Chỉ còn đúng một tuần nữa, học sinh lớp 12 cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. 7 ngày trước kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh, nhiều sĩ tử vẫn tích cực ôn luyện từ sáng đến khuya.
Với nhiều sĩ tử, quãng thời gian này này không dành cho việc nghỉ ngơi mà được xem là "thời điểm vàng" để tổng ôn lại kiến thức 3 năm học. Tuy nhiên, cận kề ngày thi Đại học, nhiều học sinh không chạy tránh khỏi áp lực, chán nản vì nỗi lo không đậu vào ngôi trường mong ước. Giải đề mãi nhưng điểm thi thử không tăng lên, sức khoẻ tâm lý bị ảnh hưởng, lo lắng cho kết quả thi... là những băn khoăn chung của nhiều học sinh lớp 12 trong giai đoạn này.
Minh Nguyệt (lớp 12, học sinh một trường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia từ khoảng đầu năm lớp 11. Nguyện vọng 1 của cô bạn là chuyên ngành Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đăng ký vào chuyên ngành có điểm đầu vào cao bậc nhất của trường Đại học này, tuy nhiên trong những lần thi thử gần nhất, mức điểm 3 môn khối D của Minh Nguyệt khá thấp, chỉ rơi khoảng 19-20 điểm. Chính vì vậy, mặc dù đã mệt mỏi vì lịch ôn thi dày đặc, cô bạn vẫn tự nhủ phải chăm chỉ học tập, không dám lơ là ôn tập kiến thức.
Đứng trước kỳ thi quan trọng nhất, nhiều sĩ tử lớp 12 không tránh khỏi cảm giác chán nản, mệt mỏi vì áp lực ôn thi kéo dài (ảnh minh hoạ)
Tâm sự về quãng thời gian căng thẳng này, Minh Nguyệt cho hay: "Ngày nào mình cũng ngồi vào bàn học, giải đề, học thuộc nhưng điểm cũng chỉ dừng ở mức trung bình, không kéo lên được. Cảm xúc tiêu cực thì chắc chắn có. Có những lúc gặp một câu Toán đơn giản mà giải 30 phút không ra đáp án, hay nếu không nhớ được thời điểm ra đời và tác giả của bài thơ là mình thấy áp lực lắm.
Thú thật, khi nhìn bạn bè xung quanh ai cũng đạt điểm cao, mình chỉ muốn bỏ cuộc, không ôn luyện gì nữa vì cảm thấy có cố gắng đến đâu vẫn chẳng thể đạt được kết quả tốt".
Trước đó, do ôn thi kéo dài kèm nỗi lo lắng về điểm số đã khiến Minh Nguyệt gặp áp lực tâm lý, thậm chí mất ngủ và khóc trong nhiều đêm. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm của gia đình, cô bạn đã dần giải toả được tâm trạng và đang chuẩn bị trạng thái tâm lý tốt nhất để hướng đến kỳ thi quan trọng.
"Hầu hết các bạn lớp mình đều nản với việc ôn thi Đại học lắm rồi. Có bạn thì vẫn thức đến 4 giờ sáng để học bài, nhưng cũng có bạn đã bắt đầu đi chơi game, ngày ngày dạo quanh thành phố để bớt áp lực", Minh Nguyệt chia sẻ thêm.
Cận kề ngày thi, sĩ tử lớp 12 vẫn miệt mài học ngày học đêm (Ảnh minh họa)
Giống Minh Nguyệt, Thu Huyền (lớp 12, THPT Quốc Oai, Hà Nội) cũng mang tâm trạng lo âu khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi Đại học. Cô bạn vừa ôn thi, vừa tìm cách thoát khỏi cảm xúc tiêu cực.
"Trong giai đoạn nước rút, việc học của mình ngày càng khá khó khăn, vì càng gần đến ngày thi là bọn mình càng thấy mệt mỏi. Bên cạnh chuyện ôn tập, mình còn khá áp lực vì năm nay số lượng thí sinh khá đông, bọn mình còn mất nửa năm học online do dịch Covid-19 nên có phần chán nản, chậm trễ ôn thi trong thời gian đó. Tâm trạng chung của nhiều người là lo lắng, sợ thi trượt, sợ không đủ điểm vào trường mình muốn", Thu Huyền trăn trở.
Chia sẻ với chúng tôi, Thu Huyền cho biết phần lớn thời gian trong những ngày này của cô bạn chỉ xoay quanh việc học. Nguyện vọng 1 của Thu Huyền là vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vốn không phải là định hướng của bố mẹ Huyền cho con gái. Chính vì vậy, Huyền càng nỗ lực để thi đậu vào ngôi trường mong ước, cũng như chứng minh năng lực bản thân cho bố mẹ.
"Thời gian trong ngày của mình phần lớn là dành cho việc học. Nếu không đi học thêm nhà thầy cô thì mình sẽ tự học ở nhà. Học nhiều là vậy đấy, thế nhưng mình vẫn cứ cảm thấy bản thân chưa đủ kiến thức, đủ tự tin để đi thi Đại học. Bên cạnh đó, bố mẹ mình cũng ở bên, nhắc nhở chuyện học tập. Cứ khi nào bố mẹ thấy mình lướt TikTok một tí là nhắc vào bàn học liền".
Thu Huyền cảm thấy càng ôn càng thấy nhiều kiến thức cần phải học
Tương tự như Thu Huyền, cô bạn Minh Nguyệt cũng miệt mài học bài rồi giải đề từ sáng đến khuya, không dám nghỉ ngơi. Hiện tại, mỗi ngày Minh Nguyệt gần như gắn liền với cái bàn học. Ban ngày, nữ sinh dành thời gian ôn thi môn Toán và Tiếng Anh. Khoảng sau 19h tối, cô bạn tập trung giải đề môn Văn, môn thi mà cô cảm thấy mình chưa đủ tự tin nhất.
Nữ sinh thường chỉ đi ngủ sau khi học bài đến 2-3 giờ sáng. Trung bình Minh Nguyệt dành 5 tiếng/ ngày cho thời gian ngủ, nhưng cũng có những hôm cô bạn chỉ ngủ 4 tiếng/ ngày vì ôn thi. Nếu có hôm nào cảm thấy thì mệt, Minh Nguyệt sẽ chủ động đi ngủ sớm
"Mình thường ôn thi buổi tối và thức đến khuya muộn vì đó là quãng thời gian mình tập trung nhất trong ngày. Điều mình 'rối' nhất là càng đến ngày thi thì càng thấy lượng kiến thức còn phải ôn quá nhiều. Bạn bè xung quanh cũng chăm chỉ học tập nên mình thấy chuyện thức đến sáng ôn thi cũng là chuyện bình thường.
Mình cũng tự nhủ trước kỳ thi 3 ngày sẽ cho bản thân nghỉ ngơi, đi ngủ sớm để đạt trạng thái tinh thần tốt nhất. Tuy nhiên, trong mấy ngày này thì cố ôn được bao nhiêu kiến thức thì sẽ cố bấy nhiêu", nữ sinh tâm sự.
(ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, nhiều sĩ tử khác lại cảm thấy khá thoải mái vì đã có kế kế hoạch ôn thi dài hạn từ trước. Đơn cử như trường hợp cô bạn Mai Anh (học sinh lớp 12, THPT Quốc Oai, Hà Nội) đã không phải thức khuya, dậy sớm để học bài. Gần sát ngày thi, mặc dù vẫn còn lo lắng vì khối lượng kiến thức ôn còn khá nhiều, áp lực thi cử nhưng cô bạn đã dần cho bản thân có quãng thời gian nghỉ ngơi, tránh bị xuống sức những ngày cuối.
"Giai đoạn này, mình cũng căng thẳng và mệt mỏi lắm, lo lắng đề thi khó và yêu cầu mức độ vận dụng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, mỗi ngày mình chỉ dành khoảng 5 tiếng làm đề, 2 tiếng chữa đề. Khoảng 11 giờ mình sẽ đi ngủ để giữ sức khoẻ đến hôm thi".
Trên thực tế, không chỉ có học sinh mới gặp áp lực vì chuyện thi cử, nhiều cha mẹ cũng như "ngồi trên đống lửa" khi có con ôn thi lớp 12. Thương con ôn thi vất vả, lo ngại con không đỗ vào nguyện vọng 1... là tâm trạng chung của nhiều ông bố, bà mẹ những ngày này.
Thu Huyền cho biết cô bạn thấy may mắn vì có bố mẹ luôn ở bên quan tâm, tạo điều kiện hết mức trong những ngày ôn luyện vất vả. Mặc dù bố mẹ có phần không đồng ý với nguyện vọng 1 thi Đại học của Huyền, song cả hai không hề tạo áp lực và vẫn cổ vũ cô bạn nuôi dưỡng ước mơ:
"Lúc nào mẹ mình cũng bảo, thi cử quan trọng, mình lo một thì bố mẹ mình lo mười. Mặc dù mẹ mình không ưng ý ngôi trường Đại học mình chọn vì lo tương lai theo nghề này sẽ khổ, thế nhưng bố mẹ không ngăn cấm, chấp nhận để mình đi học trường này.
Mấy ngày này mẹ mình lo đến nỗi cứ thấy trường nào có xét tuyển học bạ là mẹ bắt mình nộp đơn liền. Dù mấy trường đó là các trường dạy về ngành kinh tế, không phải nguyện vọng của mình. Nhưng mẹ mình cứ động viên mình nộp đơn, rồi bảo nếu có lỡ trượt sau này thì cũng có trường để theo học".
Mẹ Thu Huyền động viên con nộp hồ sơ vào những trường xét tuyển học bạ để phòng trường hợp con không đỗ đúng vào trường nguyện vọng
Còn về phía gia đình của Minh Nguyệt, bố mẹ nữ sinh cũng cùng chung tâm trạng lo lắng không kém con gái. Từ chuyện cho con ăn món gì vào ngày thi, ai đưa đón đến điểm thi, đưa con đi chơi đâu sau khi thi xong... bố mẹ ngày nào bàn bạc và trò chuyện với Minh Nguyệt để mong cô giảm tải áp lực thi cử.
Hay có những lúc, bố mẹ sẽ bắt Minh Nguyệt tạm ngưng việc ôn thi để... đi lên chùa. Đây không chỉ là cách bố mẹ giúp Minh Nguyệt giải toả áp lực học tập, mà cũng là phương pháp giúp cô xin "may mắn" trước kỳ thi quan trọng.
"Bố mẹ đã nói rất nhiều về dự định cho mình đi chơi sau kỳ thi, vì bố mẹ cũng biết mình đang căng thẳng lắm. Có hôm mình thức ôn thi đến 1 giờ sáng, vì mệt quá nên gục xuống bàn ngủ lúc nào không biết. Khi mình tỉnh dậy thấy bố bên cạnh, cầm cốc nước cam, bảo mình uống rồi đi ngủ đi. Bố bảo nhiều đêm thấy mình thức khuya ôn bài, bố mẹ cũng lo đến không ngủ được. Đây là cuộc thi quan trọng nhất với mình. Dù không ai nói ra nhưng mình biết, cả nhà đều đặt kỳ vọng mình đỗ được đúng nguyện vọng".
Trước kỳ thi Đại học của con, bố mẹ nào cũng cùng chung tâm trạng lo lắng, thương con ôn thi vất vả (ảnh minh hoạ)
(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)