho rằng sự thay đổi nhanh chóng và liên tục của thế giới là thách thức lớn nhất hiện nay nên cần thực hiện việc học tập suốt đời trong các trường đại học. Để đạt được mục tiêu này, Đại học số 1 đảo quốc sư tử thực sự đã lên một kế hoạch kéo dài thời gian học tập của sinh viên từ 4 năm ban đầu lên 20 năm, để những sinh viên đã tốt nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia các khóa học sử dụng nguồn lực của trường và không ngừng làm giàu kiến thức cho bản thân.
Đại học Columbia, trường cũ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, là trường đại học hàng đầu của Mỹ và thế giới. Tại lễ khai giảng năm 2019, Hiệu trưởng Lee Bollinger đã nói về bản chất của trường đại học và trách nhiệm xã hội của trường: "Đại học là nơi để dạy bạn về kiến thức, theo đuổi sự thật, để giải mã những bí mật của tự nhiên và cuộc sống mà chúng ta đang sống, để hiểu được sự phức tạp của sự tồn tại.
Ý nghĩa của trường đại học không phải là kiếm lợi nhuận, thực thi quyền lực, xây dựng chính sách hay tạo danh tiếng, xây dựng các mối quan hệ. Bản thân những tham vọng này không có gì sai và trường đại học không thể tồn tại hoàn toàn độc lập với chúng, nhưng chúng không phải là bản chất của trường đại học. Trường đại học là sự ngạc nhiên, tò mò và hiểu biết về những gì chúng ta đang làm hiện nay, là sự theo đuổi kiến thức không ngừng nghỉ".
Tại lễ khai giảng Đại học Tokyo năm 2019, diễn giả khách mời Chizuko Ueno, giáo sư xã hội học, nhắc nhở sinh viên hãy đối mặt với những điều chưa biết bằng sự tò mò và học hỏi những điều mới trong va chạm với sự đa văn hóa.
"Điều đang chờ đợi bạn là một thế giới chưa biết mà các lý thuyết trước đó không thể xác minh hay dự đoán được. Hãy theo đuổi những điều chưa biết và khám phá thế giới xung quanh bạn. Tôi tin chắc rằng giá trị đạt được ở trường đại học không phải là nắm vững kiến thức hiện có mà là để bạn làm chủ kiến thức rồi từ đó khai sinh ra những kiến thức mới", ông nói.