Art Director Tim Phạm (sinh năm 1990) đang sống trong một căn hộ 1 phòng ngủ rộng khoảng 55m ở quận 2. Anh mua căn hộ này từ năm 2019 và bắt đầu dọn về đây vào năm 2020.
Từ khi còn nhỏ, Tim Phạm đã đặt mục tiêu sẽ có nhà riêng vào năm 30 tuổi. Anh quan niệm việc mua nhà là một cột mốc riêng cho bản thân đánh dấu phần nào sự trưởng thành. Vì vậy, từ khi về nước sau khi du học tại Mỹ vào năm 2013, anh quyết định dọn ra riêng, ở nhà thuê, dành dụm và lên kế hoạch mua nhà.
Ngắm không gian sống của Art Director Tim Phạm
Khi tìm nhà, điều mà Tim quan tâm nhất là chủ đầu đầu tư. Keppel Land là chủ đầu tư mà anh rất ưng ý nhưng vì không tìm được căn hộ nào nằm trong budget cho phép nên sau đó, Tim chuyển sang đi xem những căn hộ của Capital Land - chủ đầu tư xếp thứ 2 trong danh sách của anh.
Một lí do đặc biệt khiến Tim "chốt đơn" căn hộ hiện tại là vì... logo của dự án. "Nghe thì có vẻ không liên quan nhưng theo mình, một đơn vị có sự chăm chút đến hình ảnh, có gu thiết kế tinh tế từ cái logo thì sẽ kĩ càng, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ trong tổng thể khu chung cư. Nhiều dự án mình thấy quảng cáo là sang trọng, luxury nhưng lại có một cái logo không đẹp thì thường chất lượng cuối cùng của dự án cũng tương tự như chất lượng của cái logo".
Hiện tại, Tim đang trả góp nốt 1/3 số tiền mua nhà còn lại. Theo anh, khi trong tay có khoảng 500-700 triệu thì người trẻ có thể nghĩ đến chuyện mua nhà. Bạn cần xem xét thu nhập hiện tại, sự gia tăng thu nhập trong tương lai để tính đến chuyện mua một căn hộ với mức giá nằm trong khả năng trả nợ cho phép.
Vì quá ưng ý căn hộ này nên ngay khi tìm được nó, Tim đã lên một bản vẽ chi tiết xem mình sẽ thiết kế lại cấu trúc nhà, sắp xếp nội thất ra sao... Tuy nhiên thời điểm anh nhận nhà là trong dịch Covid nên Tim không dư dả quá nhiều tiền để có thể thoải mái sửa nhà. Vậy nên, anh đành chấp nhận làm mọi thứ trong khả năng cho phép.
Căn bếp đơn giản vì Tim ít nấu nướng
Tranh trên tường do Tim tự vẽ
Khi chọn đơn vị thi công, Tim dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông qua bạn bè, thậm chí là gặp gỡ các đơn vị rồi so sánh mức giá, chất liệu... mà họ đưa ra. Theo anh, những người không rành về lĩnh vực này rất dễ bị các đơn vị vẽ vời, hứa hẹn nhưng sau đó lại thoái thác. Vì vậy, không có lối tắt nào ngoài việc gia chủ phải chủ động tìm hiểu và tránh đặt mình vào tình huống bị người khác "dắt mũi".
Tim lấy ví dụ như khi làm gạch ốp tường nhà tắm, anh đã chọn chất liệu là gạch inax hình vuông khá khó lát và đơn vị thi công đồng ý làm theo yêu cầu của anh. Tuy nhiên khi hoàn thành, phần gạch nhấp nhô cùng với đường roll lem nhem khiến anh không hài lòng nhưng bên kia lại lấp liếm rằng chỉ có thể làm được ở mức này thôi. Lúc đó, anh mới chỉ ra rằng mình từng làm tương tự ở quán cà phê và hoàn toàn có thể làm tốt hơn hiện trạng. Đơn vị thi công sau đó mới chấp nhận làm lại theo ý anh.
Gạch ốp nhà vệ sinh khiến Tim phải hao tâm tổn sức không ít
Đồ nội thất trong nhà đều do Tim tự tay lựa chọn và sắp xếp. Mỗi món đồ trong nhà đều có câu chuyện và ít nhiều gắn bó với gia chủ.
Chiếc tủ gỗ vintage đựng đồ decor được Tim mua lại ở một tiệm đồ cũ và có giá rẻ đến bất ngờ, chỉ 1 triệu. Chiếc tủ đã theo anh nhiều năm và vẫn luôn nằm trong top những món đồ anh yêu thích nhất.
Chiếc ghế Wassily cũng là một điểm nhấn đặc biệt khiến bất kì ai cũng phải chú ý. Được biết, nó được thiết kế bởi Marcel Breuer năm 1925-1926 trong khi ông làm việc trong xưởng sản xuất tại trường Bauhaus. Chiếc ghế được đặt tên là Wassily theo tên của 1 họa sĩ người Nga làm việc trong trường vào thời điểm đấy là Wassily Kadinsky.
Chiếc ghế Wassily ấn tượng
Chiếc ghế có thể được coi là biểu tượng tiên phong của phong trào nội thất hiện đại. Nó có giá khoảng 3000$ (khoảng 69 triệu) nhưng cũng được Tim mua lại trong tiệm đồ nội thất cũ ở Mỹ với giá chỉ 300$. Vì quá yêu thích nó nên anh đã quyết định ship về Việt Nam. Giá chiếc ghế sau đó cộng với tiền ship và thuế đã lên đến khoảng 1000$ (khoảng 23 triệu).