Chẳng quá lời khi nói điêu khắc là một trong những bộ môn nghệ thuật đẹp nhất. Thông qua những bức tượng, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể đưa người xem đến một thế giới hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ. Một nơi bị chi phối bởi những ý tưởng của nghệ sĩ và khả năng cảm thụ của từng con người.
Thời gian trôi, số lượng các nghệ sĩ xuất hiện trong lịch sử là rất nhiều, trong đó có những người thực sự rất giỏi. Họ đã cho ra đời những tác phẩm có thể đem lại đồng thời 2 cảm xúc: thú vị, và sợ hãi.
Nghệ sĩ đến từ Québec (Canada) - Guy Olivier Deveau trên thực tế đã tạc những bức tượng như thế này tại rất nhiều bãi biển trên toàn thế giới. Chính xác hơn là bất kỳ nơi nào có tổ chức triển lãm tạc tượng cát trên biển.
Những bức tượng của Deveau có tên The Bleeding Head (tạm dịch: cái đầu chảy máu). Chúng được đánh giá là thực tế một cách kỳ lạ, đầy thu hút nhưng cũng đầy hung hiểm, hấp dẫn nhưng gây sợ hãi trong cùng một thời điểm.
Được biết, Deveau hoàn thành bức tượng trong 3 ngày - vì đó cũng là khoảng thời gian các lễ hội cho phép nghệ sĩ thực hiện tác phẩm của mình.
Phía bên ngoài sân bay quốc tế Denver của Hoa Kỳ, có một bức tượng khổng lồ. Nó tạc hình một con ngựa cao đến 10m, với vẻ ngoài như một con quỷ: toàn thân màu xanh và đôi mắt rực đỏ.
Cũng bởi ngoại hình này mà người dân tại Denver gọi nó là "Blucifer" (ghép giữa blue - màu xanh, và lucifer - chính là ác quỷ Satan).
Nhưng quan trọng hơn, sự đáng sợ của con ngựa không chỉ nằm ở vẻ ngoài, mà vì đây là một bức tượng chết chóc. Người làm ra nó là nghệ sĩ Luis Jeménez - người đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tạc tượng. Vậy mà trong quá trình vận chuyển, ông bị một mảnh của con ngựa rơi trúng đầu, dẫn đến thiệt mạng.
Ngày nay, bức tượng đang là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến Denver. Họ gọi nó là biểu tượng của thành phố này. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lại cảm thấy sợ hãi, cho rằng nên di dời bức tượng đi trước khi quá muộn, vì nó chỉ đem lại tai ương thôi.
Năm 2012, nghệ sĩ Damien Hirst đã đem đến cho giới nghệ thuật Anh Quốc một trong những tác phẩm gây tranh cãi bậc nhất. Đó là Verity - bức tượng mang tên "Chân lý" - được đặt tại khu nghỉ mát Ilfracombe bên bờ biển Devon, nước Anh.
Tác phẩm bằng đồng cao 20m, nặng 25 tấn, mô tả một nữ chiến binh đang mang thai, giương cao thanh kiếm. Nếu nhìn từ bên trái sang, bức tượng cũng không có gì đáng để bàn. Nhưng từ bên phải, bức tượng không những khỏa thân mà còn như bị... bóc trần khi để lộ hộp sọ, xương, múi cơ, và cả bào thai bên trong.
Thời điểm bấy giờ, Hirst bị chỉ trích thậm tệ. Họ gọi đây là "thứ nghệ thuật của kẻ độc tài", "Sẽ phá hủy nền nghệ thuật của Anh".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tin rằng tác phẩm này sẽ là một biện pháp thu hút du khách rất hiệu quả, và quả thực mục tiêu ấy cũng phần nào được hoàn thành.
Sau chuyến du lịch tới Ấn Độ, nghệ sĩ điêu khắc Victor Langheld đã quyết định xây dựng công viên Victor's Way Park. Mục đích của ông là trưng bày những tác phẩm khiến con người ta phải suy nghĩ về cuộc sống và các mục tiêu của cuộc đời.
Công viên có tổng cộng 14 bức tượng, và cần đến 20 năm để hoàn thành. Một trong số những bức nổi tiếng nhất là tác phẩm "The Split Man" - mô tả một người tự xẻ đôi cơ thể, nhằm thể hiện sự giằng xé trong tâm can khi một người không còn mục đích sống nữa.
Nằm trong công viên Kampa xinh đẹp của Cộng hòa Czech, những bức tượng em bé này đã khiến không ít du khách phải giật mình kinh hãi.
Chúng là tác phẩm của David Cerny, với hình tượng là những em bé đang bò. Tuy nhiên, thứ gây rùng mình ở đây là tất cả đều không có khuôn mặt, mà thay vào đó là một cái rãnh giống như khe cắm thẻ nhớ vậy.
Thậm chí, những em bé này còn có thể "leo tường", mà cụ thể là chúng được treo trên cột tháp truyền hình Žižkov TV.
Vào ban đêm, trông chúng thậm chí còn kinh khủng hơn vì ánh đèn sắc đỏ chiếu vào.
Tác giả của bức tượng gây rùng mình này vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết rằng, nó nằm trong số những bức tượng kỳ lạ nhất tại thành phố Ghent của Bỉ.
Nhiều người khi nhìn vào bức tượng này đều có chung một cảm nhận: nổi da gà.
Bức tượng tạc hình ảnh thánh Bartholomew vào năm 1562, đồng thời là một trong những kiệt tác của nghệ sĩ Marco d'Agrate.
Nhìn qua, tác phẩm không có gì quá đặc biệt. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn, sâu hơn, bạn sẽ nhận ra rằng chiếc áo choàng bức tượng đang khoác là một bộ da người. Đó là bộ da của chính thánh Bartholomew.
Nguồn: Cracked