Chiều tối ngày 29/10 (Mùng 2 tháng 10 Âm lịch) triều cường tiếp tục dâng cao khiến một số khu vực ở TP. HCM tiếp tục bị ngập trong ngày thứ hai liên tiếp.
Triều cường đạt đỉnh tại Sài Gòn chiều 29/10
Các tuyến đường ven sông Sài Gòn lại bị ngập khá nặng vì triều cường. Trong số này có đường Trần Xuân Soạn (khu vực gần cầu Tân Thuận, quận 7) đường biến thành như sông khiến nhiều người dân đi làm về gặp khó khăn, bì bõm lội nước.
Nhìn từ trên cao đường Trần Xuân Soạn bị ngập với mực nước ngang bằng mặt sông Sài Gòn bên cạnh. Có những lúc tàu thuyền đi qua khiến nước sông lại tràn vào lên bờ, đường này lại ngập nặng hơn.
Mực nước sông ngang bằng với đường ngập, nhiều người nói đùa rằng không còn nhận ra đâu là sông và đâu là đường.
Cũng trong đợt triều cường này, một số người dân cũng tranh thủ ra mé sông câu và bắt cá trên đường ngập. Một cần thủ cho biết, đôi lúc sóng nước từ tàu thuyền tạo ra đẩy cá lên bờ vì mặt sông ngang bằng với đường ngập nên tranh thủ vừa câu vừa bắt.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam bộ, hiện nay một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tồn tại ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc, 115,5 độ Kinh Đông, và có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực phía Nam biển Đông gió có hướng Bắc - Đông Bắc cấp 4-5, sau có khả năng chuyển hướng do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ.
Chính vì vậy mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai lên chậm trong chiều ngày 29/10, đỉnh triều đợt này tại Phú An (sông Sài Gòn) và Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có thể đạt mức 1,67-1,72m (cao hơn BĐIII 0,17 - 0,22m), thời gian xuất hiện đỉnh triều vào khoảng 17h-18h.
Những ngày tiếp theo mực nước tại các trạm ít biến đổi sau đó xuống nhanh, đỉnh triều cao trên BĐII còn duy trì đến hết 1/11.
Đỉnh triều từ khoảng 17h chiều nay, nên đường Trần Xuân Soạn bị ngập khá nặng.
Đoạn ngã ba giao nhau với đường Trần Xuân Soạn (dưới cầu Tân Thuận) được xem là đoạn ngập nặng nhất nên ít phương tiện lưu thông.
Xung quanh nhà dân trên đường này toàn là nước do triều cường.
Người dân tạm nghỉ bán để dùng các vật dụng ngăn trước cửa để không cho nước tràn vào nhà.
Quán ốc trên đường này bị ế ẩm do đến gần 19h nước vẫn chưa rút hết.
Các cần thủ câu cá trong ngày triều cường dâng cao.
Đôi lúc bắt được cá trên đường ngập nước.
Người đi bộ bì bõm lội nước về nhà.
Nhiều phương tiện bị chết máy, phải dắt bộ.
Nước ngập khiến các phương tiện xe máy di chuyển gặp nhiều khó khăn, suýt bị té vì có ô tô đi qua tạo sóng.
Cô gái đi xe máy vất vả vì lỡ đi vào vùng mé sông nên ngập sâu.
Mỗi làn xe container đi qua lại khiến người đi xe máy sợ hãi vì tạo sóng quá lớn, có thể bị té trên đường ngập.
Học sinh rẽ sóng về nhà sau khi tan trường.
Xe máy di chuyển được nhưng rất khó khăn trên đường Trần Xuân Soạn vì đường ngập.
Xe máy nối đuôi nhau di chuyển trên đường để hạn chế đi "lạc" vào vùng ngập sâu.
Trong vòng một tháng qua, người dân khu vực này luôn phải chịu đựng 2 đợt triều cường trong nhiều ngày liên tiếp.
Tuyến đường mênh mông nước.