“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai

Huyền Trang - Thiết kế: Trường Dương, Theo Phụ nữ mới 11:37 19/04/2024
Chia sẻ

Người đi quấy rối biện minh rằng hành động xuất phát từ sự quý mến. Nhưng làm gì có định nghĩa cho quý mến hay quấy rối?

*Lưu ý: Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Ngay trong buổi phỏng vấn trưởng phòng hỏi: "Em có hay đi đêm được không?"

''Mình đi làm từ năm 18 tuổi, hơn 10 năm và không ít lần bị quấy rối tình dục. Tất cả những lần đó mình đều nhớ rõ vì nó ám ảnh mình, đến cả hiện tại. Nhiều đêm nghĩ lại, mình chỉ biết nằm khóc.

Năm 20 tuổi, công việc văn phòng đầu tiên của mình là trợ lý giám đốc ở một chi nhánh ngân hàng. Công việc của mình phải báo cáo trực tiếp với giám đốc, cùng giám đốc đi gặp khách hàng. Một thời gian sau, người đó có những hành động như nắm tay, sờ đùi và hay khoác vai. Lúc đầu việc đó xảy ra trước đám đông nên mình cười cho qua. Vì xấu hổ. Vì công việc. Vì đồng lương. Dần dần người đó hay tạo những lần gặp mặt có 2 người, mình sợ quá, tỏ ý không thích thì người đó đuổi khéo nên mình phải nghỉ việc.

“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai - Ảnh 1.

Năm 23 tuổi, mình nhận chụp ảnh mẫu cho một thương hiệu túi xách và balo khá nổi tiếng. Ông chủ ở đó chủ động liên hệ mình và 2 bên hợp tác được 2 lần. Đến lần thứ 3, người đó hẹn em đi ăn trưa, thanh toán tiền và nói: 'Em đẻ con cho anh nha?', sờ đùi rồi kéo mình vào ôm. Mình sợ quá la lên và bỏ chạy.

Năm 26 tuổi, mình mới sinh em bé xong và đi làm ở công ty với vị trí trợ lý dự án. Ngay trong buổi phỏng vấn, trưởng phòng hỏi mình: 'Em có hay đi đêm được không?'. Lúc đó mình sợ và từ chối khéo nhưng vẫn được nhận vào làm. Từ những ngày đầu, một đồng nghiệp trong công ty đã cảnh báo về nguy cơ bị sàm sỡ của 2 giám đốc mà mình làm việc dưới quyền. Bởi lẽ từ khi 2 người đó về, phòng riêng của họ được chuyển từ kính trắng sang dán mờ.

Trong quá trình làm việc, 2 người đó cũng bảo mình đi nhậu, tiếp khách. Mọi chuyện bình thường cho đến một lần, mình đi tiếp khách cùng với giám đốc và một vài người nữa. Người đó sờ đùi, kêu ngồi im đi rồi ổng sẽ cho cơ hội được làm việc tiếp, cơ hội thăng tiến. Lần đó mình giả vờ xin đi vệ sinh để trốn về.

Những người quấy rối đó, họ hay nói 'Anh xem em như em ruột'. Hồi mới đi làm mình đã tin là họ nói thật, còn nghĩ gặp được sếp tốt và được quý mến. Sau này nghe riết rồi thấy nhàm, người ta nói vậy để dễ tiếp cận mình và dễ xử lý khi có biến mà thôi.

Thật ra ranh giới giữa quý mến và quấy rối mỏng manh nhưng cũng rất rõ ràng.

“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai - Ảnh 2.

Mình từng gặp được những người sếp quý mến mình thật sự. Họ tạo mọi điều kiện để nhân viên được học hỏi, giúp đỡ nhân viên trong tình huống khó khăn mà không cần phải kể công. Đó là những người mình luôn biết ơn.

Ngược lại, những người có mục đích quấy rối thì ngay từ đầu đã có thái độ khác hẳn. Họ sẵn sàng vung tiền, họ quan tâm đến giờ giấc đi làm, họ rủ nhân viên nữ đi nhậu và chỉ có 2 - 3 người trên bàn tiệc, họ xin cách liên lạc cá nhân,... Có người còn quấy rối công khai hơn thì khi bưng bê vật gì đến, họ sẽ nắm tay, nhìn áo sơ mi có hở không, váy có ngắn không,... Một khi đã muốn quấy rối thì họ sẽ tìm đủ mọi cách tiếp cận mình cho bằng được''.

_ Lan Anh _

“Mọi người bảo vì những bạn đó thích mình nên mới làm thế”

''Chuyện xảy ra khi mình học lớp 3, 8 tuổi. Với một đứa trẻ ở độ tuổi đó, mỗi ngày đến trường nên là một ngày vui nhưng với mình thì không. Mình bị quấy rối bởi chính những đứa con trai bằng tuổi, học ở lớp bên cạnh.

Mỗi giờ ra chơi hay tan học, chỉ cần mình ló mặt ra ngoài là nhóm con trai đó sẽ ùa đến và ôm mình. Nếu mình bỏ chạy, chúng sẽ rượt đuổi cho bằng được, vừa hô hoán vừa cười cợt. Nhưng không phải hôm nào mình cũng chạy trốn thành công, khi thoát được vòng vây thì đầu tóc rối tung, cặp xách xộc xệch.

Hồi đó, mình không im lặng. Mình nói với cô giáo nhưng không được giải quyết dứt khoát, có lẽ các cô chỉ nghĩ đó là trò đùa của trẻ con. Mình nhờ người anh hàng xóm, học ở lớp lớn hơn dẫn đến lớp nhưng không phải ai cũng ở cạnh trông mình được. Mọi người cũng không đủ kiên nhẫn.

Một vài đứa con gái cùng lớp ghen tị ra mặt vì chuyện này. Họ rỉ rả với nhau rằng nhóm con trai kia thích mình nên mới như vậy, còn mình là con nhỏ kiêu căng nên giả bộ né tránh. Trong khi đó, mình chẳng thấy tự hào hay vui thú gì với sự yêu quý kia, mình chỉ thấy sợ.

“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai - Ảnh 3.

Tất nhiên ở thời điểm đó mình quá bé để nhận thức được bản thân đang bị quấy rối. Nhưng mình hiểu rằng hành động sỗ sàng kia chắc chắn không phải là biểu hiện của sự quý mến giữa bạn bè với nhau.

Hơn 20 năm trôi qua, cảm giác sợ hãi đó vẫn là một vết xước trong lòng mình. Mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc bị bao vây giữa những cánh tay đang cố tóm lấy mình hay những tiếng cười khả ố, mình vẫn rơi nước mắt. Mình cũng nhớ như in những cái tên, những gương mặt đầu têu nhóm con trai đó.

Nhưng điều nực cười nhất là gì? Chỉ có mình phải chịu đựng đến tận bây giờ còn những đứa trẻ kia, chúng vẫn lớn lên vui vẻ khỏe mạnh, lấy vợ sinh con và thậm chí không nhớ mình là ai…''.

_ Thanh Hải _

Im lặng khi bị quấy rối vì miếng cơm manh áo, vì sợ thờ ơ của người xung quanh!

Có 4 lý do khiến nạn nhân của quấy rối tình dục chọn im lặng, bao gồm: sang chấn tâm lý, cảm giác xấu hổ và tự trách bản thân, định kiến xã hội, nỗi sợ kẻ quấy rối. Và thông thường, họ không chỉ phải đối mặt với một mà cả 4 vấn đề này.

Với trường hợp của Lan Anh, cô chọn im lặng vì đối phương đều là những người có vị trí trong công ty, vì phải đi làm kiếm miếng cơm manh áo, vì thái độ của những người xung quanh. "Mỗi ngày đi làm mình chỉ nghĩ cái gì né được thì né, ráng làm cho đúng việc và làm được đến khi nào thì hay khi đó.

“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai - Ảnh 4.

Mình cũng không nói với ai. Với đồng nghiệp, có lần mình nói ra thì mọi người dè bỉu, không một ai bênh vực và còn bảo 'do mày ***'. Với gia đình, mình không dám nói. Với bạn bè, mình kể cho một vài người bạn thân thiết rồi biết tình hình của họ chẳng khá hơn là bao, không ít người bị quấy rối như mình nhưng ai cũng im lặng. Có thời điểm mình phải nghỉ ở nhà 6 tháng, không dám đi làm. Khi đi làm trở lại thì không dám thân thiện hay giao du với ai vì nhìn đâu cũng sợ.

Trước đây mình không đủ can đảm để nói ra những chuyện này và cũng không biết phải nói với ai. Bây giờ mình làm việc tự do, không còn phải sợ hãi hay e ngại ai nữa nên mới có thể kể ra. Nếu gặp lại những người đó, thực lòng mình chỉ muốn hỏi tại sao họ lại làm vậy với mình…".

“Anh coi em như em ruột” nhưng lại sờ đùi, nắm tay, khoác vai - Ảnh 5.

Với Thanh Hải, ban đầu có phản kháng nhưng sau sự thờ ơ của những người xung quanh, cô cũng chọn cách im lặng. Trong suốt thời gian học Tiểu học, cô không có bất cứ một người bạn thân nào. Sau này cô cũng không dám kể lại với ai, sợ mọi người nghĩ mình đang làm quá, đang bi kịch hoá mọi chuyện.

Trong thâm tâm, Thanh Hải cũng luôn mặc cảm về chuyện đó. Có thời điểm ở độ tuổi dậy thì, cô tìm cách làm mình xấu đi, phong cách và ứng xử như một đứa con trai. Cô nghĩ rằng chỉ cần làm vậy thì những người khác giới xung quanh sẽ không để ý đến mình nữa. Trong khi về bản chất, vấn đề không nằm ở Thanh Hải hay các nạn nhân khác, người phải thay đổi và xứng đáng bị lên án là những kẻ kia.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày