Má Mười, cái tên thân quen mà người dân ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) thường dùng để gọi bà Trần Thị Cẩm Giang (82 tuổi), chủ của mái ấm Thiện Duyên, nơi có những số phận kém may mắn đang trú ngụ.
Nhắc đến mái ấm Thiện Duyên, có lẽ không chỉ người dân trong vùng, mà nhiều người ở xứ khác cũng biết tới bởi nơi đây có một người mẹ đặc biệt, suốt hơn 30 năm qua đã hy sinh mọi thứ để nuôi hơn 100 người con "không lành lặn" của mình. Đó là những trẻ em bại não, khuyết tật, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Má Mười, người đã bán nhà, bán đất để nuôi hơn 100 người con "không phải do mình đẻ ra".
Hỏi về nguyên do má thành lập nên mái ấm đặc biệt này, má cười hiền từ rồi kể: "Trước đây, khi còn nhỏ gia đình má nghèo lắm, không đủ ăn, thời gian đó má được nhiều người hàng xóm cưu mang, cho cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Sau ngày giải phóng miền Nam, những gia đình từng cưu mang má lâm vào cảnh khó khăn bần cùng, rồi họ qua đời, để lại những người con bị tật bẩm sinh. Những đứa trẻ này không có ai chăm sóc, má thương và nhớ đến ân tình của cha mẹ chúng nên đưa về nuôi".
Mái ấm Thiện Duyên là nhà của hơn 100 số phận kém may mắn, đa số là các em bị bại não, khuyết tật bẩm sinh.
Hồi đó, má chỉ nuôi mấy người con của những ân nhân, nhưng về sau nhiều gia đình khác cũng lâm vào cảnh cùng cực, con cái không đủ ăn, bệnh tật, rồi họ cũng đưa tới nhờ má nuôi giúp.
"Ban đầu cũng mệt lắm, cũng không có điều kiện để nuôi các con, nhưng vì thương, không nỡ bỏ chúng nên nhận nuôi cả", má Mười chia sẻ.
Má Mười năm nay đã 82 tuổi, nhưng vẫn chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ của hơn 100 người con của mình.
Ánh mắt cầu cứu của những đứa trẻ bại não tại mái ấm Thiện Duyên.
Những người con của má Mười nuôi chủ yếu là bị bại não và khuyết tật bẩm sinh. Từ 3 đến 5 đứa trẻ ban đầu, số lượng dần tăng lên đến 10, 30..., càng về sau càng đông hơn. Rồi đến năm 1988 má quyết định xin phép chính quyền thành lập nên mái ấm Thiện Duyên, để nơi này trở thành mái ấm cho những đứa trẻ không lành lặn trú ngụ. Đến thời điểm hiện tại, má Mười đã có hơn 100 người con ở mái ấm này.
Má Mười kể, trước đây sau khi giải phóng, chồng má được nhà nước cấp cho một căn nhà ở quận Bình Tân (TP.HCM), nhưng sau khi chồng má mất, má quyết định bán căn nhà đó đi để lấy tiền lo cho hơn 100 đứa con của mình.
Ngoài việc nuôi hơn 100 người con "không lành lặn", má cũng giúp đỡ người vô gia cư và những người già neo đơn.
"Lúc mới thành lập mái ấm, các con ở trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp, số lượng thì càng tăng lên, má không có tiền nuôi các con, nhà thì không ở vừa được nữa. Cuối cùng má quyết định bán căn nhà trên thành phố để lấy tiền xây một nơi ở mới cho chúng nó, còn bao nhiêu thì lo ăn uống hàng ngày", má Mười cười vui vẻ nói.
Má Mười cho biết, năm ngoái (2018), ngôi nhà hồi xưa má bán nhà để xây bị hư hỏng nặng, nền bị sụp xuống, mái cũng bị dột, mỗi khi mưa gió là khổ cho các con lắm. Cuối cùng má tiếp tục bán thêm mảnh đất của cha mẹ để lại với giá 5 tỷ đồng, rồi được các mạnh thường quân hỗ trợ thêm, má xây lại ngôi nhà phía sau hơn 7 tỷ đồng làm nơi trú ngụ mới cho các con.
Để có tiền nuôi những đứa con bị bệnh tật, má Mười phải bán nhà, bán đất để xây nhà ở và lo ăn uống cho các con hàng ngày.
Ánh mắt cầu cứu của những đứa trẻ bại não tại mái ấm Thiện Duyên.
"Giờ đây má không lo chỗ ăn chỗ ở cho chúng nó nữa, vì nhà cũng được xây lại kiên cố rồi. Má chỉ lo là giờ tuổi cao, sức yếu sẽ 'về trời' sớm, không chăm sóc được cho chúng nó nữa", má Mười nói với vẻ mặt u buồn.
Khi được hỏi về việc 2 người con gái ruột có phản đối việc làm của mình không, má cười tươi nói: "Tụi nó không hề phản đối gì cả, ngược lại còn động viên má chăm sóc các em nữa. Tuy giờ hai đứa có gia đình, công việc riêng trên thành phố, nhưng thi thoảng cũng về giúp má đôi việc, cũng cho má tiền hoặc vài ba bao gạo".
Những đứa trẻ bị bại não, tật nguyền được má Mười nhận nuôi như con từ nhỏ.
"Chưa kể con gái lớn của má là bác sĩ nên cũng về nhà phụ má khám, phát thuốc cho các bé ở phòng bại não, các em bị bệnh nữa", má Mười nói thêm.
Theo má Mười, trước đây nhiều người đưa con bị khuyết tật, bại não tới nhờ nuôi, thời gian đầu má nhận hết, nhưng từ khi đăng kí trên chính quyền để thành lập mái ấm, má không nhận nữa, má chỉ nuôi những em bị bỏ rơi thôi.
Nụ cười ngây ngô của một em nhỏ bị bỏ rơi trước cửa mái ấm Thiện Duyên và được má Mười nuôi nhiều năm.
"Đâu thể nhận nuôi các con khi vẫn còn mẹ, còn cha đó, chỉ nuôi các con bị bỏ rơi hoặc không còn người thân thôi. Đa số má nuôi ở đây là bị bỏ rơi trước cửa, có nhiều trường hợp các con bị cha mẹ đưa tới và buộc vào trước cửa mái ấm rồi bỏ đi, toàn vào lúc đêm khuya", má Mười nói.
Những em nhỏ ở đây đều được đăng kí giấy khai sinh và được má Mười đóng bảo hiểm từ khi được đưa về nuôi.
Một số được bỏ lại kèm theo giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh thì má Mười không cần phải đăng kí khai sinh nữa, nhưng cũng nhiều trường hợp các con bị bỏ lại mà không có giấy tờ tùy thân, không có tên tuổi.
"Những trường hợp đó thì má phải làm giấy khai sinh cho các con, muốn làm khai sinh thì phải có hộ khẩu, vậy là má cho chúng nó vào hộ khẩu của má luôn. Tính ra giờ hộ khẩu của má có khoảng 50 tên của các con trong đó rồi, 1 quyển ghi không đủ đâu, má có tới mấy quyển liền", má Mười cười tươi khoe.
Việc ăn uống của các con hàng ngày má Mười phải thuê thêm người về giúp đỡ.
Bữa ăn, giấc ngủ của các con hàng ngày đều một tay má Mười quán xuyến.
Hiện giờ má Mười có tới 2 cơ sở mái ấm Thiện Duyên, một cơ sở là chỗ ở của các em trẻ mồ côi, lành lặn và đi học bình thường. Có các em từ cấp 1 tới cả đại học, đi làm rồi cũng có, một số em đã lớn, lập gia đình và đã ra ở riêng. Hiện má Mười đang ở tại cơ sở 1, chính là nơi hơn 100 người con bị khuyết tật và bại não đang nương náu.
Mọi trang bị, cơ sở vật chất tại mái ấm đều được má Mười sắm sửa đầy đủ.
Hiện để có thể nuôi được hơn 100 người con, má Mười phải làm rất nhiều việc để có thêm thu nhập, hàng ngày vẫn bán thêm vé số tại nhà, bán bánh tráng, nấu hủ tiếu bán buổi sáng. Ngoài ra, các em trong mái ấm cũng làm thêm móc khóa, bình hoa để bán cho khách. Mỗi việc mang lại một chút lời để giúp má trang trải sinh hoạt phí của hơn 100 con người.
Để có tiền lo cho hơn 100 người con, má Mười cùng các con làm thêm bình hoa, móc chìa khóa để bán cho khách.
Tuổi cao, sức khỏe yếu, một mình má lo không xuể, thế là phải tìm thêm người để phụ giúp việc. Có người má trả tiền nhưng cũng chả đáng là bao, có người tình nguyện ở lại giúp má hàng ngày.
Hơn 30 năm qua, mái ấm Thiện Duyên của má Mười có những người trưởng thành và xin được việc làm, người thì lập gia đình, nhưng cũng có những người bệnh tật, già yếu mà chết. Bao nhiêu năm nay, một tay má Mười lo chu đáo từ nhà ở cho những người lấy vợ lấy chồng hay hậu sự cho những người mất, tất cả đều chu toàn.
Hơn 30 năm qua, người mẹ này chưa một phút nghỉ ngơi bởi luôn lo lắng, chăm sóc các con.
Riêng bản thân mình, ở cái tuổi 82, tuy vẫn minh mẫn, nhưng sức khỏe cũng không còn tốt như xưa, má cười hiền rồi nói: "Chắc cũng chả được bao lâu nữa là má cũng phải 'lên trển' rồi, ngày má chết đừng ai cúng viếng gì nhiều, đem vài ba bao gạo đến cho tụi nhỏ ăn là má cám ơn nhiều lắm".
"Má chỉ lo là một lúc nào đó má chết đi rồi, bỏ tụi nhỏ lại thì không ai chăm sóc nữa, chúng lại bơ vơ thì biết làm sao?", nói dứt câu, má Mười hướng ánh mắt đầy u buồn nhìn về phía những đứa trẻ bất hạnh đang chơi đùa, cười ngây dại phía sau những song sắt.