Anh bán hàng rong bị công an quật ngã: “Tôi muốn làm công nhân”

Trí Thức Trẻ, Theo 14:06 16/04/2016
Chia sẻ

Hiện tại, Phạm Thiện Minh Phong đã khỏe hơn, anh chỉ còn đau đầu, vai và hơi choáng.

Gặp anh Phong trong bệnh viện, sức khỏe anh đã khá hơn trước rất nhiều. Anh cho biết: “Em không đi bán hàng rong nữa đâu. Em chờ khỏe lại rồi xin đi làm công nhân".

Phong cũng đã học hết lớp 10

Những ngày qua đại diện của Công an quận 6, công an phường 4, UBND phường 4, Đảng ủy của phường… cũng đã thay phiên đến thăm hỏi, động viên và khuyên anh Phong yên tâm nghỉ ngơi để mau chóng bình phục.

Đại diện Đảng ủy phường cũng đã trao cho chị Thúy, vợ anh Phong một khoản tiền hỗ trợ để thăm nuôi anh Phong tại bệnh viện.

Vị này cho biết: “Tuy sự hỗ trợ không lớn, nhưng cũng phần nào giảm bớt nỗi lo về chi phí cho gia đình trong lúc khó khăn này”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115:

“Kết quả kiểm tra sáng 15/4 của anh Phạm Thiện Minh Phong cho thấy xuất huyết màng não giảm, máu tụ ở bán cầu não phải đã tan dần.

Chúng tôi sẽ theo dõi thêm vài ngày, nếu tình trạng ổn định sẽ cho anh Phong xuất viện điều trị ngoại trú.

Sau 2 ngày điều trị, chúng tôi thấy sức khỏe của Phong đã ổn định hơn, có thể đứng dậy đi lại và tự vệ sinh cá nhân.

Phong chia sẻ mỗi buổi anh ăn được nửa chén cháo, không còn nôn ói, chỉ đau đầu, vai và hơi choáng".

Nhớ lại sự việc ngày hôm đó, anh Phong cho biết, hơn 9h sáng ngày 14/4, anh đậu xe phía trước chợ Bình Tiên để bán trái cây thì thượng sĩ Lương Việt Hà cùng ba bảo vệ đô thị đến xử lý.

Lúc này anh Phong sợ bị bắt xe nên đưa cho tổ công tác 100.000 đồng để xin tha nhưng họ không nhận.

Khi một bảo vệ đô thị kêu anh đưa xe về phường để xử lý thì trong lúc lên xe để vòng lại, xe anh Phong có va chạm với xe máy của thượng sĩ Lương Việt Hà.

Do không giữ được bình tĩnh nên anh Hà đã quật ngã anh Phong.

Anh bán hàng rong bị công an quật ngã: “Tôi muốn làm công nhân” - Ảnh 1.

Người dân, tiểu thương chợ Bình Tiên góp lại, gửi tặng anh Phong số tiền 1.604.000 đồng

Theo anh Phong, lúc nhỏ anh đi làm nhiều nghề hết chạy bàn đến giao hàng. Vài năm nay thì chạy xe đi bán trái cây theo mùa.

Biết bị cấm nhưng anh vẫn vi phạm về lấn chiếm lòng lề đường mà bán hàng, khi cơ quan chức năng đến xử lý thì quay xe bỏ chạy.

Lúc nào “thoát” được thì đợi tổ tuần tra đi rồi anh quay lại bán tiếp, không thì theo họ về phường để xử lý.

“Tôi biết mình bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường là sai, người ta bắt cũng đúng thôi.

Cách đây một tháng tôi cũng đã bị xử lý về tội này, thế nhưng tôi vẫn chấp nhận để bán. Nhưng bây giờ, tôi sẽ không đi bán trái cây nữa, tôi muốn làm công nhân”, anh nói.

Anh chia sẻ thêm, bán trái cây một ngày trừ chi phí ra anh thu nhập được khoảng 200.000 đồng, thế nhưng phải cạnh tranh lấy hàng, bán hàng.

Lúc bán lại lấn chiếm lòng lề đường, lại “trốn”, rồi lại bị bắt, xử lý xong lại quay ra bán. Cứ một vòng luẩn quẩn, anh muốn ổn định hơn chứ không phải cứ như thế này.

Anh Phong cũng xác nhận, 2 ngày qua thượng sĩ Lương Việt Hà đã nhiều lần đến thăm ngỏ lời muốn chi trả viện phí và xin anh tha thứ.

Lúc nào đến anh Hà cũng để vợ mình ở lại cùng với chị Nguyễn Ngọc Thúy (SN 1991) chăm sóc anh Phong đến chiều tối mới về.

Tuy nhiên, hiện tại anh Phong cho hay, anh đang đau và mệt mỏi nên chưa quyết định có thể tha thứ cho hành động của anh Hà hay không.

Người dân và các tiểu thương tại chợ Bình Tiên nghe tin anh khỏe lại cũng đã đến thăm, mọi người ai cũng khuyên anh cố gắng giữ sức khỏe để mau bình phục.

Chị Phạm Thị Thu Thương (tiểu thương ở chợ Bình Tiên) chia sẻ: “Tuy sự việc đã diễn ra vài ngày, nhưng ở chợ vẫn còn đang bàn tán rất nhiều.

Chúng tôi muốn đến thăm để biết thêm sức khỏe của anh Phong thế nào, đồng thời gửi đến anh số tiền 1.604.000 đồng mà mọi người ở chợ đã gom góp được”.

Một người bán hàng ở chợ Bình Tiên cũng cho biết, bình thường khu vực chợ này người bán hàng rong tập trung buôn bán rất đông, cũng có nhiều mâu thuẫn, lộn xộn.

Tuy nhiên, trường hợp như anh Phong thì lần đầu tiên xảy ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày