Một trong những tình tiết mấu chốt giúp cơ quan điều tra có thêm căn cứ để buộc tội nhóm đối tượng này là đã thu được tang vật - loại thuốc hướng thần khiến thần kinh nạn nhân tê liệt và làm theo sai khiến của người khác.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt, khám xét 1 đối tượng (ngoài cùng, bên trái) trong vụ án
Khi người bị hại bị… nghi ngờ
Năm 2015, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Công an tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên tiếp nhận đơn trình báo của 1 người dân làm nghề dịch vụ chở khách bằng ô tô cá nhân về việc bị một nhóm đối tượng thuê chở đi tỉnh ngoài, sau đó cho uống thuốc mê, gạ đánh bài ăn tiền rồi chiếm đoạt tài sản. Đơn trình báo nêu khá rõ thời gian khách thuê xe, những địa điểm di chuyển, dừng chân, song hầu như không có chứng cứ nào thể hiện nạn nhân bị đánh thuốc mê, cho dù tài sản là chiếc xe ô tô đã không còn. Đó là chưa kể quá trình xác minh, trinh sát nắm được nguyên đơn này có “máu” cờ bạc. Thậm chí người nhà của anh ta còn cho rằng thân nhân của mình do thua bạc nên “cắm” xe rồi trình báo bị lừa.
Bẵng đi thời gian ngắn sau đó, Phòng CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự việc tương tự. Nguyên đơn lần này là anh Lê (quê quán Hưng Nguyên, Nghệ An). Anh Lê chuyên kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nên khi nhận được hợp đồng thuê đi Thanh Hóa, anh đồng ý. Trên đường đi, nhóm khách dường như cố ý nói chuyện khá to về việc kinh doanh với số tiền lớn khiến anh Lê đinh ninh họ là doanh nghiệp thành đạt.
Đến địa bàn huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, xe dừng ăn trưa. Sau bữa cơm có uống chút rượu, anh Lê cảm thấy trong người hơi khác thường, định đi ngủ nhưng nhóm khách gạ chơi bài cho tỉnh táo. Ban đầu, anh Lê chỉ ngồi xem. Nhưng sau hồi sát phạt, một đối tượng trong nhóm đứng dậy đi vệ sinh và nhờ anh Lê cầm bài hộ. Từ chối cũng chẳng được, nhưng anh Lê cẩn thận giao hẹn dù thắng hay thua cũng không chơi lâu.
Ngay ván đầu cầm bài, anh Lê “ù”, thắng số tiền lớn. Mấy ván tiếp theo cũng vậy và thế là “máu” đỏ đen nổi lên. Bẫy sập! Anh Lê càng chơi càng thua, cho đến khi số tiền lên đến 200 triệu đồng. Lập tức, các đối tượng giở mặt yêu cầu anh phải viết giấy cắm xe ô tô lấy tiền trả.
Đơn trình báo của anh Lê được Phòng CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận còn đang “nóng hổi” thì có thêm bị hại tìm đến. Đó là anh Bùi (quê quán Triệu Sơn, Thanh Hóa). Màn kịch các đối tượng giăng với anh Bùi tại thị trấn Thọ Xuân. Sau khi bị thua đến 220 triệu đồng, anh Bùi buộc phải cắm xe ô tô lấy tiền trả nợ.
Bi kịch chưa dừng lại với người đàn ông này, đó là sự nghi ngờ của gia đình. Và đỉnh điểm, anh Bùi đã uống thuốc ngủ tự tử, nhưng rất may được người nhà phát hiện kịp thời nên thoát chết.
Trước các đơn trình báo tố cáo tội phạm có cùng một thủ đoạn, phương thức, Phòng CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác lập chuyên án đấu tranh. “Tính từ thời gian tiếp nhận đơn đến khi tổ chức điều tra và bắt giữ các đối tượng gây án, chúng tôi mất gần 2 năm trời”, Trung tá Lê Khắc Minh nhớ lại.
Manh mối “vàng” và đối tượng đầu tiên bị bắt giữ
Chuyên án trinh sát được Phòng CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa xác lập với sự hỗ trợ tích cực của Cục CSHS, Bộ Công an và Công an nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Nam Định... Bất cứ một thông tin nào, dù tưởng như vu vơ nhất liên quan đến “từ khóa” như đánh thuốc mê, chơi bạc bịp... đều được trinh sát hình sự khai thác, phân tích kỹ lưỡng.
Từ trình báo của các nguyên đơn, Ban chuyên án đã nhận định sự tồn tại của một ổ nhóm chuyên giăng bẫy những người làm dịch vụ chở khách bằng ô tô cá nhân. Thậm chí, chúng có thời gian, điều kiện để tìm hiểu khá kỹ “con mồi” trước khi ra tay. Điểm chung là: “con mồi” ham đỏ đen.
Cùng thời điểm định hình được nhóm đối tượng này, tháng 12-2016, trinh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa nắm được thông tin, anh Nguyễn (trú ở thị trấn Thọ Xuân) đang được một nhóm khách thuê chở bằng ô tô lên huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa với cước phí sộp.
Lập tức, di biến động của số khách này được các trinh sát theo sát. Tới địa bàn huyện Thường Xuân, xe vừa dừng và phát hiện lực lượng Công an, 3 - 4 đối tượng trên xe mở cửa ù té chạy. Tuy nhiên, các trinh sát đã kịp khống chế 1 tên cùng 2 lọ thuốc chứa dung dịch màu trắng. Đây chính là chìa khóa quan trọng để mở nút thắt vụ án cũng như đấu tranh với các đối tượng về sau này.
Nguyễn Ngọc Cầu (29 tuổi, trú ở xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) là danh tính kẻ chậm chân bị bắt. Vật chứng rõ ràng như vậy nhưng suốt 2 ngày đêm, tên này một mực phủ nhận kế hoạch lừa đảo cũng như không biết hai lọ dung dịch trên là gì, của ai. Cùng với việc đấu tranh với nghi can đầu tiên, ban chuyên án khẩn trương gửi 2 lọ dung dịch đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để giám định. Kết quả cho thấy, số dung dịch này là thuốc hướng thần được nhập ngoại, có tác dụng làm tê liệt thần kinh, khiến người uống bị rơi vào trạng thái quên và dễ dàng làm theo ý muốn của người khác.
Trước kết quả này cùng nhiều tài liệu, bằng chứng liên quan, Nguyễn Ngọc Cầu đã phải khai nhận cùng với Đặng Văn Thao (36 tuổi, trú ở xã Thọ Thế, Triệu Sơn); Lê Đức Hùng (32 tuổi, trú ở xã Xuân Sơn, Thọ Xuân); Lê Sỹ Tùng (32 tuổi, trú ở Xuân Lộc, Triệu Sơn) và 1 đối tượng tên là Hà ở TP Thái Nguyên, thực hiện màn kịch lừa, chiếm đoạt tiền của nhiều lái xe. Trong đó, đối tượng Hà cung cấp thuốc hướng thần.
Một số đối tượng trong vụ án, cùng tang vật là thuốc hướng thần bị cơ quan công an thu giữ
Các “cao thủ lừa” lần lượt sa lưới
Từ lời khai của Cầu, CQĐT - Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an lần lượt bắt giữ các đối tượng Hùng, Tùng khi đang lẩn trốn ở TP.HCM. Đối tượng Thao cũng bị CAH Cẩm Thủy, Thanh Hóa bắt giữ sau đó. Tiếp tục điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với CSHS Công an Thái Nguyên rà soát, xác định và bắt đối tượng cung cấp, đánh thuốc mê là Trần Quốc Hà (30 tuổi, trú ở TP Thái Nguyên).
“Lời khai của nhóm 5 đối tượng này đã làm sáng tỏ một số vụ án, song vẫn chưa đủ so với tài liệu mà Ban chuyên án thu thập được. Chúng tôi nhận định, nhóm này hoặc quen biết hoặc có thể phối hợp cùng ổ nhóm khác gây ra một số vụ lừa đảo tương tự”, Trung tá Lê Khắc Minh nhớ lại.
Giai đoạn hai của chuyên án bắt đầu bằng việc mở rộng diện, đối tượng điều tra. Từ đó, Ban chuyên án đã dựng được 1 đối tượng ở tỉnh Nghệ An có đặc điểm giống với người từng thuê xe theo mô tả của các bị hại. Lên đường vào Nghệ An, các trinh sát hình sự được đồng nghiệp địa phương phối hợp rà soát, xác định đối tượng nghi vấn là Hồ Văn Trọng (45 tuổi, trú ở xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An). Tên này là kẻ lưu manh chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự.
Được “mời” đến CQĐT, ban đầu, Trọng tỏ ra khá tự tin, chối bai bải việc thuê xe ô tô từ Nghệ An ra Thanh Hóa và quả quyết không quen ai ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, những lời chối tội này vô nghĩa khi ban chuyên án đã đưa ra tài liệu thể hiện sự liên lạc giữa Trọng với Trần Quốc Hà và Trịnh Hữu Văn (42 tuổi, trú ở thị trấn Giắt, Triệu Sơn, Thanh Hoá) cùng một số đối tượng khác.
Sau 3 ngày đêm đấu trí, cuối cùng, điều tra viên đã buộc Hồ Văn Trọng phải khai nhận hành vi phạm tội của anh ta cùng đồng bọn. Theo đó, Trọng, Văn cùng một số đối tượng bàn bạc, thống nhất Trọng ở Nghệ An sẽ tìm “mồi” để thuê chở ra Thanh Hóa. Sau đó, Trọng điện thoại cho Văn hoặc các đối tượng khác ở Thanh Hóa để bố trí địa điểm ăn cơm, đánh bạc. Cùng lúc, chúng liên lạc với Trần Quốc Hà để mang thuốc hướng thần từ Thái Nguyên vào “đánh”.
Mở rộng điều tra, kết thúc chuyên án, CQĐT - Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 14 đối tượng trong 2 ổ nhóm trên. Quá trình điều tra, CQĐT “chốt” thời điểm gây án của các đối tượng từ khoảng năm 2016, với trên dưới 20 vụ lừa đảo ở nhiều địa bàn.
Đầu năm 2018, các đối tượng này đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử. Trong đó, 2 đối tượng được xác định đầu vụ là Hồ Văn Trọng và Trịnh Hữu Văn bị tuyên mức án trên 10 năm tù; số bị cáo còn lại chịu án phạt 5, 6 năm tù, tùy theo mức độ phạm tội.