Vào năm 2020, đạo diễn phim người Ukraina, Vasyl Moskalenko, đã kết thúc một chiến dịch Kickstarter thành công cho bộ phim hài hành động độc lập của mình mang tên "Apple Man". Bộ phim có nội dung xoay quanh một siêu anh hùng có sức mạnh điều khiển những trái táo bay lơ lửng.
Giờ đây, khi bộ phim đã bước vào giai đoạn hậu kỳ sản xuất và chuẩn bị ra mắt, thì một "kẻ ngáng đường" xuất hiện. Đó là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nhà sản xuất điện thoại iPhone, Apple. Tập đoàn công nghệ Mỹ đã bắt đầu quá trình tìm cách để bộ phim siêu anh hùng có nội dung về lối sống lành mạnh đầu tiên trên thế giới này bị ngừng phát hành, trước khi nó ra mắt công chúng.
Apple Man là bộ phim hành động hài về một siêu nhân có năng lực đặc dị
Theo tác giả của bộ phim, Apple đã đệ đơn kiện anh ta - đơn kiện dài tới 467 trang - tuyên bố rằng người tiêu dùng có thể tin rằng "Apple Man" được "liên kết với/hoặc được phê duyệt, xác nhận hoặc cung cấp bởi Apple."
Moskalenko lưu ý rằng bộ phim của anh đã được Văn phòng Thương hiệu và Sáng chế Mỹ chấp thuận. Và Apple hiện đang cố gắng để đơn đăng ký nhãn hiệu này bị từ chối.
"Nếu đăng ký của tôi bị từ chối, không có gì đảm bảo rằng Apple sẽ không yêu cầu xóa phim của tôi sau khi nó phát hành", Moskalenko cho biết.
“Nó thực sự trông giống như một vụ bắt nạt nhãn hiệu", đạo diễn này nói thêm. "Tôi vẫn hy vọng tình huống này chỉ là một sự hiểu lầm. Tôi sẵn sàng đàm phán và hy vọng hai bên có thể giải quyết tranh chấp này".
Apple có truyền thống tiến hành các vụ kiện tụng khi tin rằng các nhãn hiệu của mình đang bị xâm phạm. Ví dụ vào năm 2017, Apple đã kiện tập đoàn đồng hồ Thụy Sĩ Swatch vì đã tô điểm thêm dòng chữ "Đánh dấu sự khác biệt" trên các mẫu đồng hồ cụ thể. Chỉ vì công ty cho rằng đây là một cụm từ phỏng theo cách chơi chữ trong chiến dịch quảng cáo "Nghĩ khác biệt" vào những năm 1990 của họ.
Sự việc hiện đang gây phẫn nộ với cộng đồng những người ủng hộ bộ phim "Apple Man", cũng như những người khác. Hầu hết đều cho rằng Apple đang quá lạm dụng sức mạnh truyền thông của mình trong việc kiểm soát và "bắt nạt" những đối tượng yếu thế hơn.
"Trong một tin tức khác, Apple đã đệ đơn kiện Hiệp hội Táo Hoa Kỳ, một tổ hợp gồm những người trồng, đóng gói, bán hàng và tiếp thị táo, vì vi phạm nhãn hiệu. Một phát ngôn viên của Apple đã nói rằng: Chúng tôi không thể để mọi người nhầm táo Gala, Fuji và Granny Smith với sản phẩm của chúng tôi. Vì công chúng có thể trở nên bối rối và nhầm lẫn", một người dùng châm biếm.
"Intel có nên cấm CIA hoặc FBI sử dụng từ intel không? Tôi nghĩ rằng Apple quá nhạy cảm về vấn đề này chỉ vì công ty đang trở nên quá lớn. Điều này giống như phiên bản hiện đại của việc "đừng chế nhạo nhà vua, nếu không bạn sẽ bị xử tử"", một người khác nhận xét.
"Bất kể Apple thắng hay thua, vụ kiện sẽ được đưa vào hồ sơ bảo vệ nhãn hiệu, điều có thể có ích trong các vụ kiện sau này. Tuy nhiên, những hành động như thế này làm giảm uy tín của họ trong mắt công chúng.", một thành viên trên diễn đàn Apple Insider bình luận.
Tham khảo Apple Insider