Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) là một trong 4 trường chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Trường không chỉ có chất lượng giảng dạy tốt mà còn sở hữu cơ sở vật chất cực kỳ khang trang, hiện đại, chẳng thua kém bất kỳ ngôi trường quốc tế đắt đỏ nào. Đó là lý do, nơi đây trở thành điểm đến mơ ước của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Và tất nhiên, với tỷ lệ chọi hàng năm cao ngất ngưởng, "cầu" luôn lớn hơn "cung", không ít cha mẹ đã đầu tư ôn luyện cho con từ sớm để chạm đến được ước mơ giành 1 suất vào ngôi trường này.
Biết rằng, "áp lực tạo nên kim cương", không học thêm thì cơ hội đỗ trường chuyên lớp chọn càng hạn hẹp, thế nhưng, mới đây khi một bà mẹ ở Hà Nội "đăng đàn" hỏi bí quyết thi đỗ vào Chuyên Nguyễn Huệ vẫn khiến dư luận "dậy sóng".
Ảnh minh họa
"Bé nhà em năm nay mới học lớp 1. Em muốn có định hướng từ bây giờ để sau con thi được Nguyễn Huệ. Các bác đã có kinh nghiệm cho em xin với ạ".
Trong phần bình luận, hàng loạt cư dân mạng bày tỏ sự "choáng váng" và áp lực thay cho đứa trẻ trước mục tiêu của bà mẹ. Nhiều người còn bình luận kiểu "đá xoáy": "Đúng rồi, năm lớp 1 là giai đoạn khốc liệt nhất đấy ạ. Từ bây giờ chị phải cho con học giáo sư, làm quen dần với Toán cao cấp và phân tích Văn học. IELTS của em nó sẽ phải đạt 9.0 trước năm lớp 3. Trẻ con bây giờ học nhiều lắm, sơ hở là mất chỗ luôn ạ"; "Con em cũng đang học lớp 1 mà em định hướng cho con học đại học Harvard, chắc nhét lại vào bụng để đào tạo lại thôi".
Một số phụ huynh khuyên bà mẹ nên suy nghĩ lại, bởi mốc thời gian lớp 1 là quá sớm. Học sinh vào trường chuyên lớp chọn chủ yếu có khả năng tự học cao, tư duy tốt, thầy cô gợi ý một chút là biết làm bài. Nên cho con học xong tiểu học, rèn cho con những kỹ năng này rồi hãy tính chuyện cấp 3.
Trên thực tế, chuyện phụ huynh lên lộ trình sớm cho con để cấp 1, cấp 2, cấp 3 vào các trường như mong muốn không phải là hiếm. Ngày trước, trẻ em đến tuổi đi học mầm non, hết mầm non thì lên tiểu học. Thế nhưng ngày nay, phụ huynh có hằng hà sa số lựa chọn: Trường công hay trường tư, nên chọn chất lượng cao, hệ song ngữ, hệ quốc tế hay trường tiêu chuẩn quốc tế... Tùy định hướng của gia đình, mỗi nhà sẽ có lộ trình phù hợp nhất.
Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm suốt sáng giành suất vào lớp 1 trường tốt cho con luôn là đề tài được nhiều người đem ra mổ xẻ. Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng này không thay đổi, bởi 1 lý do quan trọng: Để con được tắm mình trong môi trường học hành chất lượng ngay từ bước đệm đầu tiên, bỏ thời gian công sức một đôi ngày với phụ huynh là "không thành vấn đề".
Tiểu học phải vào trường "điểm", sau đó còn phải cho con học thêm để có bảng điểm lung linh toàn 10; cho con ôn luyện Toán, tiếng Việt, tiếng Anh để cuối lớp 5 tham gia các bài thi khảo sát, giành suất vào cấp 2 chất lượng cao. Từ đó, con lại có nhiều năm miệt mài học hành để tiến đến nấc thang mới là cấp 3 trường chuyên, trường top để làm "bàn đạp" cho việc vào đại học danh giá hay thậm chí là săn học bổng đi du học.
Việc phụ huynh có nguyện vọng cho con thi vào trường chuyên, lớp chọn hay những trường chất lượng cao có tiếng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh bởi bất kỳ cha mẹ nào cũng mong con được học tập, phát triển trong môi trường tốt nhất. Hạt giống đã tốt nhưng nếu không được gieo vào mảnh đất tốt thì cũng chưa chắc phát triển được.
Một phụ huynh nhận định, tại Hà Nội hay TP.HCM, với mức độ canh tranh khắc nghiệt vào các trường chuyên, việc chuẩn bị hành trang và định hướng cho con từ lớp 1 là không quá sớm. Phần lớn học sinh đỗ chuyên bậc THPT là học sinh của các lớp chọn, học sinh các trường chất lượng cao của thành phố. Định hướng của các gia đình, đầu tư cho con cái vào trường chuyên là chính đáng và có thành quả. Hầu hết gia đình có điều kiện, đầu tư định hướng rất sớm cho con từ tiểu học để vào chuyên.
Vẫn có những học sinh giỏi "tự nhiên", học tàng tàng nhưng đến ngày thi vẫn đổ trường top đầu, nhưng số này không nhiều. Phần lớn là những học sinh được định hướng từ sớm, có lộ trình sớm, có đường đi nước bước đúng đắn, hiệu quả. Dù vậy, bố mẹ cần phải hiểu, "định hướng" ở đây không có nghĩa là tạo áp lực cho con học ngày học đêm, quên ăn quên ngủ, bỏ qua những điều quan trọng khác như rèn luyện thể chất, trau dồi đạo đức, nhân phẩm.
Nói về chuyện áp lực trường chuyên, lớp chọn, một thầy giáo chia sẻ: Chỉ vì mục đích vào trường chuyên cấp 2 mà ngay từ hè lớp 1 các cháu đã gần như không còn kì hè, trong năm phải học thêm... đây là thực tế để có 1 tấm vé vào các ngôi trường mà phụ huynh rất mơ ước, đôi khi các em làm thay cho ước mơ của ba mẹ, đôi khi là khát vọng của con. Số bạn không học thêm mà đậu vào trường này đếm trên đầu ngón tay.
"Tuổi thơ ngoài việc trang bị kiến thức, rất cần vui chơi, trải nghiệm, thể thao, kĩ năng... và tôi từng gặp nhiều bạn nhỏ học trường chuyên như vậy sau này không chỉ ở cấp 3 mà còn cả ở đại học, đi làm. Phải nói nhiều bạn kiến thức rất ổn, nhưng hành vi, kĩ năng thật đáng lo, nhất là nếu không khéo sự ngạo nghễ học chuyên những năm đầu đời trở thành lực cản cho sự phát triển sau này.
Mỗi lựa chọn đều có giá trị, mỗi phụ huynh đều có những cách lựa chọn khác nhau để giúp con thành công. Nhưng nếu phải đánh đổi cả 1 tuổi thơ để giành 1 vé vào học chuyên thì cũng đáng để xem lại", thầy giáo này nói.
Cô Mai Anh, giáo viên ở Hà Nội cũng nhận định, trường CLC là dành cho các bạn có tố chất đặc biệt, như đúng tên gọi của nó: "for gifted pupils" (trường cho học sinh giỏi/tài năng). Nếu con chúng ta học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ.
Nếu con phải học 1 ngày 8, 9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con cần có những ước mơ, con cần có bản lĩnh, con cần cố gắng vượt qua giới hạn đang có của bản thân nhưng không nhất thiết phải đỗ vào trường chuyên lớp chọn, lớp tài năng. Thay vào đó, tập trung ở việc trang bị những kiến thức nền tảng mang tính tiền khoa học, những tri thức khoa học cơ bản, những kỹ năng cơ bản cần thiết cho học vấn phổ thông và sự phát triển trí tuệ mà đặc biệt là tư duy – tư duy sáng tạo mới là điều cần thiết”. Hãy tạo một không gian thật vui vẻ thoải mái để các con hứng thú với việc học, có năng lực tự học và tự định hướng phát triển bản thân.
Đường dài mới biết ngựa hay, các trường chuyên chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Chúng ta nên để những đứa trẻ phát triển đúng lứa tuổi, đừng ép các con nhốt mình hơn 12 tiếng/ngày cho những lớp học thêm, luyện thi... Phụ huynh thương con nhưng đừng lựa chọn và quyết định áp đặt thay bọn trẻ.