7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà "ngại" không hỏi

Oct, Theo Helino 15:15 12/04/2018

Mark Zuckerberg đã phải đứng ra điều trần trước Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ, sau scandal lộ thông tin 87 triệu người dùng với Cambridge Analytica. Nhưng cụ thể, việc lộ dữ liệu là như thế nào?

Check-in, selfie, thông báo về sự thay đổi trong thông điệp - tất cả đều là các thông tin mang tính chất cá nhân và tưởng như chẳng có gì quan trọng. 

Nhưng với Facebook, đời tư của bạn chính là tiền. Đời tư được chuyển thành dữ liệu, sau đó trở thành một thứ quyết định giá trị của chính tài khoản của bạn.

Sau scandal lộ thông tin của Facebook với Cambridge Analytica, nhiều người "tá hỏa" nhận ra rằng chỉ một doanh nghiệp này thôi đã có thể thu thập dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng. Trong khi thực tế có tới hàng ngàn, thậm chí hàng triệu công ty hay ứng dụng tương tự như Cambridge Analytica.

7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà ngại không hỏi - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg đứng trước scandal khổng lồ

"Có rất nhiều công ty với khả năng truy cập và thu thập dữ liệu giống như thế - và họ vẫn đang làm điều đó với những điều khoản khác nhau" - Ian Bogost, giáo sư công nghệ tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết.

Năm 2015, Facebook từng thay đổi điều khoản sử dụng khiến các tổ chức thứ 3 khó tiếp cận dữ liệu người dùng hơn. Và sau scandal này, họ sẽ còn thắt chặt hơn nữa, dù cũng chưa hoàn toàn bảo vệ quyền riêng tư của bạn.

Tuy nhiên, chính xác thì việc khai thác dữ liệu này là như thế nào? Để cho dễ hiểu nhất, hãy cùng đến với những câu hỏi mà có lẽ ai cũng thắc mắc, nhưng ngần ngại đưa ra về scandal lộ dữ liệu của Facebook.

1. "Bên thứ 3" này là những ai?

Khi nói dữ liệu của bạn bị bên thứ 3 thu thập, có nghĩa bạn - người dùng Facbeook - đã để một tổ chức bên ngoài quyền truy cập và khai thác dữ liệu trên trang cá nhân. Bên thứ 3 này thường là nhà phát hành game, người làm khảo sát, hoặc các nhà cung cấp ứng dụng trên Facebook.

Vấn đề nằm ở chỗ: đây không phải là hack hay làm gì sai trái cả, vì chính bạn là người đã cho họ làm điều đó, chỉ là bản thân bạn không nhận ra thôi.

7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà ngại không hỏi - Ảnh 2.

"Mỗi khi thử chạy một ứng dụng, bạn sẽ thấy có một tấm bảng hiện ra với dòng chữ dạng như: "Click here to agree to our terms" (tạm dịch: tích vào đây nếu bạn đồng ý với điều khoản của chúng tôi)." - Andrea Matwyshin, giáo sư luật của ĐH Northeastern (Mỹ) cho biết.

Và đến đây thì chắc bạn cũng hiểu rồi. Trong các điều khoản của họ có việc truy cập và khai thác dữ liệu. Bằng việc tích đồng ý, bạn đã cho phép họ làm điều đó.

Tuy vậy, dù là một người dùng thông thái nhất cũng khó lòng nhận ra bạn đã đồng ý những gì, vì các điều khoản luôn nằm giữa những rừng thông tin về chính sách, với cách viết tương đối... loằng ngoằng và mang tính học thuật cao. Thế nên, hầu hết là... chẳng ai đọc cả.

2. Không chơi game, chẳng làm khảo sát, có nghĩa dữ liệu của bạn an toàn?

Trước tháng 5/2015, thời điểm Facebook thay đổi chính sách về ứng dụng, thì các nhà sản xuất phần mềm có quyền khai thác cả dữ liệu trong danh sách bạn bè nữa, miễn là bạn đồng ý (thông qua 1 cái click chuột thôi).

7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà ngại không hỏi - Ảnh 3.

Điều đó có nghĩa nếu trong danh sách bạn bè của bạn có một anh chàng thích thú chơi game, điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu của bạn đã bị khai thác rồi. Đó cũng là cách dữ liệu của 87 triệu người bị Cambridge Analytica tiếp cận. 

3. Bên thứ 3 làm gì với dữ liệu của bạn?

Việc này không có câu trả lời rõ ràng, vì nó phụ thuộc vào nơi tiếp nhận. Theo người phát ngôn của Facebook, mạng xã hội này có điều khoản cấm người nhà phát hành chia sẻ hay bán dữ liệu. Nếu vi phạm, Facbeook sẽ đình chỉ tất cả hoạt động của nhà phát hành để điều tra.

Tuy nhiên, thực tế thì sẽ có nhiều vấn đề mà Facebook không thể kiểm soát, và nhiều người tỏ ra nghi ngờ về điều đó. 

4. Bên thứ 3 có thể biết những gì?

Thực tế thì bạn chỉ "mất" một số thông tin được công khai, như quê quán, giới tính... Tuy nhiên, với việc có một nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ, họ có thể ghép các thông tin với nguồn dữ liệu khác, nhằm tạo ra một bức tranh toàn vẹn về bạn.

Và rồi dựa chính vào số thông tin khổng lồ ấy, họ sẽ tìm cách hướng quảng cáo đến đúng đối tượng hơn.

7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà ngại không hỏi - Ảnh 4.

Theo Bogost, thì chỉ một phần thông tin rất nhỏ cũng có giá trị nhất định. Ông đã thử chơi một game trên Facebook, và chia sẻ như sau:

"Chỉ cần bạn chơi một lần thôi, tôi đã có đủ dữ liệu về bạn... trong nhiều năm. Tôi có thể biết bạn thích gì, xu hướng hành vi thế nào." - ông chia sẻ trên Vox.

Nếu bạn làm một cái quiz 10 năm trước, có thể khối dữ liệu ấy có tuổi thọ cũng khoảng 10 năm. Nhưng việc này chỉ khiến nó ít giá trị hơn thôi, chứ không hề vô giá trị.

5. Làm sao để biết ai đang có dữ liệu của mình?

Hiện tại thì không có cách nào. Facebook mới đây đã đưa ra thông báo nếu dữ liệu của bạn bị Cambridge Analytica khai thác. Bạn cũng có thể vào phần ứng dụng trong hệ thống của Facebook để xem bản thân đã cho phép những ứng dụng nào truy cập vào tài khoản của bạn.

Tuy nhiên, bạn sẽ không thể biết ai khai thác dữ liệu của bạn thông qua danh sách bạn bè. 

6. Tôi có rất nhiều ứng dụng đăng nhập bằng tài khoản Facebook? Họ đang thu thập dữ liệu đúng không?

Đúng là như thế, nhưng đây là sự đánh đổi. Những ứng dụng này dùng tài khoản Facebook để đăng nhập nhằm giúp người dùng dễ sử dụng hơn - khi không cần thêm bất kỳ mật khẩu hay tài khoản nào.

Nhưng đổi lại, ứng dụng ấy sẽ có email, hoặc ảnh trên Facebook và một số thông tin khác. 

7. Làm thế nào để bảo vệ dữ liệu - ngoài cách xóa Facebook?

Siva Vaidhyanathan, giám đốc Trung tâm truyền thông tại ĐH Virginia (Mỹ) cho rằng thực tế thì chúng ta không có quá nhiều lựa chọn. 

Bạn có thể vào phần xét duyệt app để xóa bỏ những ứng dụng đã được cấp quyền, nhưng đổi lại là việc truy cập trở nên khó khăn hơn. Sự tiện dụng và dữ liệu là 2 thứ cần đánh đổi.

7 thắc mắc về scandal lộ data của Facebook ai cũng muốn biết mà ngại không hỏi - Ảnh 5.

Ngoài ra, Vaidhyanathan cũng cho rằng vấn đề nằm ở những người thượng tầng của Facebook. "Họ cho rằng thứ gì tốt cho Facebook cũng là tốt cho xã hội. Họ thực sự tin nếu có thể lấy nhiều dữ liệu, dịch vụ của họ sẽ tốt hơn, qua đó đem lại sự tiện dụng cho cuộc sống của chúng ta."

Tham khảo: Vox