Ngày 7/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh này còn 82 xã/phường/thị trấn bị ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0m, sâu nhất là 1,5m; tỉnh Quảng Ngãi còn 53 xã/phường bị ngập, chia cắt.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, tính đến thời điểm 13h ngày 7/11, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,22m, trên báo động II 0,22m.
Mực nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 7,62m, trên báo động II 0,12m; tại Cau Lâu là 4,18m, trên báo động III 0,18m; tại Hội An là 2.24m, trên báo động III 0,42m. Mực nước trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 1,96m, dưới báo động II 0,24m.
Quảng Nam trắng đục một màu nước lũ.
Dự báo chiều và đêm 7/11 mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn tiếp tục xuống chậm; Trên sông Tam Kỳ lên trở lại. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Trên sông Vu Gia tại: Ái Nghĩa xuống mức 7.30m, dưới mức báo động II là 0.70m. Trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy xuống mức 6.70m, trên báo động I là 0.50m; Câu Lâu xuống mức 3.70m, dưới mức báo động III là 0.30m; Hội An xuống mức 2.10m, trên mức báo động III là 0.10m. Trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ lên mức 2.10m, dưới mức báo động II là 0.10m.
Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện: Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang và ngập úng ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, TP. Tam Kỳ.
Dưới đây là một số hình ảnh ngập lụt tại Quảng Nam được chụp bằng flycam:
Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam bị cô lập trong nước lũ.
Từ trên nhìn xuống, khu phố cổ ở Hội An trắng xóa một màu nước lũ.
Một điểm di tích ở TP Hội An chìm trong biển nước.