Công nghệ hiện đại đã giúp Hollywood biến nhiều vùng đất, phép màu tưởng chừng không thể thành có thể trên màn ảnh rộng. Các giải thưởng điện ảnh cũng đều có riêng một mục dành cho hiệu ứng hình ảnh trong phim.
Thế nhưng, motion-capture (công nghệ bắt chuyển động) với các diễn viên mặc trên mình trang phục đặc biệt, thực hiện các động tác cho nhân vật và rồi được chỉnh sửa qua máy tính lại chưa được xem là… diễn xuất thật sự. Họ chỉ là những người đứng sau hậu trường, âm thầm chứng kiến những lời khen tặng dành hết cho đội ngũ kỹ thuật.
Chỉ riêng với Andy Serkis thì không. Vượt qua mớ công nghệ rườm rà, anh khiến cho bất cứ ai dõi theo mình trên màn ảnh cũng phải trầm trồ thán phục. Và họ, thậm chí còn đang kêu gọi Viện Hàn Lâm phải dành riêng một giải Oscar diễn xuất cho gã diễn viên đặc biệt này.
Người đàn ông làm nên những biểu tượng điện ảnh
Andy không phải là gương mặt bạn có thể tìm thấy trên các poster phim ảnh. Anh cũng chẳng còn mấy khi lộ diện trong phim
Andrew Clement G. Serkis (sinh ngày 20/4/1964) - con trai thứ tư của một giáo viên dạy trẻ khiếm khuyết người Anh với một bác sỹ người Armenia, sống ở ngoại ô Luân Đôn không hề có dự định trở thành diễn viên khi còn bé. Đam mê lớn nhất của Andy là vẽ tranh và anh cũng dành phần lớn thời gian học tập đầu đời để học chuyên sâu về đồ họa. Andy lúc trẻ chỉ nghĩ rằng: "Mình sẽ làm người thiết kế poster và các công việc liên quan". Tuy nhiên, khi tham gia quá trình quảng bá cho một vở kịch ở trường học, Andy tình cờ được mời đóng chính và bắt đầu thấy thích việc "hóa thân thành người khác".
Nhưng khi anh hóa thân cùng với công nghệ, là điện ảnh thế giới lại một lần có thêm những nhân vật ấn tượng
Trước khi được đạo diễn Peter Jackson chọn vào vai Gollum của The Lord of the Rings, Andy Serkis đang là một diễn viên thực lực trên sân khấu cũng như phim truyền hình của Anh. Nhớ lại quyết định thử vai Gollum, Andy trả lời: "Không, tôi muốn đóng một vai người thật. Nhưng rồi sau đó, tôi nghĩ mình không chỉ có mỗi giọng nói, mình không phải loại diễn viên đó. Và rồi tôi trèo lên ghế, kêu như mèo và lắc lắc cả thân mình. Sau đó, tôi nhận được tin nói rằng: ‘Peter muốn gặp anh’".
Andy Serkis trong vai Gollum
Gollum dưới sự thể hiện của Andy Serkis đã trở thành nhân vật đứng thứ 10 trong 100 Nhân vật điện ảnh vĩ đại của thế giới do tạp chí Premiere bình chọn. "Mọi người đều có lý giải riêng của mình về Gollum, về chuyện anh ta nói gì và trông ra sao. Tôi thì tôi chỉ tin vào bản năng của mình".
Sau 3 năm ghi hình cho The Lord of the Rings, Serkis cũng nghĩ rằng anh sẽ trở về cuộc đời của một diễn viên bình thường. Nhưng Peter Jackson lại xuất hiện: "Cậu có muốn đóng vai King Kong không?". Và thế là, Andy biến mình từ một con quỷ lùn gù lưng chỉ cao chưa tới nửa mét trở thành một vua khỉ khổng lồ cao hơn cả một tòa nhà.
"Diễn viên ở thế kỷ 21 có công cụ đặc biệt để biến hóa thành bất cứ thứ gì họ muốn. Nó đánh dấu việc chấm dứt thời kỳ bị đóng khung vai diễn"
King Kong của bản phim 2005 trở thành biểu tượng xuất sắc nhất về Kong trên màn ảnh. Còn Andy Serkis cũng trở thành một biểu tượng mới về diễn xuất: Một ngôi sao motion-capture.
Năm 2010, công ty kỹ thuật số từng làm việc cho cả The Lord of the Rings lẫn King Kong đã tiến cử Andy Serkis cho nhà sản xuất Peter Chernin với lời khẳng định: "Sẽ không có ai tốt hơn anh ấy".
Caesar là vai khỉ thứ hai trong sự nghiệp diễn xuất của Andy Serkis
Chỉ khác là, nếu King Kong chỉ là một con khỉ khổng lồ cô đơn, chỉ biết được chút cảm xúc khi gặp được nàng Ann Darrow. Thì Caesar lại là một chú khỉ thông minh với nội tâm đầy giằng xé giữa sự tự do của bản thân, nhân tính có được khi sống cùng con người và bản ngã của giống loài mà chính Caesar là đại diện.
Planet of the Apes với ba phần Rise, Dawn và War được xem là một trong những trilogy xuất sắc nhất trong 20 năm gần đây. Và Caesar, ngôi sao chính của phim cũng là "sức hút" tạo ra hơn một nửa thành công ấy. Quá trình thay đổi tâm lý của Caesar qua ba phần phim được thể hiện vô cùng chân thực qua biểu cảm trên gương mặt, cử chỉ cơ thể của Andy Serkis.
Với Caesar, Andy khiến công chúng phải lần nữa thay đổi định nghĩa "bắt chuyển động" (motion-capture) trở thành "bắt diễn xuất" (performance - capture)
Báu vật của dòng phim bom tấn Hollywood
Bên cạnh ba biểu tượng lớn, Andy Serkis còn góp mặt trong rất nhiều những bộ phim cần nhiều kỹ xảo khác như: thuyền trưởng Haddock của The Adventures of Tintin, Lãnh đạo tối cao Snoke trong Star Wars (7&8) hay kẻ phản diện Ulysses Klaue của Avengers: Age of Ultron và Black Panther sắp tới.
Andy trên phim trường "Star Wars 8"
Bản thân Andy, với kinh nghiệm trong việc thực hiện motion-capture đã trở thành người tư vấn quan trọng cho cử động của kẻ phản diện Ultron trong Avengers 2. Anh còn là người hướng dẫn cho Mark Ruffalo thể hiện cảm xúc của mình một cách chân thực hơn khi phải đeo bộ dụng cụ kỹ thuật số phục vụ những phân cảnh biến thành Hulk.
Người đã "giúp đỡ" Hulk và Ultron
Andy Serkis vẫn đều đặn diễn xuất với dáng vẻ bình thường vốn có bên cạnh các vai live-action. Anh từng hai lần được đề cử BAFTA với vai kẻ sát nhân Ian Brady (Longford) và nhạc sỹ Ian Dury (Sex & Drugs & Rock & Roll) hay trở thành trợ tá Alley trong The Prestige.
Nhưng "định mệnh" lại khiến Andy - cử nhân đồ họa tại trường đại học Lancaster gắn liền với những chiếc mặt nạ kỹ thuật số: "Khi tôi nghĩ lại, tất cả những gì mà tôi yêu thích đều được liên kết lại với nhau bằng công nghệ bắt diễn xuất này".
Những vai diễn người ít nổi tiếng hơn của Andy Serkis
Diễn xuất của Andy Serkis khiến các nhân vật kỹ thuật số khô khan trở nên sinh động. Vì anh tin rằng, diễn xuất là không có sự phân biệt. Những công nghệ chuyển đổi gương mặt diễn viên thành nhân vật giả tưởng chỉ là một thứ "phấn son kỹ thuật số" mà thôi. Điểm chính vẫn là cảm xúc, biểu cảm và cử chỉ mà người đóng gửi gắm vào nhân vật.
Nhưng Viện Hàn Lâm Khoa học và Điện ảnh cũng như nhiều người khác không nghĩ thế. Họ vẫn quan niệm diễn xuất chỉ đúng theo cách thức truyền thống: phải để người xem nhìn thấy gương mặt thật của người diễn. Vậy nên khi hãng Fox xúc tiến Andy Serkis vào hạng mục Nam chính xuất sắc/ Nam phụ xuất sắc tại Oscar 2014 với Dawn of the Planet of the Apes, đáp lại chỉ là sự phớt lờ.
Andy Serkis mang đến một định nghĩa mới cho việc diễn xuất
Năm 2017, hành trình cuối War for the Planet of the Apes đem đến diễn xuất xuất thần của Andy Serkis trong vai Caesar đầy mâu thuẫn - một chú khỉ thông minh bị giằng xé trong tâm lý chiến tranh giữa 2 giống loài. Nhiều khán giả đã kêu gọi Viện nên trao ngay Oscar cho Andy trong lần hóa thân này. Nhưng cho dù có thay đổi chút quan niệm, thì Oscar vẫn sẽ ngoảnh mặt lại với Andy Serkis. Bởi đơn giản, Oscar vốn chẳng mê gì dòng phim bom tấn nhiều kỹ xảo.
Ngôi sao không thể thiếu trong các bộ phim kinh phí lớn dùng nhiều công nghệ của Hollywood
Kẻ không ngại những thách thức mới
Năm 2011, Andy quyết định thành lập một công ty riêng có tên gọi The Imaginarium Studio, đặt trụ sở ở Luân Đôn với mục tiêu cung cấp công nghệ bắt diễn xuất cho các phim lớn. Hiện tại, hãng đã làm việc cho 3 phần phim Planet of the Apes, Avengers 2 và Star Wars VIII.
Sau nhiều vai trò khác nhau như: diễn viên (cả truyền thống lẫn mo-cap), nhà sản xuất…Andy lúc này đang hướng đến mục tiêu mới: đạo diễn. Tác phẩm đầu tay của tài năng người Anh này sẽ là một phim tiểu sử mang tựa đề Breathe. Phim là câu chuyện cảm động về Robin Cavendish - người đàn ông bại liệt toàn thân sống bên ngoài bệnh viện với sự tham gia của Andrew Garfield và Claire Foy.
Tác phẩm thứ 2 thì lại là một bom tấn cực kỳ đáng mong chờ: Jungle Book: Origin. Khác với bản phim live-action rất thành công của Disney năm 2016 với các nhân vật thú được tạo ra bằng đồ họa, Jungle Book của Andy Serkis sẽ sử dụng mo-cap 100%. Phim dĩ nhiên cũng mang tông màu đen tối, tàn bạo hơn hẳn. "Một tác phẩm kịch tính và có chiều sâu như loạt phim Apes" - Andy Serkis hứa hẹn.
Các ngôi sao Christian Bale, Cate Blanchett và Benedict Cumberbatch sẽ thực hiện mo-cap trong "Jungle Book: Origin"