Bác sĩ "xịn" với 15 năm kinh nghiệm vạch trần "bác sĩ online" về SpO2 của bệnh nhân COVID-19

Thanh Long, Theo Pháp luật & Bạn đọc 06:15 27/07/2021

Kết quả cho ra từ máy SpO2 không phải lúc nào cũng đúng, ngay cả bác sĩ cũng có thể mắc phải một số sai lầm khi dùng máy đo.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một thông tin kể lại quá trình cấp cứu cho một bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Tài khoản Facebook P. X. T cho biết anh là một bác sĩ và phải trình thẻ để được vào một vùng dịch đang phong tỏa. Tại đây, có một bệnh nhân 70 tuổi "đang thoi thóp" với chỉ số SpO2 mà vị bác sĩ này khẳng định là 1%.

"[Tôi] Lập tức tròng mặt nạ túi khí, bật máy oxy, nối dây… SpO2 tăng dần lên 10 rồi lại tụt xuống", tài khoản P. X. T viết. Sau đó, anh kể mình đã "ra lệnh" cho con trai của bệnh nhân ép ngực cho mẹ để tăng thông khí. Người con "ép phát nào, oxy lên phát nấy".

Nhận thấy bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, vị bác sĩ trong câu chuyện trở về nhà, đúng lúc, nhận được tin nhắn từ người con trai bệnh nhân cho biết chỉ số SpO2 của mẹ đã tăng lên 99%.

Bài đăng này hiện đã được chia sẻ hơn 2.400 lần trên Facebook với hơn 2.000 bình luận. Nhưng một số bác sĩ cho rằng câu chuyện có những chi tiết bất hợp lý khiến họ không khỏi nghi ngờ về độ chân thực của nó.

Bác sĩ xịn với 15 năm kinh nghiệm vạch trần bác sĩ online về SpO2 của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1.

Viết trên trang cá nhân, bác sĩ Ngô Đức Hùng, tác giả bộ sách "Để yên cho bác sĩ hiền", và đang công tác tại Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: "Máy đo SpO2 mini rất kém nhạy, nó đo độ bão hòa oxy qua mao mạch đầu ngón tay, vậy nên nó chỉ đo chính xác ở người bình thường.

Với người bệnh, đặc biệt là suy hô hấp, khi độ bão hòa oxy máu dưới 80% bệnh nhân sẽ rối loạn ý thức, tụt huyết áp và ngừng thở. Máy đo này sẽ nhiễu hầu như không đo được. Do đó sẽ không có con số 1%".

Bác sĩ Hùng cho biết ngay cả các máy đo SpO2 siêu nhạy trong bệnh viện cũng không thể đo được nồng độ SpO2 ở ngưỡng quá thấp. Còn về việc nhồi ngực để giúp bệnh nhân thở, một bác sĩ hồi sức cấp cứu có thâm niên công tác 15 năm ngày nào cũng sử dụng máy đo SpO2 như anh mới nghe thấy lần đầu.

Bác sĩ Hùng đặt nghi ngờ về tính chân thực của câu chuyện được kể lại trên Facebook này. "Một người bệnh tổn thương phổi, suy hô hấp đến độ tụt oxy máu, nghĩa là lá phổi không đảm đương khả năng trao đổi khí. Cấp cứu xong đo... SpO2 99% nghĩa là phổi tự nhiên trao đổi khí bình thường trở lại, [thì] kỳ diệu quá. Trước một thông tin, hãy luôn luôn tỉnh táo", anh viết.

Máy đo SpO2 hoạt động như thế nào?

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có một tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị đo SpO2 cho các bệnh nhân COVID-19 được cách ly và chăm sóc tại nhà.

Tài liệu "dành cho các bác sĩ lâm sàng và nhóm giám sát tại nhà (y tá, nhân viên y tế cộng đồng, nhân viên y tế tự nguyện…)" cho biết các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đôi khi có thể được cách ly và quản lý tại nhà nếu họ đáp ứng được các tiêu chí.

"Nhưng dù không có triệu chứng hoặc các triệu chứng có tính chất nhẹ, những người này vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ", WHO nhấn mạnh. "Điều này nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm và can thiệp nhanh chóng. Một trong những dấu hiệu nguy hiểm đó là sự sụt giảm nồng độ bão hòa oxy trong hồng cầu được gọi là giảm oxy máu".

Tại đây, một thiết bị đo SpO2 sẽ hữu ích.

Bác sĩ xịn với 15 năm kinh nghiệm vạch trần bác sĩ online về SpO2 của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 2.

Chỉ số SpO2 thể hiện độ bão hòa oxy của hemoglobin trong máu động mạch. Để có thể đo được nó, máy SpO2 sẽ dựa vào tính chất hấp thụ ánh sáng đỏ và gần tia hồng ngoại khác nhau của oxyhaemoglobin và deoxyhaemoglobin.

Oxyhaemoglobin hấp thụ nhiều tia hồng ngoại hơn ánh sáng đỏ trong khi deoxyhaemoglobin thì ngược lại, hấp thụ nhiều ánh sáng đỏ hơn. Máy SpO2 thường được kẹp vào ngón tay giữa của bệnh nhân và phát ra hai nguồn sáng này xuyên qua da và mô của họ.

Các cảm biến sẽ theo dõi quá trình đó để tính toán và hiệu chỉnh tỷ lệ hấp thụ hai bước sóng (660 nm của ánh sáng đỏ và 940 nm của tia hồng ngoại) và tính ra chỉ số SPO2.

Bác sĩ xịn với 15 năm kinh nghiệm vạch trần bác sĩ online về SpO2 của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 3.

WHO cho biết máy đo SpO2 có 3 tác dụng đối với việc theo dõi và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà bao gồm:

• Phát hiện tình trạng "thiếu oxy máu thầm lặng", trong trường hợp không có khó thở và các dấu hiệu nguy hiểm kèm theo

• Theo dõi và xác định sớm tình trạng xấu đi của tình trạng lâm sàng

• Xác nhận mức độ bão hòa oxy

Máy SpO2 đo sai trong trường hợp nào?

Để có thể sử dụng thiết bị này, bạn phải là bác sĩ hoặc nhân viên y tế được đào tạo. Máy SpO2 sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà cũng phải được hiệu chuẩn chính xác. Nếu không hiệu chuẩn, kết quả từ máy này sẽ không chính xác.

Ngoài ra, các bác sĩ hoặc nhân viên y tế phải kiểm tra ngón tay bệnh nhân, vệ sinh, tẩy sạch sơn móng tay hay các yếu tố bụi bẩn có thể gây nhiễu máy đo trước khi họ kẹp đầu dò vào. Khi kết nối đầu dò của máy SpO2 với bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy trình sau để tránh làm nhiễu và sai lệch kết quả:

• Đảm bảo rằng đầu dò được đặt đúng vị trí, không bị quá chặt hoặc lỏng trên ngón tay

• Chờ 30-60 giây, trong khi bình tĩnh, để thiết bị phát hiện mạch và tính toán độ bão hòa oxy

• Độ bão hòa oxy và tốc độ xung được hiển thị sau khi thiết bị phát hiện mạch chuẩn

• Các giá trị nên được đo 2-3 lần một ngày, và ghi lại các xu hướng về độ bão hòa oxy và các kết quả đo mạch

Bác sĩ xịn với 15 năm kinh nghiệm vạch trần bác sĩ online về SpO2 của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 4.

WHO cho biết máy SpO2 có thể gặp một số sự cố, và bác sĩ và nhân viên y tế cần kiểm tra:

• Đầu dò có hoạt động hay được đặt đúng vị trí không? Hãy thử một vài vị trí khác để đảm bảo đầu dò đang hoạt động

• Chân tay bệnh nhân có lạnh không? Nếu có hãy làm ấm chân tay

• Đảm bảo bệnh nhân có dấu hiệu của sự sống!

Như vậy kết quả cho ra từ máy SpO2 không phải lúc nào cũng đúng, WHO cho biết thêm nó có thể bị sai khi sơn móng tay của bệnh nhân làm nhiễu tín hiệu. Chỉ số SpO2 cũng sẽ thấp nếu bệnh nhân đeo móng tay giả mà bác sĩ không phát hiện.

Việc tứ chi bệnh nhân đang lạnh do tụt huyết áp cũng làm sai chỉ số SpO2 đo được. Định vị đầu dò kém cũng làm giảm khả năng hấp thụ ánh sáng đỏ và hồng ngoại từ máy đo. Ngoài ra, nồng độ hemoglobin bất thường của bệnh nhân, hoặc tình trạng ngộ độc khí carbon monoxide cũng khiến kết quả SpO2 bị sai lệch cao.

Xử trí các tình huống SpO2 thấp

Theo tài liệu hướng dẫn của WHO với chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà dành cho bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, xử trí tình huống chỉ số SpO2 thấp được chia làm các trường hợp sau:

1. SPO2 ≥ 94% và không có dấu hiệu cấp cứu (đau ngực, khó thở, khó thở, thay đổi trạng thái tâm thần) - nghĩa là bình thường. Có thể tiếp tục theo dõi bệnh nhân tại nhà.

2. SPO2 ≤ 94% - bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi và xử trí thêm. Hãy sắp xếp chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị được chỉ định.

3. SPO2 ≤ 90% là cấp cứu nội khoa phải chuyển tuyến đến cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu hoặc chăm sóc tích cực.

Tham khảo WHO