Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 không dùng kim tiêm

Minh Hạnh, Theo Tiền Phong 11:08 21/08/2021

Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin COVID-19 đầu tiên sử dụng công nghệ DNA Plasmid.

Ngày 20/8, cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã chính thức "bật đèn xanh" cho vắc-xin COVID-19 của nhà sản xuất Zydus Cadila, hay còn gọi là vắc-xin ZyCoV-D.

Đây là vắc-xin thứ sáu, và là vắc-xin ngừa COVID-19 nội địa thứ hai được phê duyệt ở Ấn Độ. ZyCoV-D đã nhận giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) để sử dụng cho đối tượng người trưởng thành, trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.

Trước đó, công ty sản xuất ZyCoV-D đã nộp đơn xin cấp phép cho loại vắc-xin ba liều mới hồi tháng Bảy sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm trên 28.000 người.

Dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắc-xin hiệu quả 66,6% trong việc ngăn chặn COVID-19 có triệu chứng.

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 không dùng kim tiêm - Ảnh 1.

ZyCoV-D là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DNA Plasmid, đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gen có chứa trình tự DNA của mầm bệnh.

Thay vì dùng ống tiêm truyền thống, vắc-xin sẽ được đưa vào cơ thể bằng dụng cụ không có kim tiêm. Dụng cụ này sẽ giúp đưa thuốc xuống dưới da mà không cần kim. Đây là lợi thế của ZyCoV-D trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh về kim và ống tiêm.

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 không dùng kim tiêm - Ảnh 2.

Dụng cụ bơm thuốc có kim tiêm (ảnh trái) và dụng cụ bơm thuốc không kim tiêm (ảnh phải)

Zydus Cadila bắt đầu dự trữ vắc-xin của mình và hy vọng sẽ sản xuất 100 triệu đến 120 triệu liều mỗi năm, đủ dùng cho 40 triệu người, giám đốc điều hành của công ty nói với Reuters vào tháng Tư.

Mặc dù là một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ đã thất bại trong bối cảnh thiếu thuốc tiêm. New Delhi đã và đang thúc đẩy "Atmanirbhar Bharat", một cụm từ tiếng Hindi tạm dịch là "Ấn Độ tự cường", trong một số lĩnh vực, bao gồm công nghệ quốc phòng và sản phẩm y tế.

Khi biến thể Delta làm gia tăng số ca bệnh vào đầu năm 2021, Ấn Độ đã chuyển sang ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin, chuyển hướng các lô hàng cho nhu cầu sử dụng nội địa.