Năm 2016, Hà Nội từng yêu cầu tất cả du thuyền, nhà hàng nổi ngừng kinh doanh ở khu vực bến thủy Hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi), di dời về bến mới Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Đến nay, gần 4 năm, ngoài một số nhà thuyền đã được tháo dỡ thì vẫn còn khoảng chục chiếc neo đậu, hoen rỉ và chưa có phương án xử lý cụ thể.
Từng là một trong những du thuyền, nhà hàng nổi sầm uất nhất Thủ đô, giờ đây, "những đống sắt vụn" dọc hồ Tây vô tình tạo nên "nghĩa địa" du thuyền.
Du thuyền "nàng tiên cá" hoen rỉ và xuống cấp trầm trọng.
Những nhà hàng nổi từng kinh doanh trên hồ Tây phải dừng hoạt động nằm phơi mưa gió mục nát chờ xử lý.
Lối dẫn vào du thuyền được rào lưới kèm dòng chữ "không phận sự miễn vào".
Năm 2019, du thuyền có tên Hải Đăng bốc cháy dữ dội, mặt sàn và các vật dụng còn lại cháy rụi. Thời điểm đó, người dân lo ngại nguy cơ cháy lan sang các du thuyền bỏ hoang khác.
Sau khoảng 10 phút, lực lượng chức năng khống chế đám cháy, bên trong gần như bị thiêu rụi hoàn toàn.
Những con tàu với kích thước lớn, chiếm một phần diện tích không nhỏ trên mặt hồ Tây.
Những chiếc thuyền đạp nước xếp hàng... chờ hư hỏng.
Hiện nay, một số tàu vẫn duy trì đội ngũ bảo vệ, tuy nhiên công việc gặp nhiều khó khăn. Trời mưa bão, nếu không được chuẩn bị kỹ, du thuyền có thể bị trôi vô định ra hồ, phải dùng tời để kéo về vị trí cũ.
Du thuyền bỏ hoang cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nơi tụ tập của các đối tượng tệ nạn xã hội.
Nhiều năm qua, các nhà hàng nổi ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh.
Một người dân sống gần khu vực mong muốn cơ quan chức năng dẹp bỏ hoàn toàn "nghĩa địa" du thuyền, trả lại cảnh quan cho hồ Tây. "Những chiếc thuyền bỏ hoang như thế này vừa nguy hiểm, vừa ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều người lang thang tìm đến, không chỉ mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ".
Những con tàu "sang chảnh" một thời, theo thời gian chỉ còn thân tàu hoang tàn và trơ trọi.