Chuyện viễn tưởng!
Đó là những đoạn bé Bống 10 tuổi được phẫu thuật tim. Nhưng, do một số nguyên nhân bất khả kháng, cuộc phẫu thuật không thành. Tính mạng bé bị đe dọa khẩn cấp. Bác sĩ phẫu thuật cho gia đình biết chỉ có thể thay tim thì mới cứu được bé. Nhưng tìm một trái tim trong thời gian gấp gáp như vậy thì gần như vô kế khả thi.
Thái, cha của Bống, một người đàn ông xấu nết, vô trách nhiệm từ đầu phim đến gần cuối phim, lúc đó quyết định hiến tim để cứu con gái. Lý do là anh vô cùng yêu quý con, bên cạnh đó anh đang mang bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, chỉ còn sống được ít lâu nữa.
Tèn ten!
Đoạn này không cần nói nhiều. Người bố khuôn mặt nhợt nhạt dưới ánh sáng hắt từ dưới lên, cầm điện thoại ghi lại những lời dặn dò con gái trước khi đi đến quyết định (theo tình tiết phim, khán giả cho rằng anh tự sát), "bố không mất đi vì trái tim bố vẫn đập trong lồng ngực con"… (độc giả khóc nức nở).
Gương mặt nhợt nhạt của Thái trong ca mổ lấy tim.
Chỉ biết là sau đó bé Bống mạnh khỏe, chạy nhảy hát ca leo lên lầu (chi tiết quan trọng vì tim khỏe mới có thể leo cầu thang bộ) trong ngôi biệt thự đàng hoàng to đẹp mẹ mới mua.
Bống mạnh khỏe, chạy nhảy hát ca trong ngôi biệt thự đàng hoàng to đẹp mẹ mới mua.
Đến đây có thể các bạn tự hiểu vì sao có một số khán giả khóc ướt màn hình, trong khi một số khác lại phá ra cười. Ấy là vì dưới góc nhìn y khoa thì trường đoạn bi thương này là … "câu chuyện viễn tưởng"!
Một BS phẫu thuật viên tim mạch, từng tham gia trực tiếp nhiều ca ghép tim tại Việt Nam (đề nghị không cho biết tên) giải thích sự viễn tưởng như sau:
Ghép tim là việc cắt bỏ tim từ người cho và cấy ghép vào cơ thể người nhận, thay thế cho quả tim của người nhận khi nó không còn đảm bảo chức năng. Do đó, người cho chắc chắn sẽ phải chết vì không còn tim.
Nhóm y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách vận chuyển quả tim hiến tặng từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TP Hà Nội) về Bệnh viện Trung ương Huế bằng đường hàng không về Huế trong ca ghép tim ngày 22/8/2019.
Chính vì lẽ đó, người cho tim phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phải phù hợp với người nhận về nhóm máu và một số chỉ số y khoa khác để đảm bảo cơ thể người nhận không có phản ứng thải ghép quá mạnh, vượt quá khả năng bảo vệ của thuốc chống thải ghép.
- Phải có quả tim khoẻ mạnh, không bệnh tật gì về tim vì nó phải đảm bảo chức năng khi ghép vào cơ thể mới. Quả tim đó phải có kích thước phù hợp với người nhận. Ví dụ, quả tim của người lớn có kích thước lớn thì không thể đặt vừa vào trong khoang lồng ngực của trẻ em còn nhỏ.
- Người cho tim phải là người đã chết, nhưng tim phải còn sống, đó chỉ có thể là người cho chết não. Người cho chết não nghĩa là người mà não bộ đã chết, không còn hoạt động não nữa nhưng quả tim vẫn còn đập (ví dụ như người bị chấn thương sọ não nặng), quả tim này vẫn duy trì hoạt động được trong một thời gian. Khi người bệnh đã chết não sớm muộn gì các bộ phận khác cũng sẽ chết theo, do đó các bác sĩ phải chạy đua với thời gian, cắt quả tim ra, bảo quản nó bằng các kỹ thuật hiện đại để đảm bảo có thể ghép khi nó còn hoạt động bình thường. Như vậy, không thể cứ thanh thản nhẹ nhàng nói rằng tôi muốn hiến tim là các bác sĩ lấy tim ngay lập tức. Chỉ khi anh chết não mà tim còn sống thì bác sĩ mới lấy tim được.
Để chẩn đoán chết não phải có một hội đồng nhiều bác sĩ khác nhau cùng tham gia, để đảm bảo rằng người cho đã thực sự chết. Trên thế giới, chưa có nước nào cho phép lấy tim từ người cho chưa chết, cho dù người đó sắp chết vì bệnh hiểm nghèo đi nữa.
- Người cho tim phải không mắc các bệnh lý nhiễm trùng nặng, bệnh lý ung thư hay một số bệnh lý hệ thống khác vì nó có nguy cơ lây nhiễm sang người nhận.
Đã từng có trường hợp phải ép trái tim cho để vừa kích cỡ lồng ngực của người nhận
Tháng 5/2017, bé Đ. ở Hà Nội được ghép tim từ trái tim hiến của một thanh niên 19 tuổi bị chết não. Bé Đ. bị giãn cơ tim nặng và được phát hiện bệnh từ cuối 2016. Nếu không được ghép tim, sự sống của bé chỉ được tính bằng ngày. Nhưng các bác sĩ đã gặp một số khó khăn khi "lắp" trái tim của một thanh niên nặng 55kg vào hố tim của em bé nặng 21kg.
Hồi tháng 9/2019, bé gái hai tháng tuổi tên Rui Rui ở Hồ Bắc (Trung Quốc) bị bệnh tim bẩm sinh, hẹp động mạch chủ, suy cơ tim nghiêm trọng, phải ghép tim mới có thể sống. Sau một thời gian tìm kiếm, bé được tặng trái tim của một cậu bé 4 tuổi, bị chết não do ngã từ trên cao xuống. Sau 5 tiếng phẫu thuật, trái tim mới đã nằm trong lồng ngực Rui Rui, nhưng bé vẫn bị huyết áp phổi tăng nghiêm trọng, không thể dẫn đến chức năng tim bình thường. Lý do là hai đứa trẻ 4 tuổi và 2 tháng tuổi có độ dày mạch máu không phù hợp nên không thể nối liền với nhau. Kích cỡ trái tim khá phù hợp, nhưng độ sâu của lồng ngực không đủ. Cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định ép trái tim được hiến tặng, cho vừa.
Rui Rui phục hồi tốt sau hai tháng sau ca phẫu thuật.
Cùng 1 lúc phẫu thuật ghép tạng cho 2 bệnh nhân. Ảnh: BV Trung ương Huế.
Ở Việt Nam, ngày càng nhiều người mấp mé cái chết được ghép tạng thành công nhờ những quà tặng sự sống từ những người hiến tạng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ca ghép tạng nào cũng là một trường hợp sinh tử, vì có vô cùng nhiều các biến số trong quá trình nhận tạng, lấy tạng, ghép và thải loại của cơ thể như vài trường hợp nói chung ở trên.
Người được ghép tim cũng sẽ có những thay đổi về lối sống, kể cả việc điều trị thuốc phức tạp và các cuộc kiểm tra thường xuyên và bắt buộc sau khi ghép để đảm bảo quả tim hoạt động tốt.
Tóm lại, ghép tạng nói chung đã không còn là việc quá khó khăn đối với nền y tế Việt Nam, tuy nhiên, nó cũng không hề dễ dàng, ai muốn cho cũng được, ai muốn nhận cũng xong.
Các bác sĩ chuyên khoa mà chúng tôi liên lạc không muốn nói thêm về tình tiết nói trên trong bộ phim Hoa hồng trên ngực trái, nhưng khẳng định việc ghép tim của bố bé Bống sang cho bé là không thể thực hiện, vì anh mang bệnh ung thư. Thứ hai, chỉ tính riêng khác biệt về kích cỡ trái tim và các bộ phận liên quan thì ca này về mặt khoa học hầu như không thể.
Nghe câu "phim mà", thấy cũng… đau đau!
Tóm lại, phim tâm lý xã hội thì phải chính xác
Nhưng cũng có vài điều cần nhớ rút ra sau cuộc tranh cãi khoa học này. Đó là nếu muốn có thể hiến tặng bộ phận cơ thể nào đó cho người khác, đầu tiên bạn phải giữ chúng khỏe mạnh. Cấm bệnh truyền nhiễm, cấm HIV.
Tiếp đến, các nhà làm phim cho dù có mục đích tốt đẹp đề cao tình thương yêu gia đình hay ủng hộ chính sách vận động hiến tạng ở Việt Nam thì nên tham vấn BS chuyên khoa thật cẩn trọng trước khi bấm máy nhé.