Bà mẹ ở Đà Nẵng nhất quyết không dạy con "anh phải nhường nhịn em": Nghe lý do nêu ra ai cũng gật gù đồng tình

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 16:01 04/03/2023
Chia sẻ

"Chúng ta đứng về phía cái gọi là 'nhỏ bé' và giúp họ chống lại phía 'lớn'. Như vậy là chúng ta đang củng cố cảm giác yếu đuối và khiêm tốn của họ, dạy họ sử dụng sự bất lực và yếu đuối để nhận được sự quan tâm đặc biệt".

Một tình huống phổ biến trong gia đình có hai con là: đứa trẻ lớn đang cầm đồ chơi trên tay, đứa nhỏ thấy thích liền giành lấy. Anh/chị lớn đòi lại. Đứa nhỏ òa khóc. Lúc này, cách xử lý sai lầm của cha mẹ là nói với con lớn: "Trả đồ chơi lại cho em, con là anh, phải nhường em"; "Nếu có đồ chơi mà không muốn chia sẻ, sẽ không ai thèm chơi với con nữa". Hoặc bố mẹ nói với đứa nhỏ hơn: "Thôi không cần đồ chơi của anh/chị nữa, bố mẹ mua đồ mới cho con".

Lúc này, trong lòng đứa lớn chắc chắn vô cùng ấm ức và khó chịu. Ngược lại, cứ được nuông chiều sẽ khiến đứa nhỏ hơn ngày càng "quyền lực", muốn gì được nấy. Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler từng nói: "Chúng ta đứng về phía cái gọi là 'nhỏ bé' và giúp họ chống lại phía 'lớn'. Như vậy là chúng ta đang củng cố cảm giác yếu đuối và khiêm tốn của họ, dạy họ sử dụng sự bất lực và yếu đuối để nhận được sự quan tâm đặc biệt".

Vì vậy, đối mặt với tình trạng này, nếu cha mẹ không xử lý đúng cách sẽ gây bất lợi cho khả năng hợp tác xã hội cũng như sự hình thành và phát triển tính cách của trẻ trong tương lai.

Là mẹ của 2 cậu con trai 6 tuổi (Conan) và 4 tuổi (Puma), chị Đàm Thanh Mai (32 tuổi; TP. Đà Nẵng) cũng từng đau đầu trước những tình huống tranh chấp của các con. Thay vì áp dụng nguyên tắc "lớn nhường nhỏ", chị tuân thủ 4 yếu tố sau để xử lý khi con tranh chấp:

Bà mẹ ở Đà Nẵng nhất quyết không dạy con anh phải nhường nhịn em: Nghe lý do nêu ra ai cũng gật gù đồng tình - Ảnh 1.

1. Quyền sở hữu

Với đồ chơi/ đồ dùng của con, chị áp dụng nguyên tắc "Quyền sở hữu" - Tức là con được toàn quyền sử dụng và quyết định. Con có quyền chia sẻ/ tặng bất cứ ai mà con muốn và không ai có quyền lấy của con khi con chưa đồng ý. Ở nhà, khi bé Puma đòi đồ chơi của anh Conan, chị không ép con nhường cho em.

Thay vào đó, chị hướng dẫn em Puma hỏi mượn anh lịch sự, tử tế, tha thiết, tình cảm… và tôn trọng mọi quyết định của con trai lớn. Chị Mai cho rằng, nếu ở trong chính ngôi nhà của mình mà con không được tôn trọng "quyền sở hữu" thì khi bị bạn bắt nạt, giành đồ, con sẽ không dám phản kháng vì thấy đó là việc "bình thường như ở nhà". Ngay cả mẹ - người yêu thương mình nhất còn không tôn trọng mình thì ai cũng có thể "không tôn trọng mình".

Thêm vào đó, em Puma cũng hiểu rằng, muốn được chơi thì phải mượn lịch sự, tử tế - thói ăn vạ hay khóc lóc không có tác dụng. Ngược lại, nếu là đồ của người khác, các con cũng phải tôn trọng quyền sở hữu của họ.

2. Quy tắc "First come, First served" (đến trước, dùng trước)

Đồ "của chung" như là đồ chơi ở lớp, khu vui chơi hoặc ở bất cứ nơi nào mà "người sở hữu thực sự" không có mặt thì chị Mai dạy con áp dụng quy tắc "Ai đến trước - chơi trước". Tức là ai đang chơi trước thì người đó có quyền chơi đến khi nào họ dừng lại. Nếu con muốn chơi thì phải ra nói chuyện tử tế, lịch sự và chỉ chơi khi được sự đồng ý của người đó. Đồng thời, con cũng có quyền từ chối người khác nếu con đang chơi trước.

3. Quyền ưu tiên

Nếu cả con và bạn chạy đến cái cầu trượt cùng một lúc, và ai cũng muốn chơi trước thì sao? Chị Mai dạy con ứng xử như sau:

- Nếu là bạn gái: Con hãy ưu tiên và nhường cho bạn ấy trước.

- Nếu là bạn trai, hãy rủ bạn ấy chơi oẳn tù tì/ tung đồng xu, ai thắng người ấy chơi trước.

- Hoặc, nếu con lịch sự và không ngại chờ đợi, con có thể để bạn ấy chơi trước. Khi con thiện chí với người khác, những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với con nhiều hơn.

4. Quyền "tự lập"

Khi xảy ra tranh chấp, chị Mai để các con tự xử lý với nhau. Chị chỉ ngồi từ xa quan sát. Nếu con có "nhờ can thiệp" thì mẹ cũng chỉ "gợi ý" hướng xử lý, giải pháp, không can thiệp trực tiếp. Chị cho rằng, giải quyết tranh chấp, xử lý xung đột, thuyết phục người khác cũng là một kỹ năng cần luyện tập. Hôm nay con biết cách giải quyết tranh chấp đồ chơi với bạn, ngày mai con biết cách giải quyết tranh chấp, xung đột trong công việc, làm ăn, cuộc sống…

Bà mẹ ở Đà Nẵng nhất quyết không dạy con anh phải nhường nhịn em: Nghe lý do nêu ra ai cũng gật gù đồng tình - Ảnh 2.

Chị Mai nhận định, mọi hành vi dù tốt hay xấu của một đứa trẻ đều được hình thành từ việc quan sát, ghi nhớ, bắt chước người lớn. Trước khi than phiền con hư, con nóng tính, con bừa bộn thì bố mẹ cần soi xét và rà soát lại chính mình, xem mình đã đang và làm những hành động gì tương tự khiến con nhìn và bắt chước theo. Bản thân vợ chồng chị luôn quan niệm "Nhìn cây sửa đất - Nhìn con sửa mình".

Chị cư xử và tôn trọng con như một người trưởng thành. Trò chuyện, chơi với con như những người bạn, thương lượng và trao đổi với con như những đối tác. Khen ngợi, nói lời yêu thương. Nhắc nhở, giáo huấn con. Hạn chế áp đặt con, đe dọa và trừng phạt.

Yêu thương là vô hạn, nhưng chị Mai vẫn có giới hạn trong các hành vi: Thông báo về giới hạn và chuẩn mực cho từng hành động, việc làm của con ví dụ: Không xem tivi, điện thoại khi ăn. Trên 2 tuổi là tự xúc ăn. Những việc gì con có khả năng làm được thì để con tự làm, bố mẹ chỉ hỗ trợ và quan sát: như tắm, mặc quần áo, đi giày dép...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày