Ấn Độ “vượt sóng” Covid-19 lần thứ hai như thế nào?

Phan Tùng, Theo VOV 09:57 28/06/2021

Ấn Độ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ 2. “Cơn sóng thần” Covid-19 đi qua để lại những bài học đắt giá cho quốc gia gần 1,4 tỷ dân này.

“Sóng Covid-19” nhanh đến, nhanh đi

Gần 90 ngày đã qua, thế giới hướng về Ấn Độ với sự lo lắng pha lẫn nhiều phần băn khoăn bởi đợt siêu lây nhiễm tại quốc gia tỷ dân này. Hình ảnh những bệnh viện la liệt bệnh nhân Covid-19 nằm đợi oxy trong tuyệt vọng, những lò đốt xác quá tải vì số ca tử vong do Covid-19, hay những chuyến hàng viện trợ oxy, vật tư y tế từ khắp nơi trên thế giới dồn dập tới với Ấn Độ sẽ còn ám ảnh nhân loại nhiều năm nữa. Nhưng tới lúc này, bất chấp những sự nghi ngờ, làn sóng lây nhiễm tại Ấn Độ đã “hạ nhiệt” cũng nhanh như khi nó tới.

Các con số thống kê đã chứng minh cho thành công trong ngăn chặn đợt dịch lần thứ hai này. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ ở Ấn Độ mất 36 ngày để leo từ mức xấp xỉ 80.000 vào ngày 1/4, lên con số kỷ lục thế giới hơn 414.000 người hôm 6/5. Kể từ đó, các số liệu liên tục giảm nhanh, với tỷ lệ tương đương về mặt thời gian để số ca nhiễm trở về con số tương tự. Tới ngày 27/6, Ấn Độ báo cáo khoảng 50.000 ca nhiễm mới trong 24h, tương đương với số liệu ngày 25/3, bằng 1/8 so với đỉnh dịch.

Một chỉ số khác cũng củng cố nhận định rằng xu hướng tăng và giảm số ca Covid-19 ở Ấn Độ là chính xác. Đó là tổng số ca xét nghiệm theo tuần. Trên thực tế, tỷ lệ xét nghiệm tại nước này vẫn duy trì ở mức cao, thậm chí vẫn còn gia tăng sau khi đỉnh dịch đã qua.

Cụ thể, tính trung bình trong tuần từ 5-12/6, Ấn Độ thực hiện 2,4 triệu xét nghiệm Covid-19/ngày, so với 1,75 triệu xét nghiệm/ngày trong tuần ngay trước đó. Các con số này chỉ ra rằng tỷ lệ dương tính trên số xét nghiệm đang giảm nhanh. Hiện, tỷ lệ dương tính SARS-CoV-2 trung bình ở Ấn Độ chỉ ở mức dưới 4% so với con số 26% đầu tháng 5.

Biến động về số liệu Covid-19 ở Ấn Độ trong 3 tháng qua được cho là đứng đầu thế giới, và đi ngược lại bất kỳ quy luật dự báo nào mà giới y học đưa ra trước đó. Trong nhóm 3 vùng dịch lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Ấn Độ và Brazil, tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới trong giai đoạn tháng 3 và 4/2020 của Ấn Độ áp đảo. Trong vòng 60 ngày tính tới ngày 9/5, số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng 11% lên 32,7 triệu, Brazil tăng 36% lên 15,2 triệu, còn số liệu của Ấn Độ lên tới 93% lên 22,3 triệu người nhiễm.

Biến thể Delta - thủ phạm chính

Xu hướng dịch bệnh kỳ lạ trong đợt dịch thứ hai tại Ấn Độ được giải thích bằng sự xuất hiện và lan tràn của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - biến thể Delta (hay B.1.617) - vốn được phát hiện tại chính nước này. Biến thể này được chứng minh là có khả năng lan truyền nhanh hơn gấp nhiều lần các biến thể trước đó từng được phát hiện.

Thành phố Mumbai, trung tâm của bang Maharashtra, nơi được coi thủ phủ tài chính của Ấn Độ là nơi mà Delta mở “mặt trận” đầu tiên. Vào ngày cuối cùng của năm 2020, Maharashtra chỉ ghi nhận 1.754 ca nhiễm mới. Tới 19/3, con số này tăng lên 13.659; và đến ngày 6/4, bang này ghi nhận 102.754 ca nhiễm- tăng gần 750% trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Sự đột biến này được cho là rất thiếu logic. Nó từng khiến người ta nghi ngờ việc chính quyền bang và thành phố Mumbai đã “tái mở cửa” quá nhanh, gỡ bỏ các hạn chế thần tốc và “mời gọi” dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp nới lỏng phong tỏa Covid-19 đã triển khai qua nhiều tháng chứ không phải chỉ trong vài tuần. Lý do hợp lý nhất chỉ có thể là do virus SARS-CoV-2 đã được nhân sức mạnh thêm nhiều lần. Những nơi từng được coi là hình mẫu chống dịch giờ cũng lâm cảnh khủng hoảng vì Covid-19.

Điểm dừng chân tiếp theo của biến thể này là thủ đô Delhi. Từ ngày 10/3 đến ngày 20/4, tức là chỉ trong khoảng 40 ngày, số ca mắc Covid-19 tại Delhi tăng 7.674%. Cứ như vậy, hầu hết các bang tại Ấn Độ đều phải đối mặt với đợt trỗi dậy chưa từng có trong những tháng qua, tạo nên cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất lịch sử.

Khả năng lây lan mạnh bất thường của biến thể Delta khiến cho các kịch bản ứng phó dịch của Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn vô hiệu. Ngay cả các tình huống giả định tồi tệ nhất cũng không thể lường trước nguy cơ 400.000 ca nhiễm trong ngày (dù con số thực tế mắc và tử vong vì Covid ở Ấn Độ có thể đã cao gấp 6- 8 lần thống kê). Và chẳng hề vô lý khi, hệ thống y tế Ấn Độ rơi vào tình trạng kiệt sức trong suốt nhiều tuần.

Ngoài ra, tâm lý chủ quan, tự mãn của người dân khi vi phạm các nguyên tắc phòng dịch, đi kèm các hoạt động xã hội đông người tham gia đã góp sức khiến “cơn bão Covid-19” tồi tệ hơn.

Vaccine, vũ khí duy nhất của có thể ngăn chặn đại dịch cũng đã không thể phát huy hiệu quả với sự bùng phát của biến thể Delta. Tốc độ tiêm chủng chậm chạp, tình trạng khan hiếm vaccine cũng đóng góp vào sự tàn phá của đại dịch. Với quy mô dân số gần 1,4 tỷ người, Ấn Độ cần phải tiêm khoảng 8,5-9 triệu liều/ngày để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối năm 2021. Đó có thể coi là mục tiêu đầy thách thức bởi cho đến nay, mới chỉ khoảng 4% dân số Ấn Độ được tiêm đủ liều và khoảng 18% đã được tiêm một liều vaccine Covid-19.

Mối nguy vẫn đang chực chờ

Việc Ấn Độ ngăn chặn thành công làn sóng thứ hai một phần là nhờ chiến dịch phong tỏa trên quy mô toàn quốc trong 3 tháng qua. Gần như mọi hoạt động xã hội đã ngừng lại để cắt chuỗi lây nhiễm của virus. Ngoài ra, Chính phủ nước này đã phải huy động tổng lực các nguồn lực y tế để cứu chữa, cách ly, đẩy nhanh tốc độ sản xuất oxy y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Tất cả rồi cũng đã phát huy tác dụng. Và trong cơn hoạn nạn đó. sự giúp đỡ của bạn bè thế giới với các lô hàng cứu trợ như máy nén oxy, bình oxy, trạm sản xuất oxy cho Ấn Độ cũng rất đáng ghi nhận.

Nhưng giờ vẫn chưa phải là lúc để có thể vui mừng và lơi lỏng các biện pháp chống dịch. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 25/6 cảnh báo, dù số ca Covid-19 phải điều trị đã giảm 83%, nhưng làn sóng thứ hai đang tiếp diễn như những cơn sóng ngầm. Tổng cộng 75 quận trong cả nước đang có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trên 10%, 92 quận có tỷ lệ này từ 5-10%. Trong khi ngưỡng an toàn để xã hội trở lại trạng thái bình thường phải ở mức dưới 4%.

Số ca nhiễm có thể tăng trở lại bất cứ khi nào nếu các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh tụ tập đông người lại một lần nữa bị “bỏ quên”. Thậm chí, khả năng làn sóng thứ 3 sẽ đến trong 2 tháng tới, ít nhất là tại một số bang “điểm nóng” trong hai đợt dịch trước.

Nếu biến thể Delta từng là thủ phạm vô hình gây nên làn sóng Covid không báo trước 3 tháng qua, giờ đây phiên bản cải tiến của nó là Delta Plus có thể là ‘nhân tố bí ẩn’ đe dọa nỗ lực chống dịch của người dân Ấn Độ. Nhà virus học Ấn Độ Shahid Jameel mới đây cảnh báo rằng biến thể Delta Plus có thể vượt qua lá chắn bảo vệ của vaccine, và kháng thể tự nhiên được tạo ra trước đó do nhiễm SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học còn lo ngại rằng biến thể Delta Plus thậm chí có thể dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta. Còn kết luận ban đầu của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG) cho rằng Delta Plus có các đặc điểm như tăng khả năng lây truyền; liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.

Tuy nhiên, cũng có những nhận định cho rằng, làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Ấn Độ, nếu xảy ra, cũng có thể không có sức tàn phá nặng nề như chu kỳ thứ 2. Một nghiên cứu, dựa trên phân tích mô hình toán học được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y học Ấn Độ (IJMR) giả định rằng chiến dịch tiêm chủng vaccine được tăng tốc kể từ tháng 6. Khi đó, 40% dân số Ấn Độ được tiêm đủ hai liều trong vòng 3 tháng kể từ mốc đỉnh của đợt dịch thứ 2. Mức độ bao phủ vaccine này là đủ để giảm mức độ nghiêm trọng của tình hình lây nhiễm đến 60%. Bởi thế sẽ giúp làm giảm số ca nặng và thiệt hại về người trong đợt dịch sắp tới.

Dù làn sóng thứ 3 có nguy hiểm tới lúc nào, Chính phủ và người dân Ấn Độ giờ đã cảnh giác hơn nhiều sau những bài học đau đớn vừa qua. Hiện, hệ thống y tế Ấn Độ đã được “lên dây cót” chuẩn bị cho đợt lây nhiễm mới. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu 3 bang đã phát hiện biến thể Delta Plus gồm Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh triển khai ngay việc ngăn chặn ngay lập tức, tăng cường xét nghiệm tầm soát và thu thập mẫu dương tính để giải trình tự gen, tăng cường tiêm chủng tại các quận và cụm dịch nơi phát hiện ra biến thể mới.

Hệ thống các phòng thí nghiệm thuộc INSACOG cũng đang tăng tốc giải trình tự gen với các mẫu bệnh phẩm Covid trong cả nước. Chỉ khi nắm bắt kịp thời sự đột biến trong cấu trúc và đặc tính của các biến thể SARS-CoV-2, Ấn Độ mới tránh được một cơn khủng hoảng như vừa qua.

Trận chiến cũ còn chưa chấm dứt, Chính phủ và người dân Ấn Độ lại đang phải sẵn sàng cho thử thách mới có thể còn khó lường hơn. Bài học này chắc chắn sẽ không chỉ của riêng Ấn Độ.