Theo Asia Times, câu chuyện chống dịch thành công của Việt Nam là điều khó tin với nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có một ca nhiễm bệnh cộng đồng nào, là quốc gia lớn nhất không có ca tử vong do virus (tính tới thời điểm hết ngày 30/7), và nền kinh tế Việt Nam là một trong những trường hợp ngoại lệ khi đã mở cửa trở lại gần bằng thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện..
Khi đợt dịch bệnh thứ hai ập tới và có nhiều trường hợp nghi nhiễm tại khắp nơi trên cả nước, Việt Nam có thể sẽ phải cẩn trọng hơn khi mở cửa trở lại trong tương lai - tờ Asia Times nhận xét.
Các trường hợp nhiễm bệnh mới nhất đã xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng, nơi nhiều người đổ tới các bãi biển và trung tâm du lịch để tận hưởng kì nghỉ hiếm hoi sau khoảng thời gian giãn cách và căng thẳng vì đại dịch.
Tới hết ngày 29/7, một số trường hợp đã được xác nhận dương tính với COVID-19 ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi người dân cảnh giác như đợt dịch hồi tháng 3-tháng 4 giữa đợt cao điểm giãn cách xã hội, và cảnh báo rằng đợt dịch thứ 2 có thể sẽ tệ hơn đợt dịch đầu tiên.
Asia Times cho rằng Việt Nam được coi là một mô hình phòng chống dịch thành công. Quốc gia 95 triệu dân đã hành động nhanh chóng hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khi đóng cửa biên giới với Trung Quốc hồi tháng 1 và đóng cửa trường học tạm thời vào cùng thời điểm.
Việt Nam đã truy vết quyết liệt và cùng lúc đầu tư mạnh cho công nghệ y tế, bao gồm các trang bị xét nghiệm sản xuất tại địa phương với giá rẻ. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đã học tập lẫn nhau và áp dụng phương pháp chống dịch hiệu quả.
Lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại Đà Nẵng và nhiều thành phố khác. Từ nửa đêm ngày 29/7, tất cả các sự kiện tập trung đông người đều bị hủy bỏ, các quán bar ở Hà Nội đều đóng cửa tạm thời trong khi việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng.
Theo Asia Times, hầu hết người dân Việt Nam đều có niềm tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch hiệu quả. Trên thực tế, tổ chức nghiên cứu và phân tích dữ liệu YouGov cho biết tỉ lệ tín nhiệm đối với chính phủ tăng mạnh trong đợt đại dịch, lên tới hơn 95% vào tháng 6 và là mức cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng người dân Việt Nam không lo lắng về đợt dịch mới. Tại Đà Nẵng, chỉ vài giờ sau khi có thông báo về ca nhiễm số 416, khẩu trang đã cháy hàng.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bất ngờ có làn sóng dịch bệnh mới. Hàn Quốc và Australia cũng có số ca nhiễm tăng vọt khi tưởng chừng đã kiểm soát được đại dịch.
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá vào tháng 6: "Việt Nam là một trong những nước đầu tiên gỡ bỏ gần như toàn bộ hạn chế trong nội địa". Hiện tại, vẫn chưa biết đợt dịch mới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quá trình hồi phục kinh tế. Theo các nguồn tin, hàng chục nghìn người đã hủy kế hoạch du lịch trên khắp cả nước khi đợt dịch ở Đà Nẵng bùng phát.
Người dân bắt đầu hạn chế tới các quán cafe, nhà hàng và quán bar. Các cơ sở kinh doanh và công ty trên cả nước đã yêu cầu nhân viên tới Đà Nẵng trong thời gian gần đây phải tự cách ly.
Như IMF đã ghi nhận, Việt Nam "ưu tiên sức khỏe người dân hơn kinh tế", và đây có thể tiếp tục là bài học đáng suy ngẫm đối với các nước trên thế giới.