Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi!

Quốc Bảo - Thiết kế: Tom - Ảnh: Tuấn Mark, Theo Helino 14:44 17/11/2018
Chia sẻ

Đấy là một câu chuyện đầy mâu thuẫn và vô lý, nhưng có thực. Về Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam, ở cái tuổi 33 mới thực sự ghi được những dấu ấn xứng tầm.

Đấy là một câu chuyện đầy mâu thuẫn và vô lý, nhưng có thực. Về Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam, ở cái tuổi 33 mới thực sự ghi được những dấu ấn xứng tầm. Người ta bảo, lẽ ra anh phải “sáng” cách đây cả chục năm rồi mới phải…

Trong bóng đá, số phận là có thật.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 1.

Hãy cùng xem lại một tấm ảnh thời hoàng kim của lứa những cầu thủ sinh năm 1984, 1985. Ở đấy, có Văn Quyến, Thanh Bình, Công Vinh và… Anh Đức.

Văn Quyến – Công Vinh dĩ nhiên là những thiên tiểu thuyết về thất bại và thành công, về tài năng thiên phú và ý chí trui rèn, về sự sa ngã và phấn đấu… Chuyện thiết nghĩ không cần nói nữa.

Thanh Bình là mẫu cầu thủ tài không đợi tuổi và dường như được sinh ra để “trải chiếu hoa”. Anh sắm vai “kép chính” khi mới 17 tuổi (trên giấy tờ), hầu như không mấy khi phải tranh đấu để giành vị trí ở tất cả các đội tuyển, và trong cuộc sống, anh cũng sớm “lên xe xuống ngựa” khi lấy vợ là người mẫu nổi danh, chạy xe hơi, ở nhà lầu. Ai đó kêu Thanh Bình số hưởng, quả không sai.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 2.

So với ba gương mặt ấy, Anh Đức kém nổi bật hơn hẳn, dù anh vượt trội về chiều cao 1m85. Cái chiều cao thường giống như một tiêu chí “an ủi” khi những ông thầy như Alfred Riedl hay Nguyễn Thành Vinh xét năng lực hàng tiền đạo, và sau đó, miễn cưỡng coi Anh Đức là lựa chọn thứ tư thứ năm, hoặc… loại luôn.

Trong tất cả các lần tập trung đội tuyển, cái tên Anh Đức hầu như luôn được điền vào. Các nhà tuyển trạch, với chức trách của mình, không thể bỏ sót một chân sút nội mùa nào cũng nằm trong Top ghi bàn cho Bình Dương. Nhưng thành tích ở CLB với ghi nhận ở đội tuyển là hai câu chuyện khác nhau (ngay lúc này, tiền đạo Vua phá lưới V.League 2018 Tiến Linh vẫn chưa thể thuyết phục được HLV Park Hang-seo), và Anh Đức lên tuyển đơn thuần chỉ là để… đủ mâm.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 3.

Không phải Anh Đức không nỗ lực, nhưng anh không có kiểu… đập đầu vào tường thể hiện quyết tâm đòi vị trí như Công Vinh. Tài năng của anh lúc đó cũng chưa đủ để cạnh tranh sòng phẳng với cặp Quyến – Bình, thực sự đang ở đỉnh cao. Và khó nhất là thay đổi quan điểm HLV Rield, vốn là người rất bảo thủ và chỉ thích đóng khung một đội hình, cái đó chẳng riêng Anh Đức mà vô số người không thể.

Đã thế, những biệt danh như Đức “Eto’o” hay Đức “gỗ” lại bám riết lấy anh, mặc định anh cứ như thể một tiền đạo vụng về, thô kệch, gây cười, tạo ức chế, chuyển hoá bàn thắng thành cơ hội, hay đơn giản là không phối hợp được với đồng đội xung quanh. Như thể chưa đủ tệ, người ta còn vớt vát cho anh một dòng thế này: “May ra có khả năng đánh đầu kéo lại”.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 4.

Và thực tế là từ Bắc chí Nam, trừ khán giả ruột Bình Dương, rất ít người đánh giá cao Anh Đức. Chuyện một tiền đạo như anh có mặt hay không dường như chẳng có gì đáng quan tâm cả. Với đa số, Đức “Eto’o” chỉ ấn tượng ở một điểm: hễ lên tuyển là cáo từ, hoặc trước sau gì cũng rút lui.

Đến đây thì chúng ta phải nhìn Anh Đức ở một góc hoàn toàn khác, nơi anh lựa chọn cho mình một con đường riêng.

Thay vì dã tràng xe cát ở những lần lên tuyển, Anh Đức dành thời gian đó cho CLB, cho gia đình, cho những dự án của đời mình. Nhìn lại, đó đều là những lựa chọn đúng, hiệu quả và nó khiến anh được tôn trọng hơn rất nhiều so với việc lao vào những cuộc kiếm tìm vị trí trong màu áo tuyển.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 5.

Đóng góp của Anh Đức cho đội bóng Bình Dương là thứ không cần bàn cãi. Đã có lúc CLB được mệnh danh là Chelsea Việt Nam này tôn thờ những Philani, Kesley Alves… Nhưng sau tất cả, Anh Đức mới là cái tên bền vững nhất.

Không chỉ mải mê đá bóng, Anh Đức cũng rất thức thời khi sớm đầu tư vào nghề tay trái. Từ năm 2008, anh đã manh nha phát triển cửa hàng thể thao mang tên mình ở Thủ Dầu Một, và rất nhanh chóng sau đó vươn tầm ảnh hưởng ra nhiều tỉnh thành khác. Vừa nhập hàng ngoại vừa mở xưởng tự gia công, vừa bán đồ thể thao vừa lấn sân các lĩnh vực khác như bất động sản, chuỗi cửa hàng ăn uống, giải trí…, Anh Đức đang sở hữu cơ ngơi của một đại gia.

Tôi nhớ mãi câu chuyện của một cậu em phân phối giày đá bóng cho hãng Lotto vào Việt Nam trước SEA Games 2009. Khi anh chàng còn đang gây dựng mạng lưới kinh doanh ngoài Hà Nội thì nhận được một cuộc gọi giọng miền Nam, chính là từ số máy của Anh Đức Bình Dương. Vậy là thương hiệu Anh Đức đến với đồng đội, rồi đối thủ, rồi các cầu thủ nữ thu nhập thấp nhưng vẫn cần giày xịn giá mềm. Những phần trăm chiết khẩu nhỏ nhoi ban đầu ấy bây giờ đã nhân lên thành nghìn tỉ…

Doanh nhân Anh Đức, chính vì vậy, không hề hấn chút nào khi thị trường cầu thủ nội thoái trào như bong bóng vỡ. Sau cuộc tháo chạy của một loạt các ông bầu, thu nhập của dân bóng đá sụt giảm thê thảm, từ vài chục triệu tiền lương, hàng tỉ tiền thưởng, bây giờ nhiều người chỉ mong một tháng đưa về cho vợ con hai mươi, hai lăm triệu đã là mừng.

Anh Đức đá bóng lúc này hoàn toàn không phải vì tiền, lại càng không phải vì mưu cầu lên tuyển. Anh coi như đã giã biệt màu áo ấy từ sau thời HLV Hữu Thắng, khi chuyện anh từ chối lên tuyển lại một lần nữa bị đem ra bêu riếu và đơm đặt. Bao nhiêu năm, không phụng sự đội tuyển, Anh Đức cũng quen rồi…

Nhưng ông Chung “xe ca” xuất hiện, lại một vai “cascadeur” như cả đời cầm quân ông ấy đã từng. Chỉ tạm quyền sau khi Hữu Thắng từ chức, HLV Mai Đức Chung phải xốc dậy một đội tuyển đang ở tận cùng thất vọng và suy sụp. Một trong những cuộc gọi đầu tiên, ông nối máy cho Anh Đức.

Hơn ai hết, ông Chung hiểu Anh Đức là người “cứng” nhất trên hàng tiền đạo mà bóng đá Việt Nam còn sở hữu. Sau thất bại thảm hại ở AFF Cup 2016, đội tuyển Việt Nam cũng khó có thể trông chờ gì hơn một lối chơi đơn giản, thực dụng, mà Anh Đức là tiêu biểu.

Hãy nghe ông Chung phân tích: “Nhiều bạn cứ chê Anh Đức là già, là vụng, nhưng mỗi mùa cậu ấy vẫn ghi được trên 10 bàn thắng, trong đó chủ yếu là ở khu vực 16m50. Đấy là mẫu tiền đạo mà đội tuyển rất cần”.

Cú điện thoại của ông Chung, sau đó là cái bắt tay thật chặt thay lời hứa hẹn, đã níu Anh Đức trở lại và nối một sợi dây khăng khít với người kế nhiệm Park Hang-seo. Ông Park, người đặt các tiêu chí năng lực và phù hợp lên hàng đầu, đã lựa chọn Anh Đức trong tất cả các giải đấu mà cầu thủ này có thể tham gia. Ông không sử dụng Anh Đức trong tất cả các trận, nhưng luôn biết cách tạo động lực và giúp anh toả sáng mỗi khi được trao cơ hội, điển hình như trận thắng Malaysia hào sảng tối qua.

Anh Đức, tiền đạo thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam: Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi! - Ảnh 7.

Đó là một sự trân trọng mà có lẽ cả đời đá tuyển trước đây, Anh Đức chưa bao giờ được nhận.

Ở cái tuổi 33, Đức “Eto’o” - cầu thủ - mới được trả lại những gì quý giá lẽ ra đã thuộc về anh từ rất lâu rồi. Sự khẳng định muộn màng và trắc trở hơn nhiều so với Anh Đức – doanh nhân – nhưng một lần nữa, đấy là số phận.

Quay đầu lại mà xem, Thanh Bình đã 4, 5 năm nay im tiếng, Văn Quyến đang vật vã để trở thành một HLV đào tạo trẻ, Công Vinh hết làm Chủ tịch CLB lại chuyển sang mở trung tâm bóng đá cộng đồng… Tất cả đều đã treo giày, những bàn thắng làm lay động cầu trường cũng chỉ còn là dĩ vãng.

Nhưng Anh Đức thì vẫn ở đó…

Cuộc chơi và sứ mệnh của anh dường như chỉ mới mở ra thôi!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày