Ở Hà Nội, ngày mà bọn trẻ con có thể dễ dàng tìm thấy bất cứ cửa hàng cho thuê truyện ở bất cứ khu dân cư nào, độ cũng phải 20 - 25 năm trước. Có lẽ nhiều nhất là ở dọc khu Kim Liên, Khương Thượng, dốc Hàng Than, Tràng Thi, Tuệ Tĩnh... Tháng ngày ấy, cứ hễ tan học, đám học sinh lại dắt díu nhau, tụm năm tụm bảy đi thuê truyện. Cái thời của các thế hệ 7X, 8X và 9X đời đầu, mong ngóng mỗi thứ sáu hàng tuần để có nhiều truyện mới ra, nghĩ lại sao mà niềm vui nhỏ nhặt nhưng giá trị đến thế.
Những cửa tiệm truyện tranh đã cũ, giá sách cũng nhuốm màu cát bụi, nhưng là cả ký ức tuổi thơ của bao người. Một buổi chiều tháng 2 gió nhè nhẹ, nắng cuối ngày "vớt vát" trên triền đê, chúng tôi tìm về một cửa tiệm nép mình cũ kỹ, nơi thời gian gần như lắng đọng.
Cửa tiệm truyện cũ ở Hà Nội còn giữ lại những nét hoài cổ từ ngày xưa.
Gian sách với hàng loạt đầu truyện, tiểu thuyết gợi nhớ bao kỷ niệm.
Khung cảnh thân thương của 10 - 20 năm về trước.
"Ở đây có bán truyện cũ".
À bán cả CD, DVD nhé!
Những hình ảnh nhuốm màu thời gian.
Anh Mậu năm nay 40 tuổi. Còn cửa tiệm nhà anh xấp xỉ 20 - 25 năm gì đó. Anh Mậu không nhớ rõ, chỉ biết hai mẹ con anh đã mở ra từ những năm chín mấy.
Đúng phong cách Hà Nội những năm 99, cửa tiệm cho thuê truyện mộc mạc, giản dị đến mức thân thương. Như ai đó từng nói, cái cửa hiệu thì bé nhỏ thế thôi, mà cứ như một kho báu đồ sộ. Nào sách, nào truyện, đĩa CD ca hát,... đủ cả! Có những bộ truyện bây giờ khi nhìn lại, quả đúng là cần xếp vào hàng "của hiếm", ví như tên gọi thân thương "truyện chưởng", truyện tình cảm học trò, truyện trinh thám, tiểu thuyết Sidney Sheldon, Bảy viên ngọc rồng... Thậm chí, nhiều nơi còn cho thuê cả báo và tạp chí nước ngoài.
Không cần giấy tờ tuỳ thân, chỉ cần đặt cọc tiền theo giá bìa, tiền thuê chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/cuốn, khi nào trả cũng được, niềm vui trẻ nhỏ ấy thế mà trọn vẹn. Mức giá này vẫn được gia đình anh Mậu giữ nguyên, dù thời thế thế thời thay đổi. Anh bảo, cho mượn là niềm vui chứ cũng không hy vọng kiếm tiền.
Ngày xưa, gian truyện nhà anh Mậu chật kín khách, chủ yếu là dân làng Khuyến Lương. Người ta thuê nhiều, đọc nhiều, vì thời đó chưa có Internet. Với những bộ truyện đang "hot" lúc bấy giờ như Nữ hoàng Ai Cập, Thám tử lừng danh Conan hay Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng... muốn xem được liên tiếp các tập đôi khi phải xếp hàng chờ đợi và nhanh tay thì mới có thể thuê được.
Đây là niềm mơ ước của bất cứ lũ trẻ nào, giờ đều đã trưởng thành và có gia đình riêng.
Tiệm sách nhà anh Mậu có đủ những cuốn sách ngày bé chúng ta ao ước.
Những xấp đĩa âm nhạc đã cũ mèm.
Những cuốn truyện cần được thanh lý, với giá 3.000 đồng/cuốn.
Ngày xưa, ai chả từng ao ước làm chủ của "thế giới" này chứ.
Hạnh phúc nhất là được cầm trên tay cuốn truyện mới mà "ngấu nghiến" từ ngày qua đêm, đọc xong còn đọc lại thêm vài lần nữa, nâng niu từng trang sách. Thậm chí đến cái mục lục, chú thích, lời mở đầu cũng thuộc làu làu. Hoàn thành một cuốn sách, cảm giác "hả hê", vui sướng lắm. Chỉ mong mong chóng chóng tới ngày hôm sau, để lại được đi thuê truyện.
"Hồi đó khách tới thuê còn đông, giờ rải rác chỉ vài người trong làng. Mình vẫn để nguyên mức giá cũ, xem là niềm vui ngày xưa. Mình chưa có kế hoạch gì với cửa tiệm và giữ nó nguyên trạng như thế bởi đó là một phần ký ức. Bình thường khách quen tới thuê, họ sẽ bấm chuông ở nhà, rồi mình ra mở tiệm vì cái tiệm khoảng chừng 20 m2 kề sát nhà mình" - anh Mậu kể.
Anh Mậu là một nhân viên bình thường, sáng anh đi làm tới chiều tối mới về, thành ra anh không đủ thời gian để trông coi cửa tiệm. Vì là tiệm gia đình, nên anh cũng không nghĩ tới việc thuê nhân viên. Khách vãng lai tới đây rất hiếm, chủ yếu anh tiếp toàn bà con lối xóm gần nhà. Cái cửa tiệm bé xíu xìu, nhưng bình dị, thân thương.
10 năm - 20 năm trước, thuê truyện tranh là một cơn sốt. Ngày đó, sở hữu một cuốn sách không phải là việc dễ dàng. Lũ trẻ ít có điều kiện mua sách. Chúng tích cóp tiền ăn sáng, có khi cả tuần mới mua được một cuốn Đô - rê - mon hay Conan. Muốn có truyện đọc đa phần chúng phải tìm cách mượn lại bạn bè hoặc thuê từ các tiệm sách.
Cuốn sổ "quyền lực" thời bấy giờ.
Từng ngóc ngách đều rất cổ và hoài niệm.
"Bây giờ hiện đại, người ta đọc trên mạng là chính" - anh Mậu ngậm ngùi. Sự biến mất của các cửa hàng thuê truyện là hiện tượng tất yếu trong xu thế phát triển, khi những thú vui của giới trẻ dần được thay đổi. Họ không còn xem thuê truyện là niềm vui như thế hệ trước. Ebook hay những trang truyện trực tuyến dần thay thế những cuốn truyện giấy. Hàng cho thuê truyện vì thế mà ế ẩm, rồi vắng bóng dần trên từng con phố.
Để kiếm tìm ở Hà Nội những tấm biển "Ở đây có bán, cho thuê truyện" với những cuốn sách, truyện từ ngày xưa là điều tưởng chừng như "xa xỉ". Khi mà trên những giá sách đã phủ bụi thời gian, bao thế hệ tiếc nuối một nét đẹp văn hoá.
Trước kia, từng gian sách là niềm mơ ước của bất cứ đứa trẻ nào, giờ lớn dần lên và trưởng thành, đủ tiền để mua những cuốn sách của ngày xưa. Tuy nhiên, cảm giác đi thuê truyện hồi ấy vẫn hẵng còn sâu đậm. Có thể cuộc sống hối hả xô bồ cuốn chúng ta vào những vất vả, gian truân, nhưng đôi khi hành trình tìm lại ký ức nơi những cửa tiệm cũ như này, lại thực sự nhẹ nhàng và bình yên đến lạ.
Tạm biệt hiệu sách của anh Mậu, dấu ấn khó phai nhất trong chúng tôi, là tấm biển đập ngay vào mắt người đối diện.
"Ở đây có bán truyện cũ".
Từng gian sách ước mơ.
Và chở theo cả những hoài bão...