Một topic trên mạng xã hội từng khiến nhiều người tranh nhau thảo luận: "Cha mẹ ảnh hưởng đến con cái như thế nào?". Một số câu trả lời của cư dân mạng khiến người ta cảm thấy đau lòng:
"Khi lớn lên, tôi không bị suy dinh dưỡng, nhưng hồi nhỏ tôi rất kén ăn, và cảnh mẹ đập vỡ bát cơm khi tôi không ăn, hay ăn uống chậm từng khiến tôi rất sợ hãi";
"Ở nhà, nếu vô tình làm rơi đũa xuống đất, tôi sẽ bị mắng to tiếng, dẫn đến bây giờ tôi luôn sợ hãi khi làm rơi bất cứ thứ gì";
"Trong thời gian học cấp ba, tôi vô tình làm mất chứng minh nhân dân, khi nghĩ đến việc phải nhờ cha mẹ xin nghỉ một buổi học để tôi đi làm lại giấy tờ, tôi đã lo lắng đến mức khóc trong nhà vệ sinh của trường rất lâu"...
Nhiều bậc cha mẹ luôn tập trung vào những chuyện nhỏ nhặt của con cái, rõ ràng là những lỗi không đáng kể, có thể bỏ qua, nhưng lại phóng đại quá mức.
Ảnh minh họa
Một giáo sư tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, từng nói: "Con người giống như việc tạo hình đồ gốm, giáo dục thế nào khi còn nhỏ thì sẽ hình thành hình dạng như thế ấy".
Năm 1939, một chuyên gia về bệnh lý ngôn ngữ tại Đại học Iowa, Mỹ, đã tuyển chọn 22 trẻ mồ côi và liên tục làm tổn thương chúng bằng cách nói rằng chúng nói lắp. Sau đó, ngay cả một đứa trẻ hoàn toàn bình thường cũng vì áp lực tâm lý quá lớn mà phát triển theo hướng bị áp lực, trở thành một người thực sự "nói lắp".
Đây là nghiên cứu nổi tiếng gọi là Nghiên cứu Quỷ dữ, và trong cuộc sống thực, có bao nhiêu đứa trẻ đang phải chịu đựng sự giáo dục quỷ dữ này?
Những đứa trẻ sống trong bạo lực ngôn từ sẽ bị tàn phá nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần, thậm chí sẽ sống dưới bóng đen này suốt đời. Những đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích sẽ trở nên chua chát và gay gắt, liên tục bắt lỗi người xung quanh.
Hãy tin rằng, mỗi đứa trẻ đều có tài năng riêng. Nhưng, nếu cứ khăng khăng dùng việc leo cây để đo lường khả năng của một con cá, thì con cá sẽ luôn nghĩ rằng, mình là kẻ ngu ngốc suốt đời.
Mỗi đứa trẻ đều có con đường phát triển riêng, nếu quá chú trọng vào việc chỉ trích những chuyện nhỏ nhặt, kết quả chỉ làm ngược lại với mong đợi của mình. Thay vì chú ý đến từng chi tiết nhỏ, hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Thế giới nội tâm của trẻ rất mong manh, nếu cha mẹ quá khắt khe hoặc thô bạo trong việc xử lý những chuyện nhỏ nhặt, có thể sẽ mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực cho trẻ.
Tiến sĩ Marshall Rosenberg, tác giả của cuốn sách Giao Tiếp Bất Bạo Lực, từng nói: Đánh giá, chỉ trích và ra lệnh đều là cách giao tiếp bạo lực, sẽ khiến trẻ phải chịu đựng sự "bạo lực tinh thần" vô hình.
Có một câu chuyện như sau: Đứa trẻ bước ra khỏi phòng để uống nước, mẹ thấy liền hỏi: "Con đã làm xong bài tập chưa?". Nghe xong, đứa trẻ lập tức nổi giận: "Có thể đừng hỏi nữa được không?". Người mẹ cũng nổi cáu, chất vấn lại: "Mẹ hỏi có sai không? Tại sao con không cho mẹ hỏi?".
Tại sao đứa trẻ lại tức giận? Hóa ra người mẹ đã hỏi câu này nhiều lần trong một ngày. Nếu đứa trẻ trả lời "Đã làm xong", mẹ sẽ nói: "Đã làm xong thì sao ngồi đó không làm gì? Sao không làm thêm vài trang bài tập, học thêm vài từ mới?". Nếu đứa trẻ trả lời "Chưa làm xong", mẹ sẽ nói: "Chưa làm xong thì mau đi làm đi, chưa xong mà còn ngồi trên ghế sofa làm gì? Lần nào cũng phải đợi mẹ thúc giục mới chịu làm, con đang học theo mẹ sao? Thật là mệt mỏi!".
Nếu mối quan hệ cha mẹ con cái không tốt, mọi phương pháp giáo dục đều trở nên vô nghĩa; cách cha mẹ giao tiếp và sống cùng trẻ sẽ quyết định mối quan hệ giữa hai bên.
Trên mạng xã hội từng có một video gây sốt: Một người mẹ mất kiểm soát cảm xúc, bất chấp sự ngăn cản của chồng và những người xung quanh, cố gắng kéo mạnh một bé gái, buộc bé phải xin lỗi con trai hơn 1 tuổi của mình. Lý do vì khi 2 đứa trẻ chơi đùa, bé gái đã làm ngã con của chị.
Trong khi người mẹ này hung hăng đòi công lý cho con, không chỉ bé gái bị dọa khóc mà con trai cô cũng khóc òa lên vì sợ hãi. Vốn dĩ chỉ là trẻ nhỏ đùa nghịch, có thể bình tĩnh nhắc nhở nhưng người mẹ lại chọn cách phản ứng cực kỳ tiêu cực, khiến những đứa trẻ bị ảnh hưởng tinh thần.
Thực tế, mỗi đứa trẻ đều là một vũ trụ nhỏ tràn đầy năng lượng, nếu liên tục "tiêu hao" trẻ vì những chuyện nhỏ nhặt, chỉ khiến trẻ ngày càng xa cách cha mẹ. Thay vì căng thẳng quá mức về trẻ, cha mẹ hãy là chính mình, hãy có sự định vị đúng trong việc giáo dục.
Ý nghĩa sự tồn tại của cha mẹ không chỉ là làm cha mẹ, mà còn là những người bạn đồng hành, là phụ tá trên con đường đời của trẻ, và là những người bạn tốt cùng trưởng thành.
Trước khi về nhà, cha mẹ hãy "phủi bụi" trên người. Điều đó có nghĩa hãy bỏ lại những cảm xúc tiêu cực ở bên ngoài cánh cửa, đừng đem những bực dọc trút lên đầu con cái. Ngôi nhà không phải là nơi chứa đựng cảm xúc cha mẹ mà phải là túi năng lượng của cả gia đình. Bên cạnh đó, hãy học cách thay đổi suy nghĩ.
Thay vì tập trung vào lỗi lầm của con, hãy nhìn thấy những đức tính tốt của con và cố gắng giúp con phát huy điểm mạnh. Hãy biến lời chỉ trích thành lời khen ngợi, bạn sẽ thấy con mình trở nên tràn đầy năng lượng!
Ngoài ra, cha mẹ hãy gạt bỏ những suy nghĩ muốn kiểm soát con cái. Trẻ em là những cá thể độc lập. Chúng không phải là phần phụ của cha mẹ, cũng không phải là con diều của chúng ta, sớm hay muộn, chúng sẽ phải tự bay một mình.
Hãy là người đồng hành cùng con, gạt bỏ ham muốn kiểm soát và cho con bạn quyền lựa chọn và tự chủ. Khi trẻ cảm thấy thoải mái, chúng thực sự làm tốt rất nhiều việc!
Khi định vị bản thân một cách chính xác, cha mẹ sẽ có tác động lớn nhất đến con cái. Một số người nói rằng trẻ em giống như miếng bọt biển. Chúng không chỉ tiếp thu những gì bạn nói mà còn cả thái độ của bạn đối với cuộc sống. Điều này thực sự đúng!