Trang tin của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) gọi U23 Việt Nam là "Ông vua penalty". U23 Việt Nam là đội bị thổi phạt đền nhiều nhất giải (3 lần). Lần thứ nhất là trận gặp Hàn Quốc ở vòng bảng, khi Bùi Tiến Dũng cản thành công.
Hai lần tiếp theo là ở trận tứ kết và bán kết, gặp Iraq rồi Qatar. Đây đều là 2 quả phạt đền gây nhiều tranh cãi, khiến người hâm mộ liên tục réo gọi tên của các trọng tài chính.
Nhưng danh xưng "Ông vua penalty" đến từ việc U23 Việt Nam xuất sắc thắng trong cả hai lần phải phân thắng thua bằng loạt luân lưu, ở cả tứ kết và bán kết. Bùi Tiến Dũng trong 2 trận này đã cản phá 3 quả phạt đền, mang về thắng lợi cuối cùng cho U23 Việt Nam.
Ngoài ra, AFC cũng dành lời khen ngợi tiền vệ Nguyễn Quang Hải có chân trái thật ngọt. Bởi 4 trong 5 bàn thắng Quang Hải ghi được đều đến từ chân trái, ghi ở ngoài vòng cấm và đẹp mắt. Cả giải chỉ có 11 bàn được ghi từ ngoài vòng cấm nhưng riêng Quang Hải đã chiếm hơn 1/3 số này.
AFC cũng không quên nhắc lại cú đá phạt thần sầu của tiền vệ mang áo số 19 trong trận chung kết, gọi đó là "cú sút chính xác đến từng inch".
AFC ghi nhận đây là giải đấu thành công của bóng đá Đông Nam Á, khi có hai đội góp mặt ở vòng tứ kết (Việt Nam và Malaysia). Đây là cột mốc lịch sử của bóng đá Đông Nam Á trên trường châu lục. AFC đánh giá đây là chỉ dấu cho một tương lai thành công của khu vực này.
Những con số ấn tượng khác tại VCK U23 châu Á:
10 - Có tới 10 cầu thủ khác nhau của Uzbekistan ghi bàn tại giải năm nay, cho thấy đây là đội bóng có đồng đều, có thể ghi bàn từ mọi tuyến.
6 - Almoez Ali (Qatar) là Vua phá lưới của giải với 6 bàn.
673 - Odiljon Xamrobekov (Uzbekistan) có số lần chạm bóng nhiều nhất giải (673 lần). Tiền vệ này được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
23 - Là số pha cứu thua của thủ môn Kang Hyeon-mu (Hàn Quốc). Anh có nhiều pha cứu thua nhất giải.
30 - Là số lần Akram Afif (Qatar) bị phạm lỗi. Tiền vệ trưởng thành từ Học viện Aspire rõ ràng là đối tượng được các đối thủ chăm sóc kỹ nhất.